Một nhóm tư vấn quân sự của Trung Quốc đề cập trong báo cáo thường niên của nhóm này rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành một 'trung tâm toàn cầu mới' trong cuộc cạnh tranh địa chính trị và quân sự, cảnh báo về các nguy cơ đối với môi trường của Trung Quốc và các đụng độ có thể xảy ra với Nhật Bản về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ảnh: Telegraph

Báo cáo Phê bình Chiến lược 2012 do Trung tâm Chính sách Quốc phòng Quốc gia (CNDP) của Trung Quốc phát hành trong tuần qua. Đây là trung tâm trực thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng chưa nguôi về tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông và cảnh báo rằng đụng độ có thể xảy ra nếu như tranh cãi leo thang.

Báo cáo cũng nói rằng đối đầu giữa hai bên về chuỗi đảo đá này có thể mở rộng từ trên biển cho tới trên không.

Ông Liu Lin - một nhà nghiên cứu trong Học viện này nói rằng nguy cơ đối đầu đặc biệt ngày càng cao khi đã có thời điểm Tokyo điều các máy bay chiến đấu và tàu chiến ra khu vực tranh chấp để ngăn các máy bay và tàu của Trung Quốc.

Báo cáo cũng thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ bị tổn hại vì tranh chấp này, mà còn gây đe dọa đối với ổn định khu vực.

Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói rằng một mặt, mục tiêu chiến lược của Mỹ là để Trung Quốc sa lầy vào các cuộc tranh chấp lãnh thỏ với các nước láng giềng, mặt khác, Washington sẽ không muốn xung đột vũ trang xảy ra vì điều này không phục vụ lợi ích của Mỹ.

"Mỹ đang cố tìm cách chơi một 'cuộc chơi cân bằng để kiểm soát tình hình''- ông Shen nói. "Trong khi Mỹ nói đi nói lại rằng họ không muốn đứng về bên nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, cùng lúc đó họ lại tuyên bố rằng quần đảo này nằm trong khuôn khổ Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung giữa Mỹ - Nhật".

"Nhưng đây là một cuộc chơi nguy hiểm có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và cuối cùng khiến chính Mỹ bị tổn hại" - Shen cảnh báo.

Huang Dahui - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Renmin - nói rằng tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản thực chất nghiêm trọng hơn là một vụ tranh cãi về quyền lợi.

"Đây cũng là kết quả của việc cân bằng quyền lực. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng Nhật Bản lại coi Trung Quốc là một mối đe dọa và đối thủ cạnh tranh thay vì là một đối tác" - Huang nói.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã trở nên đặc biệt xấu sau khi tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư leo thang vào năm ngoái, nhất là sau khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa 3 đảo tại đây vào tháng Chín năm ngoái.

Lực lượng Tuần tra ven biển Nhật Bản cho biết gần như ngày nào Trung Quốc cũng cử tàu công vụ túc trực ở khu vực biển tiếp giáp với lãnh hải 12 hải lý của Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Lê Thu (tổng hợp)