Sau 2 ngày xét xử, hôm nay (26/6), TAND TP Hà Nội tuyên phạt Thạch Tuấn Anh (SN 1972, cựu Giám đốc công ty TNHH Sản xuất & thương mại Vĩnh Xuân) 18 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ án, các bị cáo Bành Đức Thắng (SN 1982), Nguyễn Mạnh Hải (SN 1978, cựu Tổng giám đốc công ty CP Dịch vụ bảo vệ 24/7) và Lê Anh Quang (SN 1977, cựu Giám đốc công ty TNHH Xúc tiến đầu tư thương mại A&A) nhận 6 - 10 năm tù vì cùng tội.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo buộc, công ty TNHH Sản xuất & thương mại Vĩnh Xuân (công ty Vĩnh Xuân) do Tuấn Anh thành lập vào 4/2002. 

Từ 2008 - 2012, đại gia này và ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex Chi nhánh Thăng Long (PGBank Thăng Long) ký 5 hợp đồng cấp tín dụng hạn mức ngắn hạn (trong đó có 2 hợp đồng ký vào các năm 2011, 2012) với mục đích dùng vốn để kinh doanh thép.

Trong khoảng thời gian này, công ty Vĩnh Xuân bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để có tiền, Tuấn Anh gặp ông Lương Duy Huỳnh (Giám đốc PGBank Thăng Long) đề nghị tiếp tục được cấp hạn mức cho công ty Vĩnh Xuân để kinh doanh thép không gỉ và được ông Huỳnh đồng ý tiếp nhận hồ sơ và tiến hành thẩm định.

Kết quả thẩm định hồ sơ vay vốn của công ty Vĩnh Xuân do PGBank chi nhánh Thăng Long thể hiện: 7/2011, công ty Vĩnh Xuân còn dư nợ gốc tại PGBank Chi nhanh Thăng Long hơn 35 tỷ đồng; dư nợ tại NaviBank, VIBank, SHB, Techcombank hơn 88 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là số hàng tồn kho trị giá hơn 100,2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty Vĩnh Xuân gửi Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm thể hiện kết quả kinh doanh của công ty từ 2009 - 2012 đều lỗ.

Nhưng để hoàn thiện bộ hồ sơ xin vay vốn, Tuấn Anh chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo tài chính sai sự thật, từ lỗ thành lãi và lập phương án kinh doanh có lãi.

Dùng hồ sơ khống vay hàng chục tỷ đồng

Ngày 17/3/2011 và ngày 20/6/2012, ông Nguyễn Quang Định, TGĐ PGBank ký quyết định ủy quyền cho ông Lương Duy Huỳnh và ông Nghiêm Đức Toàn (Phó giám đốc PGBank, Chi nhánh Thăng Long) ký hợp đồng tín dụng hạn mức ngắn hạn với công ty Vĩnh Xuân...

Dùng hợp đồng khống, hóa đơn GTGT khống lập hồ sơ vay vốn nhưng Tuấn Anh đã được PGBank Chi nhánh Thăng Long giải ngân vay hơn 52 tỷ đồng.

Số tiền vay, đại gia Hà Thành dùng trả nợ SHB, NaviBank và chi phí cho một số hoạt động của công ty. Đến hạn trả nợ, Tuấn Anh mới trả cho PGBank được hơn 13 tỷ đồng.

PGBank Chi nhánh Thăng Long đã bán tài sản thế chấp của công ty Vĩnh Xuân, thu được hơn 16 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 22 tỷ đồng, Tuấn Anh chiếm đoạt của ngân hàng.

Trong vụ án này, bị cáo Thắng bị xác định đã lập hồ sơ vay vốn khống, lập khống các biên bản kiêm kê hàng gửi kho và đến các công ty để nhận hợp đồng, hóa đơn GTGT khống, nhằm hoàn thiện bộ hồ sơ xin giải ngân của PGBank Chi nhánh Thăng Long, giúp sức tích cực cho Thạch Tuấn Anh chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.

Lê Quang Anh, Nguyễn Mạnh Hải bị xác định đã ký hợp đồng mua bán thép, hóa đơn GTGT và biên bản kiểm kê hàng khống để giúp Tuấn Anh hoàn thiện hồ sơ xin vay vốn của ngân hàng, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng. 

Theo tài liệu truy tố, các ông Lương Duy Huỳnh (nguyên Giám đốc), Nghiêm Đức Toàn (Phó giám đốc), Tô Quang Tuyển (nguyên Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng), đều thuộc PGBank Thăng Long là những người đề xuất và ký giải ngân cho công ty Vĩnh Xuân vay vốn, dẫn đến hơn 22,3 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Theo CQĐT, chưa có tài liệu thể hiện những người này biết công ty Vĩnh Xuân không có tài sản thế chấp, biết các hồ sơ vay vốn là lập khống. Do đó, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

Lý do hàng chục ngàn người dính bẫy lừa của ‘trùm’ đa cấp Thăng Long

Lý do hàng chục ngàn người dính bẫy lừa của ‘trùm’ đa cấp Thăng Long

Có 36.000 người tin và nộp hơn 736 tỷ đồng cho “trùm” đa cấp Thăng Long Lê Văn Quang (cựu Chủ tịch HĐQT Thăng Long Group) và đồng phạm.

T.Nhung