Bạn đang muốn mua một chiếc ô tô đã qua sử dụng nhưng không biết nên để ý những gì trước khi quyết định xuống tiền?

Lời khuyên của các chuyên gia và dân buôn xe là nên có một danh sách kiểm tra toàn bộ từ trong ra ngoài mà sau khi trải qua hết, sẽ phần nào có được đánh giá của riêng mình về chiếc ô tô muốn mua.

Kiểm tra vỏ bên ngoài

Những vết lõm hay xước nhỏ sẽ không là vấn đề gì quá to tát, nhưng hãy đặc biệt chú ý đến cách các chi tiết vỏ xe để xem xét mức độ tự nhiên.

{keywords}
Bề mặt của chiếc xe không đồng đều về kích thước, màu sắc sơn cũng là những chỉ dấu quan trọng 

Nếu giữa 2 miếng ghép chi tiết vỏ xe có khe hở lớn hoặc mép khe hở lượn sóng ở bề mặt. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã gặp tai nạn và thân xe đã được sửa chữa kém. Thông thường một chiếc xe chưa có va chạm nặng thì các khe hở này sẽ đều ở hai bên. 

Kiểm tra gầm xe

Gầm xe chính là nơi mà các bộ phận tiếp xúc với điều kiện môi trường thực tế nhất. Bằng mắt thường, qua những hư hại nhìn thấy được có thể đoán được phần nào quá trình sử dụng của chủ cũ.

Đặc biệt nên lưu ý phần thân dưới của xe, nhất là ở khu vực vòm bánh xe nơi, bậc cửa, gầm, trong khoang máy, khoang bánh dự phòng… Chiếc xe bị ngập nước hoặc lưu trữ ở môi trường ẩm ướt rất dễ bị gỉ sét và mục từ các kẽ kim loại uốn cong nếu không được vệ sinh thường xuyên.

Cũng nên quan sát kỹ hệ thống ống xả nơi gầm xe, tình trạng gỉ sét hay bám muội dày đặc cũng có thể kết luận phần nào dấu hiệu xuống cấp của cụm động cơ hoạt động không ổn định.

{keywords}
Nếu có thể quan sát được các vị trí dưới gầm xe có thể phán đoán được phần nào tình trạng hoạt động trong quá khứ.

Với hệ thống treo, cần quan sát các dấu hiệu về sự rò rỉ dầu của giảm chấn, đồng thời thử đứng lên bật cửa để nhún xe rồi lắng nghe các tiếng động nếu có. Với hệ thống phanh, hãy kiểm tra đường ống dẫn dầu phanh xem liệu có bị rò rỉ, xem xét mực dầu phanh có đúng chuẩn, đĩa phanh có mòn nhiều hoặc có rãnh? Đối với hệ thống lái, chú ý quan sát thước lái và rô-tuyn bên dưới gầm xe xem có hay không dấu hiệu cong, va đập hay rò đầu trên phớt thước lái, đồng thời kiểm tra thêm độ rơ của vô-lăng.

Khi kiểm tra các hệ thống này, chú ý thêm các dấu hiệu bất thường bên dưới gầm xe. Các vết xước, va đập dưới gầm có thể là dấu hiệu của một vụ va chạm nặng trước đó.

Kiểm tra khoang động cơ

Đây là khu vực dễ khiến người xem xe cảm thấy hoa mắt nhất bởi có quá nhiều chi tiết phức tạp đòi hỏi người kinh nghiệm mới đánh giá được. Tuy nhiên nếu soi kỹ, người xem cũng sẽ tự đánh giá được chiếc xe có đáng tin cậy để vào vòng "chốt giá" hay không?

