Báo cáo mật mới đây của Lầu Năm Góc đưa ra tin rúng động: hàng loạt hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ đã bị Trung Quốc đánh cắp dữ liệu. Nếu như Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh, những thứ vũ khí này gần như là vô hiệu.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Các thiết kế máy bay tối tân nhất của Mỹ là F-35 cũng bị đánh cắp |
Các nhóm chuyên gia quốc phòng và tư vấn quân sự Mỹ cho rằng hàng chục thiết kế và công nghệ hệ thống vũ khí then chốt đã rơi vào tay các tin tặc Trung Quốc, dấy nên một sự mơ hồ về khả năng chiến đấu của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở châu Á.
Theo bản báo cáo, các loại vũ khí này gồm có hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao theo khu vực THAAD, máy bay cánh xoay V-22 Osprey, hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot PAC-3, máy bay không người lái Global Hawk, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35.
Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng về lâu dài, các dữ liệu này sẽ giúp Trung Quốc gia tăng lợi thế trong bất kỳ cuộc đối đầu nào, cũng như tăng tốc phát triển công nghệ quân sự tân tiến mà giảm đi được hàng tỉ đồng chi phí.
Trong phiên bản công khai của báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng không hề công bố bản danh sách các vũ khí bị mất dữ liệu, mà chỉ đề cập tới Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ Washington Post rằng các tin tặc Trung Quốc đứng đằng sau hầu hết các vụ tấn công mạng vào hệ thống vũ khí trong danh sách mật.
“Ủy ban Khoa học Quốc phòng là nhóm cố vấn cấp cao gồm có các chuyên gia trong chính phủ và dân sự không hề cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các bản thiết kế” – tờ Washington Post viết. “Nhưng các quan chức cấp cao trong quân đội và ngành công nghiệp biết rõ vụ việc cho biết phần lớn vụ tấn công là một phần trong chiến dịch gián điệp mở rộng của Trung Quốc nhằm vào các nhà thầu quốc phòng Mỹ và các cơ quan chính phủ”.
Hồi đầu tháng này, Lầu Năm Góc công bố một báo cáo khác trình Quốc hội, trong đó nói rằng các vụ gián điệp mạng của Trung Quốc nhằm vào hệ thống vũ khí Mỹ là một phần then chốt trong nỗ lực để tự thúc đẩy của Bắc Kinh.
“Trung Quốc đang sử dụng tiềm lực khai thác mạng lưới máy tính của mình để hỗ trợ cho việc thu thập thông tin tình báo chống lại ngoại giao, kinh tế Mỹ và các lĩnh vực nền tảng công nghiệp quốc phòng hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng quốc gia của Mỹ” – trích từ bản báo cáo thẳng thừng một cách bất thường trình lên Quốc hội Mỹ.
“Thông tin (mà Trung Quốc) nhằm vào có thể được sử dụng để làm lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lợi ích trong việc hoạch định chính sách (tư tưởng của giới chức lãnh đạo Mỹ về các vấn đề then chốt của Trung Quốc), và các kế hoạch quân sự xây dựng nên bức tranh toàn cảnh về các mạng lưới quốc phòng, hậu cần và các tiềm lực liên quan của Mỹ để khai thác trong bối cảnh khủng hoảng” – trích bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ.
“Tất cả các dữ liệu trong bản danh sách này vô cùng nhạy cảm” - Kenneth Flamm, chuyên gia công nghệ của Lầu Năm Góc thời kỳ Tổng thống Bill Clinton nhận định. “Sự việc dấy lên câu hỏi nghiêm trọng về việc liệu chúng ta còn có thể trông cậy vào hệ thống này nữa hay không”.
Chuyên gia an ninh mạng James Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm cố vấn của Washington, nhận định: “Rất nhiều vụ trộm cắp trên mạng xảy ra trước thời kỳ Tổng thống Obama”. “Nhưng chúng ta không thể để yên chuyện đó vì chúng ta không rõ họ đã có được những gì và họ đã làm gì khi ở bên trong các mạng lưới đó”.
Ông Lewis nói rằng các phần mềm có thể chiếm tới 1/3 giá trị của toàn hệ thống vũ khí, chẳng hạn như hệ thống Patriot và các hệ thống khác. Phần mềm cho các hệ thống khác trong bản danh sách mật giờ đây cần đại tu toàn bộ để đảm bảo toàn vẹn.
“Nếu họ vào được bộ mã phần mềm và để lại thứ gì đó, thì chúng ta đúng là có một vấn đề nghiêm trọng” – ông Lewis nói. “Chúng ta có biết được không. Không thể nào. Do đó, câu trả lời là chúng ta phải làm lại hệ thống để đảm bảo rằng nó không bị làm hại”.
Về phần mình, Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc gián điệp, và nói rằng mình cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tư vừa qua của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gọi các cuộc tấn công mạng ‘là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh mà Mỹ phải đối mặt - gồm có an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh ngoại giao, an ninh quân sự’.
Cũng trong thời gian làm việc đó, quan chức cấp cao Trung Quốc là Tướng Phòng Phong Huy cũng khẳng định tầm quan trọng của an ninh mạng khi nói rằng ‘hậu quả mà nó gây ra có thể nghiêm trọng như một quả bom nguyên tử’.
Lê Thu (theo CSM)