Sau khi bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu cơ quan truyền thông lớn nhất của nước này là ERT, chính phủ Hy Lạp đã buộc phải đóng cửa cơ quan này hôm 11/6.
Người dân Athens tập trung trước cửa cơ quan truyền hình quốc gia để bày tỏ sự ủng hộ với cơ quan này. Ảnh: RT |
Cải cách sốc
Cơ quan Truyền hình và Phát thanh của Hy Lạp (ERT) đã phát sóng chương trình cuối cùng vào lúc 23h tối 11/6 (giờ địa phương). Ngay sau đó, hơn 2.700 nhân viên của ERT bị rơi vào cảnh bế tắc.
Nguyên nhân của việc đóng cửa ERT là vì cơ quan này bị cho là điển hình thiếu minh bạch, chi tiêu hoang phí và trong bối cảnh Hy Lạp đang gặp khủng hoảng, cơ quan này buộc phải đóng cửa.
Sau khi cơ cấu lại, Đài truyền hình sẽ được tinh gọn với ít nhân lực hơn mà theo mô tả của chính phủ Hy Lạp, đó sẽ là một 'cơ quan truyền hình hiện đại'.
Hãng truyền hình mới sẽ có tên gọi là NERIT, trực thuộc nhà nước nhưng do công ty tư nhân điều hành thông qua một mức phí đặc biệt.
Theo tạp chí Focus của Đức, Nerit sẽ có 1.200 nhân viên, như vậy có nghĩa là 1.500 nhân viên cũ của ERT buộc phải thôi việc và được bồi thường.
Phản ứng lại quyết định sốc này, các nhà báo của Đài nhất quyết không chịu rời cơ quan.
Quyết định này của Hy Lạp gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong nước và chỉ trích nặng nề từ bên ngoài. Athens nói rằng cơ quan truyền hình buộc phải 'gọt đẽo' lại trong một nỗ lực lớn nhằm cắt giảm chi tiêu đáng kể, nhờ đó họ sẽ có thêm khoản tiền cứu trợ từ các chủ nợ nước ngoài.
Người dân Hy Lạp đã đổ về bên ngoài trụ sở ERT ở Athens để bày tỏ sự ủng hộ đối với hãng truyền hình.
"Người dân Hy Lạp đang phải trả tiền cho ERT trong khi cơ quan này lại có số nhân sự lớn gấp 3, thậm chí là 8 lần so với số cần thiết" - người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Simos Kedikoglou nói.
"Cơ sở vật chất của họ quá thừa thãi và thậm chí còn chưa sử dụng đến" - ông Kedikoglou nói thêm và chỉ trích ERT vì 'các lợi ích đối với nhân công của họ và chi số tiền quá lớn cho các sản phẩm thừa'.
Việc đột đột đóng cửa ERT là sự việc hy hữu, lần đầu tiên xảy ra với một chính phủ châu Âu kể từ Thế chiến II trở lại đây.
Hai liên đoàn lao động lớn nhất của Hy Lạp là GSEE và ADEDY đã bày tỏ sự thống nhất và phản đối quyết định này bằng 24h đình công vào ngày hôm nay.
Nguy cơ đổ vỡ
Ngày hôm qua, chính phủ liên minh non yếu của Hy Lạp đã không thể đưa ra một thỏa hiệp liên quan tới việc đóng cửa ERT. Mặc dù kế hoạch của Thủ tướng Samaras vì một cơ quan truyền hình nhà nước trong sạch, tinh gọn hơn nhưng vụ đóng cửa ERT đã khiến cho các liên minh trung tả của ông là PASOK và đảng Dân chủ cánh tả bối rối. Nếu thiếu hai liên minh này, đảng bảo thủ của Thủ tướng sẽ mất đi đa số phiếu trong quốc hội.
Vụ việc ERT dẫn đến khả năng rất hiện hữu là liên minh này có thể bị phá vỡ và do đó sẽ không thể thông qua các cải cách then chốt mà các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp yêu cầu.
Mặc dù lãnh đạo hai đảng cánh tả này đều nói rằng họ cam kết duy trì liên minh, nhưng cũng nói thêm rằng vấn đề ERT sẽ vẫn được mở ra trong các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lại không muốn liên lụy tới tranh cãi này tại Hy Lạp.
"Quyết định của các nhà chức trách Hy Lạp nên được nhìn nhận trong bối cảnh các nỗ lực lớn và cân thiết mà họ đang tiến hành để hiện đại hóa nền kinh tế Hy Lạp. Những biện pháp này bao gồm cải thiện năng lực và hiệu quả của lĩnh vực công" - đại diện của EC nói trong bài phát biểu.
Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng cho biết trong một bản báo cáo tháng này là họ đã có nhiều 'sai lầm đáng kể' trong việc giải quyết gói cứu trợ cho Hy Lạp. Cơ quan này cho biết họ đã đánh giá thấp việc các biện pháp thắt chặt chi tiêu áp đặt lên Hy Lạp sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế nước này.
Lê Thu (tổng hợp)