Trong phiên tòa hơn một thập kỷ trước, cựu mật vụ của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Hanssen đã phải lĩnh án chung thân và không được hưởng ân xá.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Robert Hanssen

“Tôi xin lỗi vì hành vi của mình” – gương mặt nhợt nhạt, hốc hác vì sụt quá nhiều cân vì đói khi ngồi tù, điệp viên gây tổn hại nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ là Robert Hanssen nói. “Tôi thấy xấu hổ vì việc mình làm…”.

Hanssen bị kết án với 15 tội danh gián điệp và âm mưu chuyển tài liệu mật cho Liên Xô và sau này là Nga trong suốt 20 năm. Luật sư Paul McNulty nói rằng bản án này chính là lời ‘răn đe’ cho những kẻ có nguy cơ phản bội đất nước.

“Robert Hanssen được đào tạo để tóm gián điệp. Ông ta là một chuyên gia để không bị người khác ‘sờ gáy’. Nhưng rồi lại bị bắt. Và bị trừng trị. Và đó chính là những gì sẽ xảy ra với những kẻ phản bội lại tổ quốc mình” – McNulty nói.

Với 1,4 triệu USD và kim cương nhận được từ Moscow khi bán ‘hàng’, Hanssen đã phải nộp lại gấp đôi số đó để bồi thường cho Mỹ. Không ai biết đích xác động cơ của Hanssen là gì khi bán đi thứ ‘hàng’ khủng khiếp như vậy với chỉ chừng ấy tiền.  

Có người nói rằng, đó là vì bản ngã của Hanssen quá lớn. “Có vô cùng nhiều lý do giải thích cho hành động này. Nhưng chẳng lý do nào thích đáng, nếu không thì ông ấy đã không ở đây [phiên tòa]” – luật sư bào chữa của Hanssen là Plato Cacheris nói. 

Trong bức thư do chính Hanssen gửi cho người Nga ‘chào hàng’ và cũng là sự dấn thân trở thành điệp viên hai mang, ông nói rằng ký ức của ông về điệp viên hai mang người Anh là Kim Philby đã truyền cảm hứng cho ông đến với Moscow. 

“Tôi đã lựa chọn con đường này khi mới 14 tuổi” – trích lời khai của Hassen sau khi tuyên thệ. “Tôi đã đọc cuốn sách của Philby. Giờ đây nó thật điên rồ!” 

Cuộc chơi tình báo ‘thượng thặng’ 

Sáng 4/10/1985, nhân viên Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB chuyên làm công việc tuyển dụng điệp viên Anh và Mỹ làm nội gián Viktor I. Cherkashin nhận được một bức thư ‘chào hàng’ và yêu cầu mức tiền thù lao tương xứng là 100.000 USD. 

Món hàng mà họ nhận được là các thông tin tuyệt mật, cùng với tên của ba điệp viên Liên Xô đã chơi ‘hai mặt’ từ một nguồn của Mỹ. 

Nhận đính tính chất ‘không bình thường’ của lá thư và số hồ sơ, Cherkashin hiểu rằng tầm cỡ của nhân vật đang ‘giao dịch’ với mình không phải hạng vừa. 

Phi vụ đó hoàn thành, KGB của Nga đã loại trừ được rủi ro từ các tay trong trở mặt, và bắt đầu một mối làm ăn mới với một người chơi mới với bí danh “Ramon”, gọi tắt là “P”. 

Bản thân KGB trong suốt thời gian cộng tác cũng không nắm được lai lịch của ‘Ramon’. Khi đó, Robert Hanssen chủ yếu làm ở mảng phản gián, là một trong số ít chuyên gia Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Liên Xô và Nga sau này.  

Hanssen là người theo dõi các hoạt động tình báo của Liên Xô tại Mỹ, theo dõi sứ quán và các cơ quan đại diện khác của Liên Xô tại Washington.  

Hanssen – hay ‘Ramon’ - có thể tiếp cận các tin tức tình báo về Liên Xô ở Mỹ, cũng như phân tích các tài liệu liên quan tới hoạt động tình báo Liên Xô tại Mỹ, tham mưu các biện pháp phản gián cho cấp trên.  

Có lẽ, KGB cũng không thể tưởng tượng nổi tại sao một ‘con cá sộp’ như vậy của Mỹ lại tự ‘nộp mình’ cho Moscow.  

Xuất phát từ lý do vì quá mê con đường ‘hai mang’ theo hình mẫu Philby, dường như Hanssen muốn vừa làm điệp viên kỳ tài của FBI, vừa là điệp viên xuất chúng tại KGB – nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Nga, Mỹ. 

