Mọi chi tiết liên quan đến Edward Snowden tiếp tục được dư luận quan tâm và
theo dõi sát sao trong bối cảnh nhân vật này bị cáo buộc tội phản quốc và đang
bị tình báo Mỹ truy lùng ráo riết.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Edward Snowden đã làm việc cho NSA 4 năm. |
Anh hùng hay kẻ phản bội?
Vào tuần trước, Snowden quyết định lộ mặt sau những tiết lộ động trời về chương trình PRISM theo dõi rộng khắp của NSA đối với các hồ sơ Internet và điện thoại của người dân nước này. Các nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng đòi yêu cầu dẫn độ nhân vật này ngay lập tức từ Hongkong về nước.
Một ngày sau khi công khai danh tính trên tờ báo Anh The Guardian, ngày 10/6, Snowden đã trả phòng tại khách sạn ở Hongkong, Không một ai biết người đàn ông 29 tuổi này đi đâu và hành động tiếp theo của anh ta là gì.
Nhà Trắng chưa có bình luận gì, mặc dù đã xác định Edward Snowden chính là nguồn tiết lộ cho báo chí rằng chính phủ Mỹ có các chương trình tuyệt mật theo dõi điện thoại và Internet của người dân. Phát ngôn viên Jay Carney của Nhà Trắng cho biết vụ này đang được điều tra và khẳng định các chương trình theo dõi đó được giám sát chặt chẽ, được cả Tòa án lẫn Quốc hội phê chuẩn.
Hiện tại, cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đang duyệt lại những hậu quả tai hại từ việc tiết lộ này và cho biết thêm rằng "bất cứ người nào đã được điều chuẩn an ninh để có thể xử lý các thông tin tuyệt mật đều phải hiểu là mình có nghĩa vụ phải bảo vệ các thông tin đó và tuân thủ luật pháp".
Ngay khi Edward Snowden lộ danh tính, nhiều người đã tham gia kiến nghị ủng hộ anh ta trên trang mạng của Nhà Trắng. Họ ca ngợi Snowden là một người hùng và yêu cầu Tổng thống Barack Obama đặc xá cho anh ta. Phát ngôn viên Jay Carney không đưa ra bình luận nào, chỉ nói rằng phải có ít nhất 100.000 chữ ký thì Nhà Trắng mới phản hồi.
Trái lại, nhiều nghị sĩ Mỹ mô tả hành vi của anh là "phản quốc". Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho biết nhà chức trách Mỹ đang "hành động cương quyết" để tìm cách bắt giữ Snowden.
Chủ tịch Tiểu ban An ninh nội địa Hạ viện Peter King cho rằng "phải dùng hình phạt nặng nhất đối với Snowden và bắt đầu quá trình dẫn độ càng sớm càng tốt". Thượng nghị sĩ Bill Nelson thì mô tả hành vi của Snowden không phải là "thổi còi" mà là "phản quốc". "Anh ta phải bị truy tố theo pháp luật" - ông Nelson nhấn mạnh.
Nga "bật đèn xanh" tị nạn?
Ngay sau khi Snowden biến mất khỏi khách sạn ở Hongkong, ngày 11/6, nhật báo
Kommersant dẫn lời phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin rằng Nga sẽ
xem xét một yêu cầu tị nạn từ "người thổi còi" Mỹ nếu như yêu cầu đó được đưa
ra.
Hiện tại, một câu hỏi được đặt ra liệu Snowden có xin tị nạn tại Nga sau khi
được Moscow "bật đèn xanh" hay không? Thực tế, Nga không có các điều luật dẫn độ
với Mỹ.
Vào đầu năm 2012, Mỹ và Nga có thương thảo nhằm thiết lập một hiệp ước dẫn độ tiếp sau hai trường hợp Viktor Bout và Vladimir Zdorovenin, đều là công dân Nga bị các điệp vụ Mỹ bắt ở nước ngoài và đưa tới Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc thương thảo đó không mang lại kết quả.
Một thực tế khác là nhiều thành viên chính phủ Nga luôn sẵn sàng đồng ý cho tị nạn. Nhật báo Kommersant dẫn lời một thành viên Ủy ban Duma Quốc gia Nga phụ trách Chính sách thông tin, Robert Schlegel, nói rằng cho Snowden tị nạn sẽ là một "ý kiến hay".
Snowden từng kể với báo The Guardian rằng anh ta hy vọng sẽ được cho phép tị nạn ở Iceland song người đứng đầu cơ quan nhập cư Iceland khẳng định nước này chưa nhận được yêu cầu chính thức nào, đồng thời cho biết Snowden sẽ phải có mặt ở trên lãnh thổ nước này thì mới làm được điều đó.
Trước đó, Snowden nói với báo The Guardian của Anh rằng quyết định công bố
các tài liệu của NSA đồng nghĩa với việc anh ta không bao giờ có thể trở về nhà
được nữa. Chuyên gia công nghệ này cũng khẳng định anh ta muốn hy sinh bởi "động
cơ duy nhất của tôi là công bố cho công chúng về "bộ máy giám sát khổng lồ".
Các tiền lệ
Trước vụ Snowden, nước Mỹ cũng rúng động bởi tiết lộ của Bradley Manning - một chuyên gia phân tích tình báo trong quân đội Mỹ.
Bradley Manning |
Bradley Manning được quyền tiếp cận với rất nhiều thông tin nhạy cảm và đứng
sau vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ cho trang mạng chuyên cung
cấp thông tin mật WikiLeaks. Trong số hàng nghìn trang tài liệu mà Bradley bị
buộc tội trao cho Wikileaks có video trực thăng Apache giết hại 12 dân thường ở
Baghdad năm 2007.
Lịch sử Mỹ cũng từng chứng kiến một vụ rò rỉ chấn động của cựu nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ William Mark Felt trong vụ bê bối Watergate hồi những năm 1970.
Ông Felt đã tiết lộ thông tin cho 2 phóng viên tờ Washington Post là Bob
Woodward và Carl Bernstein để điều tra và đưa ra ánh sáng vụ đột nhập gài máy
nghe trộm tại khách sạn Watergate ở Washington DC của chính các nhân vật thân
cận của Tổng thống Nixon nhằm vào đối thủ. Trước áp lực và nguy cơ mất chức, vào
tháng 8/1974, Tổng thống Nixon đã phải tuyên bố từ chức.
Thanh Hảo (Tổng hợp)