Hàn Quốc và nhiều nước khác đã lên án những hành động "khiêu khích" của CHDCND Triều Tiên sau khi nước này phóng 4 tên lửa tầm ngắn trong 2 ngày 18 và 19/5.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Triều Tiên vừa phóng 4 tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông nước này.

Việc Triều Tiên phóng tên lửa ngay lập tức gây chấn động khu vực giữa thời điểm chính phủ các nước đã hy vọng về một sự giảm bớt căng thẳng sau nhiều tháng Bình Nhưỡng leo thang đe dọa chiến tranh.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo bộ này trong tình trạng "báo động cao" sau các diễn biến ở nước láng giềng phía bắc. "Trong trường hợp có thêm các vụ phóng và khả năng điều này có thể dẫn đến khiêu khích, quân đội của chúng tôi tiếp tục tăng cường giám sát Triều Tiên và duy trì trạng thái báo động cao".

Hàn Quốc cũng thông báo triển khai hàng chục tên lửa có dẫn đường do Israel chế tạo ở các đảo tiền tuyến gần vùng biển tranh chấp ở phía tây hai nước. Tuy nhiên, Seoul cũng kêu gọi Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị đối thoại.

Phía Mỹ tuyên bố họ đang theo dõi tình hình và tuyên bố những hành động đe dọa hoặc khiêu khích chỉ càng khiến Triều Tiên bị cô lập hơn với thế giới. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Triều Tiên kiềm chế và thực hiện các bước đi cải thiện quan hệ với các láng giềng", Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong một thông báo. 

Bộ Ngoại giao Anh cũng lên tiếng: "Chúng tôi đã nói rõ với Triều Tiên rằng các lợi ích lâu dài của nước này sẽ không thể được đáp ứng bằng cách đe dọa cộng đồng quốc tế và gia tăng căng thẳng khu vực". 

Từ Nga, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa nào nữa. Nhà lãnh đạo này cũng đề nghị Bình Nhưỡng giảm bớt căng thẳng trong khu vực và "nối lại đối thoại" về chương trình hạt nhân.

Phát biểu sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, ông Ban gọi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là "một hành động khiêu khích".

"Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ kiềm chế những hành động như vậy", ông Ban nói với hãng tin RIA Novosti. "Đã đến lúc họ nối lại đối thoại và hạ thấp căng thẳng. Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp đỡ".

Ông Ban đề nghị Nga - một thành viên của các cuộc hội đàm 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên - giúp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. 

Triều Tiên có nhiều tên lửa song Seoul và Washington không tin nước này đã làm chủ công nghệ cần có để chế tạo các đầu nổ hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để lắp vào tên lửa.

Hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến năm 1950-53 trên bán đảo này kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải bằng một hiệp định hòa bình.

Thanh Hảo (Tổng hợp)