Suốt từ năm 1985, Hanssen đã chuyển cho KGB tổng cộng hơn 6.000 trang tài liệu cơ mật, ‘lật mặt’ những kẻ phản bội KGB, trong đó đặc biệt nhất là giúp ‘xé toang vỏ bọc’ của một viên Tướng tình báo quân đội Liên Xô là Dmitri Fedorovich Polyakov. 

‘Công trạng’ với Moscow  

‘Món hời’ mà Hanssen cung cấp cho KGB khiến cho Kremlin nhiều phen ‘ngã ngửa’, khi họ phát hiện ra rằng ngay dưới chân tòa sứ quán Liên Xô tại Washington là một ‘cái tai khổng lồ và bí mật’ của Mỹ.  

FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã cho xây dựng đường hầm bên dưới sứ quán Liên Xô để theo dõi các cuộc điện thoại cũng như trao đổi bên trong tòa nhà, thậm chí cả trong toilet. Mỹ đã đổ ra cả trăm triệu USD để hoàn tất đường hầm này trước khi tòa trụ sở xây xong. 

Ngay khi nắm được bí mật động trời này, Liên Xô đã vô hiệu hóa mọi tham vọng của FBI và NSA khi biến những câu chuyện đối phương thu được chỉ là ‘tào lao’.  

Đó mới là một trong những ‘tội’ to nhất mà Hanssen gây ‘tổn hại to lớn đến an ninh quốc gia’ Mỹ. Trên thực tế, món hời lớn nhất mà KGB có được chính là điểm ‘tử huyệt’ của ‘kẻ thù’ lớn nhất của mình khi đó.  

Giá trị của những thông tin tình báo này phải lên tới hàng trăm tỉ USD chứ không phải là 1,4 triệu USD và mấy viên kim cương mà Hanssen nhận được, bởi đó chính là ‘Kế hoạch duy trì hoạt động liên tục của chính phủ’ Mỹ trong điều kiện bị tấn công hạt nhân, hay nói cách khác, đó chính là ‘Kế hoạch bảo vệ Tổng thống Mỹ’. 

Vào những năm 1980, kế hoạch này đã được sửa đổi vì Mỹ lo ngại rằng các tiến bộ vượt bậc của Moscow trong lĩnh vực vệ tinh do thám có thể giúp Kremlin ‘lờ mờ’ nắm được yếu điểm này bất kể Washington có tìm cách ngụy trang tinh vi tới mức nào. 

Nhưng những bức ảnh chụp từ vệ tinh cũng không thể nào sánh bằng thông tin tình báo trực tiếp thu được về bí mật ‘bí mật nhất’ nước Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh Lạnh, một khi Moscow nắm được rõ ràng ‘kế hoạch bảo vệ Tổng thống Mỹ’, các loạt tên lửa đạn đạo của Kremlin hoàn toàn có khả năng biến Mỹ thành ‘rắn mất đầu’.  

Để đảm bảo nước Mỹ không rơi vào cảnh hỗn loạn, Washington đã phải chuẩn bị cho tình huống ‘xấu nhất’ xảy ra nếu như an nguy của Tổng thống bị đe dọa. Theo đó, Mỹ lập nên ‘hệ thống định vị trung ương’ nắm bắt hoạt động của những nhân vật chủ chốt có thể đảm đương cương vị ông chủ Nhà Trắng trong trường hợp vị ‘Tổng tư lệnh’ gặp bất trắc. Tổng thống và những người kế nhiệm tiềm năng sẽ không bao giờ tập trung lại cùng một địa điểm. 

Nếu xảy ra tấn công hạt nhân, một trong các lãnh đạo tối cao sẽ được đưa tới trung tâm chỉ huy khẩn cấp dưới lòng đất gần nhất. Các boongke này đều được gia cố với khả năng chống chịu được các cuộc tấn công hạt nhân. Khi đã yên vị, người nhận nhiệm vụ ‘Tổng tư lệnh’ nước Mỹ khi đó sẽ trực tiếp chỉ huy biện pháp giáng trả bằng hạt nhân. 

Ưu tiên hàng đầu của tình báo Mỹ trong thời gian này cũng là tìm kiếm các trung tâm chỉ huy chiến tranh hạt nhân khẩn cấp của Nga. Nhưng CIA và FBI không bao giờ ngờ được chính bản kế hoạch của Mỹ lại được ‘dâng’ lên Nga một cách tự nguyện như vậy. 

Lê Thu (tổng hợp) 

Kỳ II: Vây bắt ‘cáo già’ hai mang