Với một chiếc xe khoang máy sạch sẽ, đẹp long lanh trong khi tuổi đời xe không còn trẻ, thì nên nghĩ ngay đến dấu hiệu một lý do nào đó khiến nó lại sạch sẽ như vậy. Thông thường nếu xe qua các tay lái buôn hoặc cửa hàng xe cũ, tất nhiên chúng sẽ được vệ sinh sạch sẽ khoang máy để chiếm được cảm tình khách mua. Quan sát kỹ các mép thành, vách khung đỡ của khoang động cơ để tìm các vết nối bất thường. Nếu xe va chạm tai nạn đã bị làm lại, dấu vết nghi ngờ sẽ xuất hiện.

{keywords}
Khoang máy là khu vực quyết định nhiều yếu tố cho biết sức khỏe thực sự của chiếc xe cũ.

Động cơ là thứ quan trọng nhất trên chiếc xe. Cần nổ máy và lắng nghe tiếng nổ có đều và êm không? Có thể để một cốc nước trên bề mặt máy và quan sát độ rung động bề mặt nước, nếu sóng nước li ti chứng tỏ nó vẫn đang hoạt động tốt. Sau khi nổ máy một thời gian, tắt máy và quan sát nhìn xem có dấu hiệu rò rỉ nhớt quanh nắp máy hoặc dưới block máy không, nếu có thì tốt nhất là quên chiếc xe đó đi, vì đó là một thông điệp cho thấy sự bất thường. Đa số cách này hợp với xe quá cũ, còn xe mới sẽ khó phát hiện ra sự rò rỉ nhớt.

Trong khoang máy còn nhiều chỗ khác để người mua phải lưu ý, như các cọc ắc qui, tốt nhất là phải sạch sẽ, không bị ô-xi hóa nặng; các đường ống nước làm mát, khe kẽ gần két nước làm mát có màu ố vàng hay không bởi nếu nước không chuẩn, có sự rò rỉ thì màu đục sẽ là chỉ dẫn cho thấy nước làm mát đã thẩm thấu ra khoang máy.

Một chiếc xe có két nước lành lặn cũng sẽ không nổi váng dầu trong nước khi mở nắp quan sát. 

{keywords}
Kiểm tra dây đai là một biện pháp quan trọng để đánh giá sức khỏe chiếc xe.

Sau két nước, bộ phận dây cua-roa hay còn gọi là dây đai cũng cần được quan tâm. Thông thường một chiếc xe có thể chạy liên tục 120.000km thậm chí hơn, mà không cần phải thay đai, vì vậy nên hỏi chính xác chủ cũ đã thay dây này lâu chưa? Đồng thời tự lắng nghe khi nó hoạt động. Trước khi khởi động máy, hãy thử ấn dây đai để kiểm tra độ căng, quan sát và rà dọc đai để tìm các vết xơ, rạn nếu có, kiểm tra trên các pu-li xem liệu có tình trạng bám dính cao su từ đai không (nếu có, chứng tỏ dây đai đang bị "cắn" bởi pu-li, cần tinh chỉnh lại).

Kiểm tra nội thất

Đây là khu vực dễ ẩn đi những hư hỏng nếu chủ cũ muốn giấu giếm và người mua thường bị sự choáng ngợp nếu xe còn bóng bẩy, sạch sẽ tinh tươm.

Để kiểm tra, cần đi vào chi tiết các vị trí mà người sử dụng thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa bên trong lẫn ngoài, vô-lăng, các giá tỳ tay, cần gạt xi-nhan, cần số, cần phanh tay, lớp cao su trên bàn đạp ga, phanh và ly hợp (với xe số sàn)… độ mòn/bóng của những vị trí này phần nào cho thấy tần suất sử dụng và tuổi thọ của chiếc xe.

Với xe trên 5 năm tuổi, cần đặc biệt chú ý đến các mặt đệm ghế, nhất là ghế lái, xem có xét mức độ xẹp của mặt đệm ghế, có hay không tình trạng da/nỉ bọc ghế bị chùng nặng, sờn tróc hoặc rạn gãy… Một chiếc xe ít đi hoặc được chăm sóc kỹ thì các mặt đệm ghế vẫn còn khá căng, mới sau 5 năm sử dụng.

