Cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần này giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một cơ hội quan trọng để lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vạch ra một con đường suôn sẻ hơn, tránh những xung đột vốn gây khó cho quan hệ giữa hai nước.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Ông Barack Obama gặp ông Tập Cận Bình năm 2012. (Ảnh: EPA) 


Chủ tịch Tập Cận Bình hiện vẫn đang phải ổn định công việc của ông trên cương vị nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc và là một người tương đối mới trên trường quốc tế so với ông Obama, vị Tổng thống đã đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình dường như hiểu rất rõ "thế trận". Hồi tháng trước, ông đã nói với một trong những trợ tá cấp cao của Tổng thống Obama rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở một "thời điểm quyết định" để xây dựng dựa trên những thành công trong quá khứ và mở ra những quy mô mới cho tương lai.

Và cả thế giới đang nóng lòng muốn nghe những gì ông đang có trong đầu.

Hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đã nhất trí về một khuôn khổ không chính thức cho các cuộc hội đàm của họ ở California trong 2 ngày thứ Sáu và thứ Bảy (7-8/6), lâu hơn so với thường lệ cho những cuộc gặp như vậy. Điều này thực sự có ý nghĩa bởi vì có rất nhiều vấn đề cần bàn bạc, không chỉ các vấn đề kinh tế và chính trị rộng khắp, mà cả những điểm tranh cãi cụ thể.

Một câu hỏi cơ bản về mối quan tâm lớn dành cho Washington là cách thức ông Tập Cận Bình định thi hành quyền lực. Căng thẳng là không thể tránh khỏi giữa hai cường quốc cạnh tranh chính trị và kinh tế, và một số người ở Mỹ lại đang quá nóng lòng muốn hạ gục Trung Quốc như một đối thủ lớn tiếp theo.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện là một người nghiêng về chủ nghĩa dân tộc và sẵn sàng ủng hộ quân đội trong các nỗ lực ngày càng lợi hại của họ nhằm khẳng định vị trí đứng đầu ở Biển Đông và Biển Đông Trung Quốc trước Nhật Bản và các nước khác.

Với điều đó trong đầu, nhiệm vụ của ông Obama là phải tái cam đoan với ông Tập Cận Bình rằng các nỗ lực nhằm tái tập trung chính sách ngoại giao của Washington vào châu Á không là mối đe dọa đối với Bắc Kinh. Nhưng người đứng đầu chính phủ Mỹ cũng cần nói rõ rằng cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc đối với những tranh chấp biển đảo là không thể chấp nhận được.

Còn một chủ đề nữa gây tranh cãi giữa hai bên là tấn công trên mạng. Giữa những căng thẳng gia tăng xoay quanh nhiều tuyên bố rằng tin tặc Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tấn công trên mạng nhằm lấy trộm bí mật của chính phủ và các tập đoàn Mỹ, chính phủ hai nước mới đây đã nhất trí sẽ tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên nhằm thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng. Cuộc gặp tới sẽ là cơ hội để Tổng thống Obama đưa ra bằng chứng đằng sau những tuyên bố đó, và nói rõ tại sao nạn xâm nhập đó, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quan hệ song phương.

Đảm bảo có được cam kết từ Chủ tịch Trung Quốc rằng sẽ ngăn chặn tình trạng này sẽ là một bước tiến rất lớn.

Ông Tập Cận Bình đã tỏ ý quan tâm cải cách nền kinh tế do nhà nước quản lý của Trung Quốc, điều được cho là sẽ dẫn đến một loạt những than phiền ở cả hai phía về các chính sách thương mại hạn chế.

Ông Obama nên hoan nghênh đề nghị 4,7 tỷ USD mới đây của công ty Trung Quốc Shuanghui International nhằm mua hãng chế biến thịt lợn Smithfield Foods như một ví dụ minh họa cho thương mại tự do lành mạnh có lợi cho cả đôi bên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ là người kém cỏi nếu không chỉ ra rằng trong khi các công ty Trung Quốc như Shuanghui vươn ra nước ngoài tương đối dễ dàng thì các hãng của Mỹ và châu Âu lại phải đối mặt với vô số trở ngại ở Trung Quốc.

Chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bao gồm cả Triều Tiên. Mặc dù gần đây Bắc Kinh đã đóng một vai trò tích cực trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng giảm bớt ngôn từ đe dọa và trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này, Bắc Kinh vẫn không đứng về phía Mỹ và Hàn Quốc trong việc chỉ ra cách thức đáp trả tốt nhất nếu Triều Tiên "bùng nổ".

Mỹ và Trung Quốc đều là những thách thức chiến lược lớn nhất của nhau, nhưng hai nước cũng đang được đầu tư vào số phận của nhau. Điều đó đòi hỏi các nỗ lực liên tục nhằm đương đầu với những vấn đề chung và giải quyết những khác biệt một cách thành thật và minh bạch, một nhiệm vụ có thể được làm cho dễ dàng hơn bởi một cuộc gặp thành công.

Thanh Hảo (Theo NY Times)