Vụ việc chị Nguyễn Thúy Hằng (ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An) chống trả lại tên trộm Nguyễn Thành Trung khiến gã tử vong đã dấy lên dư luận thương cảm, ủng hộ chị Hằng.

Nhiều ý kiến cho rằng chị Hằng vô tội vì cho rằng chị đã phòng vệ chính đáng.

Trên thực tế, việc khẳng định chị Hằng phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phụ thuộc vào kết quả điều tra.

Như thế nào là phòng vệ chính đáng, theo luật sư Cao Văn Điền (Văn phòng Luật sư Ngô Viết), căn cứ điều 22 BLHS 2015, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

{keywords}
Vụ án gây chấn động vùng quê Cần Guộc (Long An)

Cần xem xét hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các dấu hiệu sau: Hành vi xâm hại các lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng có tính chất nguy hiểm cho xã hội; Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần thiết phải bảo vệ.

Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại gây thiệt hại cho chính người xâm hại. Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Vậy, hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không thì phải xem xét toàn diện các tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần được bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi bị xâm hại đã gây ra hoặc có thể gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại, cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc…

Đồng thời cũng phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.

“Về vụ án mạng khiến 2 người chết xảy ra ở xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An có lẽ còn quá sớm để có thể kết luận được chị Hằng phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Bởi lẽ, nếu tên trộm chỉ nhằm mục đích khống chế chị Hằng nhằm cướp tài sản hoặc khi may mắn chị Hằng vùng chạy thoát khỏi tay têm trộm thì bị tên trộm dùng hung khí truy đuổi… cũng chưa thể xác định rõ ràng là tên trộm cố ý xâm hại tới tính mạng của chị Hằng.

"Chỉ khi CQĐT làm rõ thì mới có đủ cơ sở kết luận được hành vi chém chết tên trộm của chị Hằng là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, luật sư Điền cho hay.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, hành vi chống trả để giải thoát khỏi sự nguy hiểm thì gọi là phòng vệ chính đáng. Còn khi người ta có thể tự thoát được hoặc chống cự lại được rồi mà vẫn cố lấn tới thì việc gây thương tích là vượt quá phòng vệ chính đáng.

Về vụ việc ở Long An, nếu chị Hằng có đường để chạy thoát mà không cần chém lại song chị vẫn chém tên trộm thì sẽ là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu như chị Hằng bị truy sát không thể nào thoát được, buộc lòng phải lấy dao chém lại để thoát thân thì nằm trong phạm vi phòng vệ chính đáng.

Ngoài ra, trước đó có việc chị Hằng chứng kiến chồng bị chém chết, vì vậy phải xác định thêm tinh thần chị bị kích động mạnh. Bản thân chị Hằng cũng bị chém nên cần phải xem xét cả hai tình tiết này, phân tích rời ra nhằm có lợi cho chị Hằng.

Việc có khởi tố chị Hằng hay không thì Cơ quan điều tra cần phải dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra. Nếu kết quả cho thấy chị Hằng bị truy sát, không thể chạy thoát được thì việc chém chết tên trộm đó là phòng vệ chính đáng.

Sẽ phải khởi tố vụ án để giải quyết các trách nhiệm dân sự trong đó. Đã từng có nhiều vụ án khởi tố vụ án nhưng không khởi tố bị can nào. Bởi, có khởi tố vụ án mới thực hiện được các hoạt động tố tụng nhằm xem xét hết các trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự trong một sự việc xảy ra.

Còn không khởi tố vụ án thì không được phép hoạt động tố tụng hình sự, không làm rõ được những điều vừa nêu. Khi khởi tố vụ án, có khởi tố bị can hay không thì cần phải xem xét.

Người vợ chém chết trộm tại Long An sẽ bị pháp luật xử ra sao?

Người vợ chém chết trộm tại Long An sẽ bị pháp luật xử ra sao?

“Hành vi chống trả lại tên trộm của người vợ là tướng xứng nhằm bảo vệ chính tính mạng của mình. Hành vi này không phải là tội phạm”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho hay.

Đoàn Nga