{keywords}
Các chỉ dấu nhìn bằng mắt thường qua kiểm tra nội thất cũng nói lên nhiều vấn đề.

Ngoài ra, người mua cũng cần để ý đến các chi tiết nhựa như phần trên của tappi cửa, tấm nhựa che bảng đồng hồ, vùng nhựa ngay dưới chân kính chắn gió. Đây là những khu vực hứng nắng thường xuyên, nếu xe đã cũ hoặc liên tục bị phơi nắng thì các vùng này nhiều khả năng bị bạc màu, thoái hóa, có thể cạo ra bột bằng móng tay. Ngược lại, một chiếc xe được chăm sóc kỹ hoặc, không phơi mưa nắng chất lượng bề mặt sẽ còn tốt.

Hãy lột một phần của sàn xe tại khu vực gần mép 4 cửa nơi thường là vị trí chạy dây điện. Nếu chiếc xe đã từng ngập nước hoặc bị ẩm ướt, sẽ thể hiện ở màu sắc nhạt hơn hoặc lão hóa. Kiểm tra thấy phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.

Đi thử

Khâu cuối cùng của việc kiểm tra xe cũ chính là chạy thử. Hãy yêu cầu được lái thử trên các loại đường: tăng tốc ở đường đẹp, qua gờ giảm tốc, đi đường lổn nhổn, thử lên dốc và xuống dốc, đánh lái vào cua gấp, dừng xe lưng chừng dốc và đi tiếp...

Những tình huống trên gần như để mô tả lại toàn bộ những trạng thái lái xe mà bạn sẽ phải gặp trên đường, qua đó cũng cảm nhận được chiếc xe cũ còn đáp ứng được bao nhiêu phần so với lúc mới.

Ở bài thử tăng tốc, giảm tốc, dừng xe lên dốc sẽ đánh giá được độ nhịp nhàng của của hộp số, bộ li hợp, hệ thống bướm ga, kim phun... Nếu xe số tự động chuyển tốc với chân ga không linh hoạt, vòng tua máy bất ổn định, cà giựt hoặc có độ trễ khi tăng tốc, cho thấy chiếc xe thiếu bảo dưỡng và một số cảm biến hoạt động kém. Với xe số sàn, khi đạp hết côn không bị nặng chân, chuyển số nhẹ nhàng, không kẹt. Quá trình chuyển số ghi nhận được độ giật, trườn của côn nếu côn không tốt, không bám. 

Khi qua đường xấu, chiếc xe sẽ bộc lộ tình trạng thực tế qua tiếng động từ các vị trí trên xe, độ phản hồi vô-lăng, hệ thống treo. 

Kiểm tra hệ thống lái bằng cách trả vô-lăng về vị trí trung tâm và để hờ tay quan sát kỹ khả năng chạy thẳng hướng của xe. Đánh lái chuyển hướng nhanh 90 độ để xem xét hoạt động của hệ thống lái. Một hệ thống tốt thì phải linh hoạt, ít rơ, không quá nặng, không gây tiếng động và có khả năng trả lái nhanh.

Với những xe cũ tuổi đời cao, những kinh nghiệm thực tế từ người xem xe sẽ là điều cần thiết. Nhưng ở  xe còn mới, chỉ qua vài năm sử dụng thì "hồ sơ sạch" thông qua số lần bảo dưỡng trên sổ bảo hành, thay phụ tùng, số km đã chạy thực tế sẽ quyết định giá trị thật. 

Đình Quý (tổng hợp)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

10 mẫu ô tô "nồi đồng cối đá" nhất thế giới, Toyota chiếm gần nửa

10 mẫu ô tô "nồi đồng cối đá" nhất thế giới, Toyota chiếm gần nửa

Để có tên trong danh sách những chiếc ô tô siêu bền bỉ dưới đây, mỗi mẫu xe phải có khả năng chạy được 300.000 dặm (khoảng 480.000 km) mà không cần phải sửa chữa đại tu máy móc.