Theo cáo buộc, do có quan hệ thân thiết với vợ chồng bị cáo, từ năm 2012 - 1/2016, bà Nguyễn Bạch M. (SN 1960, ở Hà Nội) nhiều lần gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng NCB, Phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội. Thời điểm đó, bị cáo Hà là Trưởng phòng, phụ trách chung các hoạt động của phòng giao dịch số 14.
Đến cuối năm 2015, do cần tiền kinh doanh, Hà nói dối bà M. việc Ngân hàng NCB đang có loại sản phẩm mới ưu đãi, chuyển từ dạng tiết kiệm sang dạng gửi bảo lãnh ngân hàng, với lãi suất 12%-13%.
Bị cáo thuyết phục bạn chuyển sang dùng sản phẩm mới: “Chị là khách hàng VIP nên em dành cho chị sản phẩm này. Tiền của chị vẫn trong ngân hàng, muốn rút tiền lúc nào cũng được”.
Bị cáo còn nói rằng, nếu bà M. muốn rút tiền, đích thân Hà sẽ đem tiền đến cho bà M., và chỉ thay sổ tiết kiệm hiện tại bằng chứng từ “bảng kê tiền gửi”.
Bà M. đã rút số tiền lớn để đưa cho Hà. Ảnh minh hoạ |
Nếu muốn chuyển sang gói sản phẩm mới này, bà M. phải ký tất toán toàn bộ số tiền đang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng NCB. Do tin tưởng Hà nên bà M. rút toàn bộ tiền tại Ngân hàng NCB để chuyển cho bị cáo.
Sau mỗi lần bạn giao tiền, Hà đều đưa cho bà M. “bảng kê tiền gửi” có chữ ký của Hà và đóng dấu của Ngân hàng NCB- Phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội.
Từ 6/10/2015 - 30/7/2016, bà M. đã 6 lần giao tiền cho Hà hơn 8,2 tỷ đồng. Trong đó, hơn 7 tỷ đồng là tiền tất toán gửi tiết kiệm tại Ngân hàng NCB, và hơn 1,1 tỷ đồng là tiền đưa thêm.
“Ngậm đắng” vì bị lừa
Cuối năm 2016, bà M. yêu cầu Hà cho rút tiền, nhưng bị cáo hứa hẹn nhiều lần và không thực hiện.
Ngày 12/1/2017, bà M. đến Phòng giao dịch số 14- Ngân hàng NCB làm thủ tục rút tiền và đưa các Bảng kê tiền gửi cho nhân viên ngân hàng thì được biết, toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của bà đã bị rút và tất toán từ lâu.
Những Bảng kê tiền gửi do Hà ký đưa cho bà M. không phải biểu mẫu của ngân hàng nên không có giá trị để rút tiền.
Lúc này bà M. làm đơn khiếu nại gửi Ngân hàng NCB, đề nghị kiểm tra, giải quyết, trả lại tiền.
Phía Ngân hàng NCB gửi cho bà M. thông báo việc bà Hà đã nghỉ việc, Ngân hàng NCB không có sản phẩm bảo lãnh ngân hàng, các giao dịch giữa bà M. và bà Hà chỉ là giao dịch cá nhân và không được hạch toán vào hệ thống Ngân hàng NCB.
Theo lời khai của Hà, sau khi nhận tiền từ bà M., bị cáo đem cho một số công ty vay, ngoài ra còn cho 3 giám đốc của 3 công ty khác vay tiền. Đến nay, bị cáo chưa đòi được tiền của các cá nhân và công ty trên.
HĐXX xác định, bị cáo đã trả cho bà M. 6,1 tỷ, còn chiếm đoạt 2,1 tỷ. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bà M. có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo, để Hà trả dần hàng tháng số tiền còn lại.
Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, vụ án này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nên cựu Trưởng phòng giao dịch, Ngân hàng NCB vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
CQĐT còn làm rõ, chồng bà M. cho bị cáo vay hơn 3,5 tỷ đồng. Hà mới trả được hơn 1,2 tỷ đồng. Xác định đây là quan hệ dân sự nên CQĐT không xem xét giải quyết.
'Nữ quái' Hà Nội làm giả sổ đỏ, lừa tinh vi khiến nhiều người sập bẫy
Sau khi làm giả nhiều sổ đỏ, “nữ quái” Trương Thị Thanh Thùy, ở Hà Nội dùng các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả này để ký các hợp đồng đặt cọc bán đất.
T.Nhung