Bị kết án oan, ông Phạm Đức Bình (SN 1965, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải trải qua biết bao cơ cực.

Năm 2000, ông Bình bị đưa ra xét xử tội “Tham ô tài sản XHCN” và “Sử dụng trái phép tài sản XHCN”. Theo bản án sơ thẩm, ông Bình đã mua hàng của 3 đơn vị và làm thất thoát gần 180 triệu đồng. Toà cho rằng, bị cáo đã sử dụng trái phép số tiền trên.

{keywords}
Ông Phạm Đức Bình

Giữa tháng 3/2000, toà sơ thẩm tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù cho cả hai tội danh. Sau đó, ông Bình đã kháng cáo, kêu oan.

Đến đầu tháng 1/2001, TAND tối cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của ông Bình và cho rằng, ông không chiếm đoạt số tiền tạm ứng của các xí nghiệp nên tuyên vô tội.

Bị khởi tố và lĩnh án 30 tháng tù giam cho những tội danh mình không hề phạm phải, lại lâm bệnh tật, nợ nần khiến ông Bình buộc phải bán nhà để lấy tiền trả nợ rồi dắt vợ con đi ở thuê.

Ông Bình từng chia sẻ: “Cho đến khi nhận được quyết định của Tòa án tối cao về việc bồi thường thì cơ quan có trách nhiệm vẫn im lặng. Có những lúc, tôi muốn tự vẫn bởi căng thẳng lắm! Tôi đã nghĩ rằng, làm can xăng tự thiêu trước tòa”.

Ông Bình còn tâm sự: “Tôi có làm điều gì thất đức đâu mà ông trời lại hại tôi đến mức này. Tôi thấy mất niềm tin và vô cùng tuyệt vọng, nhưng vẫn phải cố gượng để nuôi con và đòi lại công lý”.

Được tuyên vô tội, nhưng hành trình tìm lại công bằng của ông Bình vẫn còn gian nan khi ông đã phải có rất nhiều đơn từ gửi đi khắp nơi.

Sau nhiều năm được tuyên vô tội, đến ngày 9/10/2006, sau khi xem xét đơn khiếu nại về việc TAND TP Hà Nội từ chối giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388 của ông Bình và những tài liệu gửi kèm theo, Tòa hình sự TAND Tối cao có ý kiến cho rằng, ông Bình thuộc trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết số 388/2003/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Và đến ngày 4/4/2014, ông Phạm Đức Bình mới được xin lỗi công khai. Trong buổi xin lỗi, ông Bình nói: “Tôi tuyệt vọng, lẩn thẩn, từng muốn tự tử. Nhờ các con cho tôi động lực để sống đến ngày hôm nay”.

Nỗi oan khuất của ba mẹ con ở Điện Biên

Câu chuyện về nỗi oan khuất của ba mẹ con bà Đặng Thị Nga (84 tuổi, trú tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

{keywords}
Bà Đặng Thị Nga

Ngày 18/9/1989, bà Nga phát hiện chồng là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng, Công an Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên) đã bắt giữ vợ và 2 con của ông Tùng là Trịnh Công Hiến (SN 1963) và Trịnh Huy Dương (SN 1970).

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Nga 36 tháng tù treo về hành vi che giấu tội phạm. Hai con trai của bà Nga bị tòa buộc tội giết cha và lần lượt phải nhận án 18 và 12 năm tù.

Bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm tuyên hủy. Năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra lại. Năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam.

Năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc để giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai. Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội.

Sau khi được xin lỗi công khai, bà Nga có đơn yêu cầu bồi thường. Trong đơn, bà Nga nhắc lại những ngày tháng đau khổ đến cùng cực: “Vụ án này xảy ra với tôi và gia đình tôi là một mất mát vô cùng lớn, không gì bù đắp nổi.

Việc cả gia đình, bao gồm tất cả những người trưởng thành và chưa trưởng thành đều bị điều tra, truy tố xét xử oan sai, ngoài việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín không chỉ tới tôi mà còn tới cả gia đình, họ tộc, dân làng, xã hội lên án... Các con tôi vất vưởng không nơi nương tựa, thất học, đứa thì điên dại mất hết lý trí, đứa không có hạnh phúc riêng tư cho riêng mình...”.

Với 205 ngày bị giam giữ, 28 năm (từ năm 1990 đến tháng 10/2017) bị truy tố oan sai, bà Nga và 2 con yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng.

Tại buổi thương lượng lần 2 vào ngày 20/7/2018, TAND tỉnh Điện Biên chấp nhận bồi thường cho gia đình bà Đặng Thị Nga 12,5 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Nam (Chánh án TAND tỉnh Điện Biên) từng nói: Gia đình bà Nga đã yêu cầu cơ quan trong tố tụng gây ra oan sai bồi thường 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật TAND tỉnh Điện Biên nhận thấy, mức tiền 18 tỷ mà gia đình bà Nga đưa ra không  đúng với quy định.

Đến thời điểm 7/2019, qua 5 lần thương lượng, cuối cùng 3 mẹ bà Nga đồng ý nhận khoản bồi thường 12,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng gây oan sai lại không chấp nhận số tiền này và đề nghị người dân khởi kiện ra tòa bằng vụ án dân sự.

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hồi 10/2016, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu: Nếu bồi thường đúng quy định theo hướng dẫn Bộ Tài chính thì phải có chứng cứ, phải có giấy tờ xác nhận chi tiêu. Kê đúng vậy thì không được bao nhiêu...

Diễn đàn QH và dư luận từng đặt ra câu chuyện- phải lấy tiền thuế từ dân để bồi thường cho việc làm sai của một số người.

“Đây là câu chuyện rất nhức nhối. Nhưng thế giới đã giải được bài toán này rồi. Họ lập 1 quỹ riêng, lấy nguồn từ tất cả các khoản thu do phạm tội mà có như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền... mà không phải từ tiền thuế của dân”, ông Bình đề xuất.

TAND Cấp cao kháng nghị, hủy án  của bị cáo đã tự tử Lương Hữu Phước

TAND Cấp cao kháng nghị, hủy án của bị cáo đã tự tử Lương Hữu Phước

Sau phiên họp của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM về vụ án ông Lương Hữu Phước, Chánh án TAND Cấp cao đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.    

T.Nhung (tổng hợp)