Trong vai trò là nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài khi tới Nga với hàng loạt vấn đề cần trao đổi, từ cạnh tranh trong thị trường vũ khí toàn cầu cho tới giá khí đốt và ảnh hưởng trong khu vực.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TQ soán ngôi Anh về xuất khẩu vũ khí
Vì sao quân đội Mỹ xuống dốc, TQ đi lên?
Ông Tập Cận Bình mang gì tới Nga?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) |
Giáo sư Gilbert Rozman thuộc Đại học Princeton nói rằng “Có rất nhiều vấn đề [trong quan hệ song phương Nga Trung]. Nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có vấn đề nào nảy sinh nổi bật trong vài năm tới”.
Mặc dù các chuyên gia không trông đợi có bất kỳ bước đột phá đáng kể nào nhưng họ đều đồng tình rằng lựa chọn Moscow làm điểm đến đầu tiên của ông Tập là một cử chỉ mang tính tượng trưng quan trọng.
'Chiến hữu' làm ăn
Đối với Moscow mà nói, quan hệ kinh tế với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – là một ưu tiên hàng đầu.
“Nga vẫn là đối tác chính trị số một của Trung Quốc… Giờ đây họ sẽ nói về việc nâng tầm hợp tác kinh tế lên mức độ tương đương vậy” - Andrei Ostrovsky, phó Giám đốc Học viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga nói.
Theo con số thống kê, thương mại Nga – Trung đạt tới gần 88 tỉ USD trong năm 2012, nhỏ hơn một ¼ doanh thu của hai quốc gia với đối tác thương mại lớn nhất của họ là châu Âu.
Cả Tổng thống Putin của Nga và Thủ tướng mới của Trung Quốc Lí Khắc Cường đều khẳng định rằng phát triển kinh tế sẽ là một vấn đề then chốt trong thời gian tới giữa hai nước. Vấn đề bây giờ chỉ là, làm thế nào họ đạt được mục tiêu đề ra.
Vasily Kashin, một chuyên gia về Trung Quốc cũng của học viện trên phân tích: trong khi Nga muốn tăng thị phần các sản phẩm công nghiệp bán sang Trung Quốc, họ phàn nàn rằng Bắc Kinh phong tỏa hầu hết các cửa ngõ bằng các biện pháp bảo hộ.
Điều mà Moscow mong mỏi hơn cả là cuối cùng cũng có thể bắt đầu bơm khí đốt vào nền kinh tế đang khát năng lượng của Trung Quốc.
Công việc này đã bắt đầu kể từ năm 2006, nhưng việc thi công chưa thể tiến hành do hai bên vẫn ‘trục trặc’ về mặt giá cả.
Moscow muốn Bắc Kinh phải trả tiền khí đốt tương đương mức châu Âu đang mua của Nga nhưng rõ ràng Trung Quốc không muốn chi từng đó. Do vậy, Bắc Kinh đã cất công tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả các thỏa thuận khí đốt quan trọng ở các nước Liên Xô cũ ở Trung Á, trong lúc chờ đợi đàm phán mức giá tốt hơn với Nga.
Nhưng ông Putin đã ra thông điệp rõ rằng sẽ không chốt việc giá khí đốt trong chuyến thăm của ông Tập lần này.
Xây dựng thị trường vũ khí
Một lĩnh vực mà từ lâu Moscow và Bắc Kinh có vẻ rất ăn ý với nhau chính là kinh doanh vũ khí, nhưng giờ đây mối thâm tình lại âm thầm chuyển hướng từ hợp tác sang kình địch.
Sự thay đổi lớn nhất diễn ra vào năm ngoái khi Trung Quốc – vốn là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới – lại lọt vào top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí.
Dù rằng thị phần của Trung Quốc chỉ chiếm 5%, không đáng ngại so với con số 26% của Nga, nhưng đó vẫn được coi là một bước tiến lớn so với 2% trong năm 2007.
Suốt những năm 1990, Trung Quốc còn là khách mua lớn lượng vũ khí của Nga. Đỉnh cao là năm 2005, Trung Quốc mua của Nga số vũ khí lên tới 4 tỉ USD.
Nhưng rồi con số này dao động kể từ đó, giảm xuống còn 800 triệu USD vào năm 2009 và rồi lại tăng lên 2,1 tỉ USD vào năm ngoái.
Nga và Trung Quốc vốn không phải là đối thủ trực tiếp vì phân nửa số vũ khí của Trung Quốc xuất khẩu sang Pakistan. Còn Pakistan lại không phải là thị trường Nga nhắm đến vì Moscow là đối tác chiến lược của Ấn Độ - đối thủ về địa chiến lược của Pakistan.
Hơn nữa, Bắc Kinh có vẻ như vẫn muốn mua vũ khí của Nga vì họ vẫn quan tâm tới các tàu ngầm Amur, máy bay chiến đấu S-35 và các hệ thống vũ khí chống chiến cơ S-400. Bắc Kinh thậm chí còn nói với Moscow về việc sản xuất chung các vũ khí mới này.
Tuy nhiên, Moscow đã ngầm lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ cạnh tranh với mình trong lĩnh vực này vì họ sợ rằng các nhà sản xuất của Trung Quốc đang chuyển đổi công nghệ quân sự của Nga và nội địa hóa các thiết bị đó.
Siêu cường Xưa và Nay
Dù rằng Nga và Trung Quốc có chung quan điểm với nhau về một số vấn đề nóng trên thế giới nhưng một thực tế lịch sử là Nga đã từng là một siêu cường, và giờ đây, Trung Quốc là cường quốc đang nổi.
Do đó, Moscow phải rất tinh tế trong cách ứng xử: một mặt nhiệt thành với hợp tác kinh tế mật thiết hơn với láng giềng, mặt khác lại phải tranh đấu với điều mà các chuyên gia gọi là ‘các tham vọng siêu cường’ của Bắc Kinh.
Một khiếm khuyết trong mối quan hệ đôi bên này lại nằm trong vấn đề với Nhật. Dù rằng cả hai đều có tranh cãi chủ quyền biển đảo với Tokyo, nhưng lợi ích lại rất khác nhau.
Bắc Kinh muốn Nga ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Còn Moscow dù đã kiểm soát được quần đảo Kuril nhưng gần đây rất chú trọng cải thiện quan hệ với Nhật.
Một khó khăn ngấm ngầm nữa trong mối thâm tình này chính là Mỹ. Bắc Kinh và Washington buộc lòng gắn bó với nhau vì tương thuộc kinh tế chặt chẽ, nhưng không thể gạt bỏ sự kình địch về mặt địa chính trị.
Và nếu như mối hiềm khích đó leo thang trở thành xung đột, hẳn nhiên Trung Quốc muốn “Nga ủng hộ họ mọi vấn đề về chính sách đối ngoại” – ông Rozman nhận định.
Nhưng tất nhiên, khi hai bên đánh nhau thì Moscow chẳng dại gì chọn bên nào.
Lê Thu (theo RIA)