Tôi có 3 đứa con. Điều đau khổ là tôi mới phát hiện ra một trong 3 đứa con tôi hết lòng yêu thương hóa ra là con của vợ tôi và tình nhân. Từ khi biết được sự thật, tôi không muốn chấp nhận đứa con không mang dòng máu của mình.
Nhưng từ trước đến nay, trong khai sinh của cháu, tôi đứng tên cha. Vậy tôi phải làm những thủ tục pháp lý gì để khước từ quyền làm cha với đứa trẻ không phải con mình?
(Huỳnh Quang Hải, Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt trả lời: Điều 88 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ như sau: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Khoản 2, điều 89 luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình".
Như vậy, Căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên, nếu bạn muốn khước từ đứa trẻ đó (xác định không phải con của mình) thì bạn cần có chứng cứ chứng minh và phải làm đơn ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên đứa trẻ không phải là con của bạn thì lúc đó bạn mới được xác định không phải là cha đứa trẻ.
Vợ không đăng ký kết hôn đòi tố cáo chồng ngoại tình
Người vợ không đăng ký kết hôn sau 20 năm chung sống phát hiện chồng ngoại tình muốn làm đơn tố cáo.
T.Nhung (ghi)