Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.

Đến nay, công an đủ cơ sở xác định, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm lừa 3.924 khách hàng, chiếm đoạt số tiền cực lớn lên đến 2.373 tỷ đồng. Trong đó “mồi nhử” của tập đoàn lừa đảo này là 58 dự án ma ở nhiều tỉnh, thành.

{keywords}
 Vụ án lừa đảo do Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm tại Công ty Alibaba và các công ty liên quan được coi là cực lớn,  lên đến 2.373 tỷ đồng

Công an làm rõ vai trò từng người, trong đó giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt trong kế hoạch lừa đảo tinh vi là Nguyễn Thái Luyện.

Luyện là người có học vấn, hiểu biết pháp luật, từ đó tạo dựng nên hệ thống kinh doanh bất động sản không có thật theo hình thức đa cấp - bản chất là huy động vốn đa cấp, dùng các dự án không có thật (dự án 'ma') làm mồi nhử.

Kết luận điều tra chỉ rõ, Luyện và đồng phạm có kế hoạch lừa đảo rất bài bản, gồm 5 bước tinh vi. 

Một là, Nguyễn Thái Luyện dùng tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt của khách hàng giao cho người thân, nhân viên thân tín để nhận chuyển nhượng các khu đất nông nghiệp lớn ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Hai là, các cá nhân sau khi mua đất liền uỷ quyền cho các công ty. Ở đây, Luyện chỉ đạo các nhân viên thân tín lập ra 22 pháp nhân công ty bất động sản.

Ba là, các công ty với tư cách là chủ đầu tư vẽ 'dự án ma', trên các khu đất nông nghiệp; san lấp, xây dựng hạ tầng trái phép; phân lô, tách thửa trái quy định pháp luật. Tiếp đó, Luyện sử dụng các kênh truyền thông website, mạng xã hội, đội ngũ nhân viên sales hùng hậu, tổ chức các buổi mở bán, tiếp xúc khách hàng… để bán các nền đất đó.

{keywords}
Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo lập 22 công ty con để phục vụ cho kế hoạch lừa đảo tinh vi. Ảnh: Thanh Tùng

Bốn là, các pháp nhân chủ đầu tư 'dự án ma' ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Địa ốc Alibaba để trở thành đại lý phân phối đất nền cho 'dự án ma' nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của dự án; tạo ra các giao dịch ảo làm khách hàng tin tưởng về tính pháp lý của dự án.

Năm là, khi khách hàng mua nền đất, Luyện chỉ đạo các công ty “con” ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thoả thuận, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng; nhưng tiền thì nộp về Công ty Alibaba để Luyện toàn quyền quản lý, sử dụng.

Công an làm rõ, ở các 'dự án ma', Luyện và đồng bọn đều thực hiện theo 5 bước nói trên. Giữ vai trò chủ đạo trong kế hoạch lừa đảo này là pháp danh các công ty con. Luyện cho các nhân viên thân tín làm Giám đốc các công ty con nhưng cổ phần chiếm không quá 15%, phần lớn cổ phần là Công ty Alibaba và các em ruột, vợ, người nhà của Luyện.

Vì sao Alibaba ồn ào nhiều năm nhưng chậm bị triệt phá?

Vì sao có rất nhiều người tin vào hệ thống kinh doanh bất động sản theo hình thức đa cấp của Alibaba? Đến nay cơ quan công an đã có câu trả lời.

Khi khách hàng đồng ý mua sản phẩm, Luyện chỉ đạo cho giám đốc các công ty con ký cam kết mua lại nền đất với giá cao hơn, từ 30% giá trị sau 12 tháng, 38% giá trị sau 15 tháng hoặc thuê lại với giá 2%/tháng, tính từ khi ký hợp đồng, thanh toán 95%.

{keywords}
Một trong số 58 dự án ma ở nhiều tỉnh thành của công ty Alibaba

Thực tế khách hàng ký hợp đồng mua bán dạng đất nền thổ cư đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết, dù đến hạn. Khi đó Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi cho khách hàng hoặc mua lại từ khách hàng theo hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèo theo.

Về bản chất, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn tại tập đoàn Alibaba đánh vào tâm lý hám lợi của khách hàng, bằng những hứa hẹn, cam kết hấp dẫn như nói trên.

Mặt khác, mỗi nền đất ở các 'dự án ma' được rao bán với giá trị không cao nên người bình dân cũng có thể xoay sở để mua, ngoài việc xác định là… của để dành, họ còn nhắm vào khoản lợi trước mắt. Khách hàng chỉ biết rằng, mình được trả lãi định kỳ từ số tiền đóng vào.

{keywords}
 Rất đông nhân viên Alibaba là nạn nhân trong vụ án

Những người lôi kéo được khách hàng mua nền đất được Công ty Alibaba chi trả hoa hồng. Khách hàng cũng dần dần tham gia vào tập đoàn Alibaba như một nhân viên vận hành theo hình thức đa cấp.

Thực tế Alibaba vận hành theo kiểu, lấy một phần tiền của người sau trả cho người trước.

Và khi vụ án vỡ ra thì không ít nạn nhân trong đó chính là nhân viên của Alibaba.

Vì sao trò lừa đảo của Alibaba bị phát giác trong thời gian dài nhưng chậm bị triệt phá? Thực sự không khó hiểu.

Một là, khách hàng “trót” tham gia vào Công ty Alibaba vẫn hi vọng vào khoản thanh toán định kỳ mà công ty này trả lãi, hay tiền thuê đất. Khách hàng chờ đến lượt công ty mua lại nền đất...

Khi khách hàng nhận ra sự lừa đảo nhưng chậm tố cáo vì tranh thủ vớt vát.

{keywords}
Khách hàng "hám lợi" mà sập bẫy Alibaba

Hai là, khách hàng dần dần tham gia vào tập đoàn bất động sản đa cấp Alibaba. Họ có hợp đồng mua các nền đất tại các 'dự án ma', nhận các khoản thanh toán định kỳ; tích cực lôi kéo khách hàng ký hợp đồng mua để hưởng hoa hồng như một nghề kiếm sống.

Chính vì vậy khi lùm xùm thông tin tập đoàn Alibaba lừa đảo, họ quyết sống chết bảo vệ, vì trong đó có phần tài sản của chính mình.

Công an TP.HCM kết luận vụ địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.300 tỷ đồng

Công an TP.HCM kết luận vụ địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.300 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm.

Trang Nguyên