Hư hỏng lớn từ thói quen nhỏ

Trên mỗi chiếc xe ô tô, nếu động cơ được ví như là trái tim của chiếc xe, xăng dầu là nguồn năng lượng để xe hoạt động thì hệ thống làm mát giống như cơ chế tỏa nhiệt của cơ thể con người. Cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường nếu bị sốt, chiếc xe cũng vậy. 

Nước làm mát đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp động cơ cũng như các bộ phận khác trên xe hoạt động không bị quá nhiệt. Khi hao và cạn nước làm mát, sẽ dẫn đến bó máy, gãy piston, kẹt bó phanh, hỏng gioăng mặt máy,… Nguy hiểm hơn, chiếc xe bị quá nhiệt có thể gây ra cháy nổ, nhất là vào mùa hè.

Tuy nhiên, nhiều lái xe vẫn xem nhẹ, vì không kiểm tra nước làm mát đã dẫn đến tình trạng nước bình cạn mà không biết. Hậu quả là xe hỏng, tốn tiền sửa chữa.

Mới đây, anh Nguyễn Văn Quy (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi chiếc Mazda Premacy của anh đang đi bỗng dưng chết máy. Sau khi khởi động lại, chiếc xe đi được một đoạn ngắn rồi lại tiếp tục nằm im.

{keywords}
Bình nước làm mát trên chiếc Premacy của anh Quy bị cạn nước, đóng cặn


“Khi tôi mở khoang máy kiểm tra thấy mùi khét, mở bình nước phụ thấy khô khốc. Đợi chục phút cho két nguội mở kiểm tra thì hơi rất nóng. Phải đợi xe nguội tự nhiên một lúc lâu rồi mới châm thêm khoảng 4 lít nước lọc để làm mát rồi mới tiếp tục di chuyển được về một gara quen”, anh Quy nói.

Anh Quy kể lại, khi đi xe về gara, anh phải tắt điều hòa và các thiết bị không cần thiết để giảm tải. Sau khi được thợ máy tại gara kiểm tra và thông báo, chiếc xe đã bị quá nhiệt, có dấu hiệu bị thổi gioăng mặt máy.

“Tổng chi phí sửa chữa xe của tôi hôm nay hết khoảng hơn 2 triệu đồng, vẫn may vì hỏng hóc không quá nặng”, anh Quy chia sẻ.

Anh Quy cũng cho biết thêm, chiếc xe cách đây gần 1 năm đã được bảo dưỡng tổng thể, bao gồm xúc bình xăng, xúc két nước và thay mới đầy đủ nước làm mát. Thế nhưng, thời gian gần đây anh quên không kiểm tra và tá hoả khi nước làm mát đã cạn từ lúc nào.

{keywords}
Ống dẫn nước làm mát gần động cơ chiếc Premacy của anh Quý có màu vàng. Đây là dấu hiệu nước làm mát bị rò rỉ, cần phải thay đường ống mới.

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, chủ garace ô tô ở TP. Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, việc lái xe lâu ngày không kiểm tra nước làm mát là khá phổ biến. Tại gara của anh, có những tháng tiếp nhận tới 20 - 30 khách hàng gặp sự cố này.

{keywords}
Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, lái xe thường xuyên phải kiểm tra nước làm mát trước mỗi chuyến đi

Anh cho biết, cách đây không lâu, một khách hàng ở Hà Nội lái chiếc Kia Morning Van giữa đường bị bó máy, hỏng động cơ, phải gọi cứu hộ đưa về garace của anh.

Tại thời điểm đó chiếc xe này chỉ còn 200ml nước làm mát, trong khi nếu đủ thì chiếc xe phải cần đến hơn 4 lít (tức là chưa được 5%). Chiếc xe Morning Van này sau đó được anh Tạch sửa chữa động cơ và khắc phục toàn bộ hệ thống làm mát với tổng chi phí lên tới 13 triệu đồng. Đây là mức chi phí tốn kém đối với chủ của một chiếc ô tô cũ giá rẻ.

