Các nhà chức trách Bangladesh vừa bắt giữ 2 chủ nhà máy và 2 kỹ sư liên quan đến tòa nhà cao tầng bị sập làm ít nhất 350 người thiệt mạng ở thủ đô Dhaka.

TIN BÀI MỚI:


{keywords}
Nỗi đau của thân nhân một người xấu số trong vụ tai nạn. (Ảnh: AP)

Nhiều nạn nhân đã được cứu thoát ra khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên, cảnh sát Bangladesh cho biết còn khoảng 900 người vẫn mất tích trong vụ tai nạn thuộc diện thảm khốc nhất ở nước này.

Chủ của tòa nhà 8 tầng hiện đang chạy trốn. Cảnh sát đã tạm giữ một số người thân của ông này để buộc đối tượng ra tự thú. Các nhà chức trách cũng đã phát lệnh truy nã tới các sân bay và cửa khẩu để ngăn ông ta chạy trốn ra nước ngoài.

Tòa nhà Rana Plaza, ở ngoại ô thủ đô Dhaka, được xây dựng mà không có giấy phép hợp lệ. Các công nhân được đưa vào đây làm việc bất chấp cảnh báo ngày trước đó rằng công trình không an toàn.

{keywords}
Vẫn còn hàng trăm người mất tích trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập. (Ảnh: AP)

Trong tâm trạng tức giận và phẫn uất, nhiều người Bangladesh đã tham gia biểu tình và các cuộc đụng độ đã xảy ra, với cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để giải tán đám đông đốt phá xe cộ.

Chỉ huy cảnh sát Dhaka cho biết, hai kỹ sư liên quan đến xây dựng tòa nhà đã bị bắt giữ. Ông nói thêm rằng họ bị bắt giữ vì phớt lờ cảnh báo không mở cửa tòa nhà sau một cơn rung lắc và nhiều vết nứt xuất hiện trên các cột của tòa nhà ngày trước đó.

Chủ sở hữu và giám đốc quản lý New Wave Style, nhà máy may lớn nhất trong 5 nhà máy bên trong tòa nhà, đã ra tự thú tại Hiệp hội Dệt may Bangladesh trong đêm và họ đã được dẫn giải tới cảnh sát. Họ sẽ bị tạm giam trong vòng 12 ngày.

Nhà máy New Wave Style, với nhiều khách hàng là các nhà bán lẻ châu Âu và Bắc Mỹ, sử dụng các tầng trên của tòa nhà mà các nhà chức trách cũng khẳng định là trái phép.

"Tất cả những ai có liên quan - gồm nhà thiết kế, kỹ sư và người xây dựng - sẽ bị bắt giữ vì tạo nên tòa nhà không đủ tiêu chuẩn này", Bộ trưởng Shamsul Huq phụ trách các vấn đề trong nước khẳng định.

{keywords}
Người dân và các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân vụ sập nhà. (Ảnh: RT)

Tức giận về điều kiện làm việc của 3,6 triệu công nhân may tại Bangladesh mà hầu hết là phụ nữ với mức thu nhập 38 USD/tháng, tăng cao kể từ sau thảm họa. Hàng trăm người đổ ra đường biểu tình hôm 27/4, đập phá và đốt xe hơi rồi đụng độ với cảnh sát.

Vụ sập nhà hôm 24/4 là tai nạn công nghiệp thứ 3 trong vòng 5 tháng qua ở Bangladesh, nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới. Hồi tháng 11, hỏa hoạn ở nhà máy Tazreen Fashion gần đó đã cướp mạng sống của 112 người.

Những vụ việc tương tự làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự an toàn lao động và tình trạng lương thấp ở Bangladesh, đồng thời làm mờ danh tiếng của đất nước với hàng may mặc chiếm tới 80% lượng hàng hóa xuất khẩu này.

Thanh Hảo (Theo Reuters, AP)