Ngày 14/6, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Lê Ngọc Lê (SN 1976, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm tội Giết người.

Nạn nhân trong vụ án là anh T. (SN 1964) từng đầu gối tay ấp với với bị cáo Lê,. Khi vụ án được đưa ra xét xử, anh T. và bị cáo đã hoàn tất thủ tục ly dị.

Phiên tòa được mở ra để xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo và kháng cáo đòi tăng hình phạt dành cho vợ cũ của anh T.

{keywords}
Bị cáo Lê Ngọc Lê

Kết quả điều tra cho thấy, anh T. và bị cáo Lê kết hôn vào năm 1995. Những ngày tháng hạnh phúc ban đầu khiến họ cho ra đời cậu con trai SN 1996.

Vợ chồng anh T. thường xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi nhau. Họ sống chung một nhà nhưng ly thân.

Ngày 20/12/2012, bị cáo Lê gửi đơn đến TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội yêu cầu được ly hôn. Quá trình chờ tòa án giải quyết, cả năm 2014, công an phường Chương Dương nhiều lần lập biên bản hòa giải và biên bản cảm hóa giáo dục đối với anh T., chị Lê và con trai về mâu thuẫn gia đình.

Tối 31/12/2014, Lê đang nằm xem ti vi tại tầng 1 thì thấy chồng về, tay cầm đoạn gậy dạng tuýp sắt. Do sợ chồng đánh nên bị cáo lấy khẩu súng để trong túi nilon ở đầu đệm, dùng 2 tay (đã đeo găng tay y tế) cầm súng bắn về phía anh T.

Súng nổ nhưng không trúng người, anh T. lao vào vợ, chị Lê giơ súng bắn tiếp phát nữa, nhưng đạn không nổ. Anh T. áp sát vợ, hai bên vật lộn, khẩu súng văng xuống sàn nhà. Trong lúc hai vợ chồng giằng co, anh T. gọi con trai: “S. ơi cứu bố, mẹ mày dùng súng bắn bố”.

S. chơi điện tử ở tầng 2, chạy xuống thấy bố mẹ đang vật lộn trong nhà đã mở cửa, chạy ra ngoài tìm người giúp đỡ. Anh T. bỏ chạy đến công an phường trình báo.

Câu chuyện trở nên phức tạp khi bị cáo Lê sau đó cũng nhờ người đưa đến công an phường trình báo việc mình bị chồng, con bắn.

Đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ ra những mâu thuẫn trong nhiều lời khai của bị cáo. Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định, do mâu thuẫn gia đình, Lê đã bắn chồng. Hành vi của bị cáo rất nghiêm trọng.

Bị cáo là người đã có tiền sự, bản thân khai báo không thành khẩn. Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX cấp sơ thẩm cũng xem xét đến việc- hậu quả vụ nổ súng anh T. không chết, hơn nữa bố mẹ bị cáo có công với cách mạng. HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê mức án 7 năm tù vì tội Giết người.

Được tại ngoại, bị cáo Lê xuất hiện tại tòa với biểu ngữ đòi triệu tập thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm...

Xét kháng cáo của bị cáo Lê và chồng cũ, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án và quyết định bắt tạm giam tại tòa đối với bị cáo đang được tại ngoại.

Điều 329. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án

1. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 điều 328 của Bộ luật này.

2. Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

4. Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì HĐXX quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

 

Hà Nội: Vụ nổ súng trong căn nhà vắng hạnh phúc

Hà Nội: Vụ nổ súng trong căn nhà vắng hạnh phúc

Trong lúc chờ giải quyết ly hôn, mâu thuẫn giữa đôi vợ chồng ngày càng căng thẳng, mà đỉnh điểm là vụ nổ súng trong căn nhà vắng hạnh phúc.

T.Nhung