Từ an ninh mạng đến kinh tế và Triều Tiên, vấn đề nào sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở California cuối tuần này?

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Ông Barack Obama gặp ông Tập Cận Bình năm 2012 ở Nhà Trắng. (Ảnh: AP) 

Theo giới chuyên gia, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ thảo luận về 5 chủ đề chính gồm: an ninh mạng, Triều Tiên, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, tân chính phủ Trung Quốc và những tranh chấp biển đảo ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

An ninh mạng: Tất cả các nước trên thế giới đều tham gia vào các hoạt động gián điệp dưới một hình thức nào đó, nhưng việc do thám qua không gian mạng của Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp Mỹ là đặc biệt nghiêm trọng.

Vấn đề của Tổng thống Obama là những gì ông có thể chứng tỏ cho phe chỉ trích ở Washington rằng ông đã đạt bước tiến với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề này. Các quan chức Nhà Trắng hiện đang rất tích cực giảm nhẹ kỳ vọng về một thông cáo hoặc thông điệp hội nghị chính thức nào đó từ phía lãnh đạo Trung Quốc, người vốn vẫn cho rằng vấn đề này đã bị thổi phồng quá mức.

Nếu Bắc Kinh từ chối ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ bị suy yếu hết sức.

Triều Tiên: Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của CHDCND Triều Tiên đang khấy đảo khu vực và là vấn đề khó đối với chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhất trí rằng Bình Nhưỡng cần phải thay đổi, theo ông Jonathan Pollack - giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings.

Các nhà chức trách Mỹ hiện đang hài lòng trước những dấu hiệu bực dọc của phía Trung Quốc đối với Triều Tiên. Một lời mời nồng nhiệt tới Bắc Kinh dành cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng được xem như một cử chỉ làm bẽ mặt lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un. Đó là chưa kể việc Ngân hàng Trung Quốc đóng các tài khoản liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cũng có thể, những tuyên bố gần đây của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc mong muốn một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân chỉ là một "món quà" dành cho Mỹ trước cuộc gặp nhưng đó là món quà mà Nhà Trắng sẽ không muốn mở vội.

{keywords}
Một Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un là mối lo ngại đối với Trung Quốc và Mỹ.  (Ảnh: AP)

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc: Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang lớn mạnh. Trung Quốc cũng mua được ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới và thậm chí có thể gây trở ngại cho sự phát triển công nghiệp của Mỹ. Đây có thể là một vấn đề đáng lo nhưng Mỹ không làm được gì nhiều.

Chính phủ mới của Trung Quốc: Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu do hai nước đều có khát vọng đạt được cùng một mục tiêu: trở thành cường quốc vượt trội của thế giới. Tuy nhiên, theo ông Cheng Li thuộc Viện Brookings, đây không phải là vấn đề đáng ngại.

Tranh chấp ở Biển Đông và Biển Đông Trung Quốc: Các quyền về biển từ lâu đã là một vấn đề gây nhức nhối, ảnh hưởng đến nhiều nước khu vực Đông Á. Tranh chấp biển đảo có thể gây bất ổn ở khu vực, thậm chí cả thế giới, và có thể dẫn tới chiến tranh, theo Richard Bush - Giám đốc Các nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á.

Những kỳ vọng

Bắc Kinh hiện nay quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ hiệu quả hơn là tập trung vào các chủ đề cụ thể.

"Cuộc gặp này tự thân nó là những gì Trung Quốc muốn đạt được", Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ ở Đại học Renmin nhận xét.

Giới phân tích cũng cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều về một cuộc gặp 2 ngày. Linda Jakobson - Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Lowy về Chính sách quốc tế - cho rằng tuy có vẻ có những nỗ lực nhằm tập trung vào việc ra quyết định chính sách ngoại giao của Trung Quốc, điều này cũng vô cùng phức tạp, với rất nhiều yếu tố.

"Tài năng lãnh đạo thực sự quan trọng", bà nói, "nhưng chúng ta không nên thổi phồng những kỳ vọng rằng nếu ông Tập Cận Bình và ông Obama hợp nhau thì căng thẳng sẽ lập tức giảm bớt. Ở cả hai nước đều có một tổ chức chính trị đứng sau họ... Có rất nhiều lực lượng ở cả Washington và Bắc Kinh có thể nhìn nhận phía kia qua lăng kính ngờ vực".

Một mối quan hệ thiên về cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo "có thể dễ dàng đạt được. Nhưng các mối quan hệ giữa các cá nhân không giống như một sự thành công song phương", chuyên gia Shi Yinhong đánh giá.

Thanh Hảo (Theo Brookings, Guardian)