Dù 2 năm liền chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường ôtô Việt Nam nhìn chung vẫn đang giữ được doanh số ổn định và còn nhiều hy vọng hồi phục trong thời gian tới. Đi cùng với, các nhà sản xuất liên tiếp giới thiệu hàng loạt dòng xe mới để thu hút khách hàng mới để mở rộng dung lượng thị trường và tăng thị phần.
Trong bối cảnh đó, những người chưa từng sở hữu ôtô sẽ cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố để đưa ra được quyết định phù hợp khi lên kế hoạch mua chiếc xe đầu tiên.
Chọn xe theo nhu cầu thực tế
Xác định rõ mục đích, nhu cầu sử dụng ôtô là bước tiên quyết cần thực hiện khi chuẩn bị mua xe. Điều này sẽ giúp người dùng mới chọn được chiếc xe hơi phù hợp để sử dụng thuận tiện, không vượt quá khả năng chi trả cũng như tránh phát sinh phiền phức trong quá trình sử dụng.
Lấy ví dụ, một gia đình trẻ có 3-4 người gồm bố mẹ và con nhỏ, chủ yếu cần đi lại trong đô thị thì có thể cân nhắc các dòng xe hạng A hoặc B ở tầm giá 400-600 triệu đồng khi mua ôtô lần đầu. Còn nếu muốn có được không gian rộng rãi, nhiều tiện nghi an toàn hơn và hay đi xa thì loạt sedan, hatchback và xe gầm cao 600-900 triệu đồng sẽ thích hợp hơn.
Với gia đình có đông thành viên hơn, có nhu cầu di chuyển khoảng 5-7 người thì các dòng xe 7 chỗ là phương án phù hợp. Trong đó, tùy theo tần suất sử dụng “đủ tải” có thường xuyên hay không, phạm vi di chuyển xa hay gần và lượng hành lý cần mang theo ít hay nhiều mà người mua có thể xem xét loại xe 5+2 tầm 600-900 triệu đồng, hoặc chọn SUV cỡ trung từ 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu cần khả năng chở nhiều hàng hóa, đồ đạc thì cần xem xét những mẫu xe có cabin rộng rãi, hoặc cân nhắc mua xe bán tải với thùng hàng. Đổi lại, khả năng phục vụ gia đình hay di chuyển trong đô thị của pickup sẽ bị hạn chế.
Yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến phương án chọn xe còn có điều kiện giao thông hoặc địa hình, đặc trưng khí hậu ở địa phương... Chẳng hạn khu vực đồi núi, nhiều đường xấu hoặc hàng năm có mưa bão, ngập lụt thì cần ưu tiên xe gầm cao hơn là sedan, hatchback.
Người dùng mới không nên chọn xe vượt quá xa nhu cầu thực tế. Giả sử mỗi năm chỉ cần đi xa 1-2 lần hoặc hiếm khi đi đông người thì việc chọn mua xe gầm cao 7 chỗ sẽ trở nên dư thừa. Kéo theo đó là các khoản tiền sử dụng cao hơn xe 5 chỗ và gây lãng phí như chi phí nhiên liệu, phí gửi xe, chăm sóc xe...
Chuẩn bị kế hoạch tài chính
Với hầu hết người mua ôtô lần đầu, tài chính là bài toán phức tạp cần được “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng để tránh tình huống quyết định tậu xe trở thành gánh nặng.
Sau khi chọn được dòng ôtô ưng ý và phù hợp với nhu cầu, những chủ xe tương lai có thể cân nhắc giải pháp chi trả, “xuống tiền” đủ một lượt hoặc vay trả góp.
Trường hợp thanh toán đầy đủ khi nhận xe hầu như không có gì đáng bàn đến. Trong khi đó khi chọn hình thức trả góp thì người mới mua ôtô cần tham khảo kỹ lưỡng quy trình, thủ tục từ phía đại lý và ngân hàng.
Những thông tin quan trọng bao gồm phần trả trước tối thiểu hoặc mức cho vay tối đa, thời hạn vay, mức lãi suất hỗ trợ và mức chi trả hàng tháng trong suốt quá trình vay.
Từ đó, người dùng có thể tính toán được phần tiền “nuôi xe” thực tế hàng tháng để cân đối thu chi khi cộng thêm các chi phí sử dụng như tiền xăng/dầu, tiền bảo dưỡng, phí gửi xe, rửa xe…
Người mua ôtô lần đầu nên tham khảo trước các khoản chi phí sử dụng xe. Ảnh: Pham Dương Tuấn. |
Bên cạnh đó, sẽ có những khoản tiền phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình sử dụng ôtô có thể xuất hiện, chẳng hạn nộp phạt lỗi vi phạm giao thông, sửa chữa thay thế khi xe bị đâm đụng hoặc trộm cắp phụ tùng. Người dùng có thể mua bảo hiểm để hạn chế rủi ro và thiệt hại đối với các trường hợp tai nạn, mất cắp...
Điểm quan trọng cần lưu ý là tổng chi phí để hoàn tất thủ tục mua ôtô sẽ cao hơn so với giá bán đề xuất khoảng 10-20% tùy theo dòng xe, địa phương.
Các khoản cộng thêm để đăng ký một mẫu ôtô mới có lệ phí trước bạ (6-12% giá xe), phí biển số (500.000 đồng - 20 triệu đồng), phí đăng kiểm (340.000 đồng), phí bảo trì đường bộ (khoảng 1,56-2,16 triệu đồng) và phí bảo hiểm.
Khi mua xe, người dùng có thể lựa chọn thời điểm nhà sản xuất hoặc đại lý áp dụng ưu đãi, khuyến mại để tiết kiệm chi phí. Ngoài việc giảm giá trực tiếp hay hỗ trợ chi phí đăng ký, bên bán còn có thể tặng thêm quà tặng như phụ kiện, gói bảo hiểm, gói bảo dưỡng.
Theo zingnews
Bạn đang băn khoăn về mua ô tô? Hãy chia sẻ bài viết tới Ban Ô tô xe máy để được tư vấn theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Tài chính gần 300 triệu mua xe cũ số tự động nào hợp lý?
Với số tiền gần 300 triệu đồng nếu muốn mua xe ô tô số tự động đã qua sử dụng, bạn có thể tham khảo một số mẫu xe sau đây.