- Tâm điểm tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản những ngày qua chuyển sang hướng quần đảo Ryukyu, trong đó có đảo Okinawa, khơi lại những bất đồng và tranh chấp xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm qua giữa hai nước.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Quần đảo Ryukyu trong đó có Okinawa là đảo chính nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan, nhìn thẳng vào Trung Quốc.

Gần 7 thập kỷ sau Thế chiến II, Trung Quốc trỗi dậy, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vị thế quốc tế và sức mạnh quân sự và chủ nghĩa dân tộc cũng vì thế mà vươn lên tương xứng.

Việc người Trung Quốc biểu tình đòi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay giờ đây các học giả đặt vấn đề xem lại chủ quyền của Nhật với Ryukyu không đơn thuần là sản phẩm từ các cuộc chuyển giao lãnh đạo vừa qua.

Nhiều học giả nước ngoài vẫn nhấn mạnh: chớ nên quên thứ tâm lý ‘rửa nhục’ của người Trung Quốc, nhất là khi họ nghĩ rằng giờ đây họ đã đủ mạnh để ‘đòi’ lại những gì họ cho rằng ‘xưa kia là của mình’.

Để cho một quần đảo trải dài 1.000km được mệnh danh là 'hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm' trang bị đầy vũ khí tối tân án ngữ trước cửa ngõ là điều Trung Quốc không mong muốn.

Quần đảo Ryukyu chạy dọc từ Nhật Bản tới gần Đài Loan, nhìn thẳng vào Trung Quốc. Trung tâm của quần đảo này là đảo Okinawa được gia cố đầy vũ khí hạng nặng và tối tân nhất của Mỹ.

Xưa kia, Ryukyu là đất ở của Vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu), thời phong kiến là phiên thuộc của Trung Quốc và cả Nhật Bản, nhưng đã sáp nhập vào Nhật từ năm 1879.

Người dân ở Ryukyu được cho là có quan hệ gần gũi với Nhật Bản về mặt dân tộc cũng như ngôn ngữ hơn là với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số người Trung Quốc lại coi các quan hệ về lịch sử và văn hóa thời Lưu Cầu còn là phiên thuộc là nền tảng cho chủ quyền và phủ nhận quyền sở hữu quần đảo.

Trong khi đó, các học giả phương Tây và Nhật Bản chỉ ra rằng các mối liên hệ giữa Okinawa và Trung Quốc từ thời xa xưa không phải là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngày nay.

Chưa xét đến các khía cạnh quân sự, chính trị, thì khi xem xét nền tảng văn hóa và thể chế, lịch sử hiện đại của Okinawa, mối liên hệ này gần như quá xa vời.

Sau trận đánh dữ dội năm 1945 giữa quân đồng minh do Mỹ đứng đầu và phát xít Nhật, quần đảo Ryukyu và Okinawa nằm trong quyền kiểm soát của Mỹ.

Nền tảng hình thành nên chính quyền Okinawa bắt đầu nổi lên từ cuối năm 1947, khi tháng 10 năm đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để mắt tới khu vực tây Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của chiến tranh Lạnh ở châu Âu và cuộc cách mạng tại Trung Quốc.

Lo ngại phản ứng dây chuyền từ Liên Xô qua Trung Quốc có thể lan sang Đài Loan, Nhật Bản thông qua quần đảo Ryukyu và gây nên bất ổn, HĐBA đã thúc giục Mỹ siết chặt kiểm soát với quần đảo.

Tới năm 1949, Tổng thống Mỹ Truman đã thành lập nên hệ thống điều hành chung Mỹ - Okinawa.

Ban đầu, các nhà chức trách Mỹ quyết định coi Okinawa và các đảo khác ở Ryukyu là phần lãnh thổ tách rời khỏi phần còn lại của Nhật và muốn biến vùng đảo này là một nơi được Liên Hợp Quốc bảo hộ.

Cuộc chiến Liên Triều năm 1950 đã khiến Mỹ nhận ra tầm quan trọng then chốt của Okinawa khi triển khai quân sự. Kết quả là, trong Điều 3 của Hiệp ước Hòa bình của Mỹ với Nhật có đề cập tới quần đảo Ryukyu như sau: “Mỹ sẽ có quyền sử dụng tất cả và bất kỳ quyền lực hành chính, lập pháp, hành pháp nào trên toàn lãnh thổ và các khu vực không người ở của các đảo này, bao gồm cả vùng lãnh hải”.

Nhưng vào lúc đàm phán Hiệp ước này, đại diện của Mỹ là John Foster Dulles ám chỉ rằng vào một thời điểm nào đó, quyền kiểm soát quần đảo này sẽ trao trả lại cho Nhật.

Vậy còn với người Nhật, Okinawa quan trọng tới mức nào?

Theo nghiên cứu của một số học giả về Okinawa thời hậu chiến, cho tới cuối thập kỷ 1960, hầu hết người Nhật không quá quan tâm tới quần đảo Ryukyu. Nhiều người nghĩ rằng đây là vùng do Mỹ chiếm đóng, nên người dân Okinawa hẳn là đều nói tiếng Anh, ăn thịt đỏ và dùng dao nĩa.

Thậm chí, nhiều người Okinawa theo học tại các trường ở Nhật Bản đại lục đều bất ngờ khi được khen về vốn ‘tiếng Nhật xuất sắc’ cũng như khả năng sử dụng đũa thành thạo.

Tới cuối thập kỷ 1960, Okinawa trở thành vấn đề chính trị phổ biến tại Nhật Bản đại lục với hầu hết mọi người Nhật đều hướng về người dân Okinawa và ủng hộ việc trao trả quần đảo Ryukyu cho Tokyo.

Còn với người dân tại Okinawa, vấn đề mà họ quan tâm lúc này không phải là ý chí của người Trung Quốc, mà là chính quyền Tokyo sẵn lòng đáp ứng mong mỏi của cư dân trên đảo đến mức nào.

Người dân Okinawa đã quá mệt mỏi với sự hiện diện của vũ khí Mỹ, những vụ cưỡng bức mà lính Mỹ gây ra và muốn Mỹ rút hết khỏi đảo. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này với cả Tokyo và Washington vẫn là một bước đi tiến thoái lưỡng nan.

Lê Thu