Ngành chức năng TP Cần Thơ vừa đưa ra cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội xảy ra tại địa phương.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến tháng 8/2020, các cơ quan tố tụng của TP tiếp nhận 32 tin báo tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và giả danh cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng để lừa đảo.
Thủ đoạn của bọn chúng là giả danh nhân viên bưu điện, ngân hàng, kỹ sư, quân nhân, chính trị gia làm quen rồi kết bạn với bị hại, đặc biệt là phụ nữ.
Chúng đánh vào tâm lý “cô đơn”, “nhẹ dạ, cả tin” của bị hại rồi tâm sự chuyện riêng tư nhằm tạo lòng tin, hứa hẹn tặng quà, nhờ cấp phát hàng từ thiện, gợi ý chuyện hùn vốn làm ăn sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền.
Đặc biệt, nhiều đối tượng còn giở trò quái dị lừa các thanh niên “ham chơi, nhác làm”, muốn hưởng thụ nhưng lại lười lao động, sẵn sàng “mua vui cho quý bà” để có tiền tiêu xài cá nhân.
Nguyễn Xuân Lộc (25 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) muốn có tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định lập nhiều tài khoản Zalo, Facebook tên “Nam Hoàng Đại”, “A Trường”, rồi vào trang “phòng chat Cần Thơ” đăng bài viết có nội dung “cần tuyển trai trẻ phục vụ quý bà”, giá cao, nếu phục vụ tốt sẽ được nhiều tiền “boa”.
Lộc tại thời điểm bị công an bắt giữ |
Nhiều thanh niên tưởng thật nên gọi vào số điện thoại mà Lộc cho. Lộc lấy tên giả “A Trường” nói với các thanh niên có là “quý bà” cần phục vụ.
Gã cho những thanh niên ham phục vụ quý bà địa chỉ nhà nghỉ và số phòng ở quận Cái Răng để đến nằm chờ sẵn.
Sau đó, Lộc đến gặp quản lý nhà nghỉ nói cần lên phòng gặp bạn. Sau khi được quản lý đồng ý, Lộc đóng giả làm nhân viên nhà nghỉ, gõ cửa phòng các thanh niên đang nằm chờ “phục vụ quý bà”, rồi đưa ra lý do “vì sự riêng tư của khách hàng”, nên yêu cầu khách không được để hung khí, thiết bị ghi âm, ghi hình ở phòng.
Lộc buộc các thanh niên phải giao tài sản như: tiền, trang sức, điện thoại di động cho gã quản lý và cho biết khi xong việc sẽ xuống quầy lễ tân nhận lại.
Sau khi lấy được tài sản, Lộc rời khỏi nhà nghỉ, lấy tiền tiêu xài. Với thủ đoạn nói trên, Lộc đã lừa được 9 thanh niên “ham phục vụ tình dục cho các chị”, chiếm đoạt gần 63 triệu đồng.
Đủ trò lừa đảo
Ngành chức năng cho biết, thủ đoạn của bọn lừa đảo công nghệ cao còn giả bán hàng online. Khi khách đặt hàng, bọn chúng yêu cầu nạp thẻ cào để làm phí vận chuyển, phí đảm bảo nhưng sau đó khóa tài khoản, không giao hàng và chiếm đoạt tiền.
Hồi tháng 8 vừa qua, anh L.K.T (ngụ quận Bình Thuỷ) nhận lời mời kết bạn trên Zalo từ tài khoản tên “cơ sở thớt gỗ” với nội dung chào hàng thớt gỗ, cối, chày gỗ.
Anh T. sau đó đã đặt mua hàng 700 chiếc thớt gỗ, 500 gỗ vuông, 400 chiếc chày, 400 chiếc cối, với số tiền gần 40 triệu đồng.
Sau khi chuyển tiền mua hàng, anh T. tá hoả khi phát hiện tài khoản Zalo “cơ sở thớt gỗ” đã khóa và số điện thoại liên lạc với tài khoản cũng bị chặn.
Biết mình bị lừa đảo, anh T. đến công an trình báo vụ việc.
Toà án TP Cần Thơ xét xử các bị cáo là người nước ngoài phạm tội lừa đảo qua mạng, trong đó có Nguyễn Hằng Tcheuko Minh - cựu cầu thủ từng đá cho một số đội bóng tại giải V – League |
Theo cơ quan công an, phương thức mà bọn lừa đảo công nghệ cao thường sử dụng để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân là giả danh cán bộ công an, VKSND, toà án gọi điện thoại, chụp hình các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng rồi gửi qua mạng xã hội để thông báo cho bị hại biết họ có liên quan đến đường dây tội phạm như ma tuý, rửa tiền.
Bị hại muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án, phải chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp để điều tra, xác minh, không bị bắt giam.
Hồi tháng 6, anh H.G.N (ngụ TP Cần Thơ) nhận được cuộc gọi của đối tượng xưng “người bưu cục” thông báo anh đang nợ tiền thẻ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh ở Đà Nẵng số tiền gần 46 triệu đồng.
Người này nói trong 2 giờ anh N. phải thanh toán, nếu không hồ sơ sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Sau đó, một đối tượng kết bạn Zalo với anh N. rồi gửi hình ảnh thẻ ngành công an.
Đối tượng yêu cầu khai báo số tài khoản ngân hàng và điền thông tin vào trang web: wwwww.84vn113.com.
Tưởng là cán bộ điều tra yêu cầu nên anh N. làm theo, khi đó trong tài khoản có gần 34 triệu đồng. Đối tượng lừa đảo tiếp tục hù dọa, yêu cầu anh N. nạp thêm 150 triệu vào tài khoản.
Mỗi lần ngân hàng cung cấp mã OTP, anh N. đều chuyển cho “vị cán bộ công an”. Nghi ngờ bị lừa, anh N. kiểm tra lại tài khoản thì phát hiện mất gần 184 triệu đồng.
Ngoài ra, thời gian các cơ quan tố tụng của TP Cần Thơ còn nhận được trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng hay bọn đối tượng sử dụng công nghệ để “hack” tài khoản facebook rồi đóng giả chủ tài khoản để lừa tiền.
Cơ quan chức năng khuyến cáo,người dân không công khai hình ảnh, thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội; không cung cấp mật khẩu, tài khoản cá nhân cho người khác.
Cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài khi họ chủ động kết bạn. Không chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận; tích cực thông tin, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện tội phạm lừa đảo.
Cú lừa chiếm đoạt trăm triệu đồng bằng ứng dụng công nghệ giả mạo Bộ Công an
Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt.
Thiện Chí