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, đối với dòng xe sang, chi phí để sửa chữa những thiệt hại do kiệt nước làm mát gây ra tại gara tư nhân có thể lên tới 50 triệu đồng, trong khi bình nước làm mát chỉ tốn của chủ xe vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Hao nước làm mát quá nhanh, dấu hiệu xe trục trặc

Theo nhiều chuyên gia kỹ thuật ô tô, nước làm mát được tuần hoàn khép kín, nếu được sử dụng đúng chủng loại sẽ rất khó bị hao hụt. Thông thường, nước làm mát trên xe mới phải mất đến 2-3 năm mới bị hao một phần nhỏ.

Việc hao nước làm mát thường xảy ra ở các chiếc xe cũ, khi các bộ phận bị khấu hao, hệ thống ống dẫn, gioăng phớt không còn kín khít. Tuy nhiên, khi chiếc xe của bạn bị hao nước làm mát thì có thể đó là dấu hiệu của việc chiếc xe đang gặp trục trặc.

{keywords}
Hao nước làm mát thường xuất hiện trên những chiếc xe cũ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hao nước làm mát trên ô tô, phổ biến nhất là nước làm mát bị rò rỉ qua các đường ống dẫn hay tại vị trí các khúc nối có xiết bằng cổ dê đã bị hở. Trong các trường hợp này, nước làm mát thường bị hao từng chút một và đều đặn.

Nguyên nhân thứ hai có thể do các nút bịt lỗ được gia công trên động cơ xe ô tô (hay còn gọi là đồng tiền) hoạt động lâu ngày và bị ăn mòn khiến nước làm mát hao hụt qua các vị trí này. Đồng thời, két chứa nước làm việc trong thời gian dài khiến cho các thanh tản nhiệt bị hỏng hoặc khi xe di chuyển trên đường bị đá văng lên làm cho két nước bị thủng cũng khiến hao nước.

Trong trường hợp này, nước làm mát sẽ hao hụt khá nhanh.Nếu không được phát hiện kịp thời, có thể khiến xe ô tô bị hết nước làm mát trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, nắp của két chứa nước làm mát bị hỏng khiến cho hệ thống không còn được kín khít, nước mát bị làm nóng sẽ bay hơi khi gây nên tình trạng hao nước làm mát. Lúc này, nước làm mát chỉ hao khi xe hoạt động.

{keywords}
Nước làm mát cần được kiểm tra và bổ sung thường xuyên
{keywords}
Ảnh 6: Luôn duy trì nước làm mát trong giới hạn vạch Max (Full) và Min (Low)

Đáng lưu ý, tiềm ẩn nguy hiểm nhất là các nguyên nhân hao nước liên quan đến động cơ. Đó là hiện tượng nước làm mát bị lọt vào bên trong buống đốt. Trong trường hợp này, không thể phát hiện ra nước làm mát bị chảy hay rò rỉ ra ngoài bằng mắt thường.

Trong động cơ ô tô, chi tiết gioăng quy lát sẽ giúp làm kín giữa hai bộ phận mặt máy và thân máy. Mặt gioăng quy lát bị hỏng cũng là nguyên nhân khiến cho đường nước làm mát của động cơ bị thông sang với đường dầu hoặc là sẽ đi vào buồng đốt.

Đồng thời, nếu xi lanh của động cơ bị nứt cũng sẽ khiến cho nước làm mát bị lọt vào buồng đốt. Những trường hợp bị hao nước làm mát ô tô như trên là xuất phát từ nguyên nhân hư hỏng của các bộ phận liên quan đến động cơ xe.

Khi có hiện tượng này, động cơ hoạt động sẽ bị rung giật hoặc máy nổ không ổn định, thậm chí không hoạt động được nếu bị hư hỏng nặng.

Bên cạnh đó, đối với các loại xe sử dụng số tự động, nguyên nhân gây hao nước làm mát cũng có thể xuất phát từ lý do két dầu của hộp số đã bị hỏng và khiến cho nước làm mát của động cơ bị lẫn sang dầu của hộp số. Trong trường hợp này, nếu không xử lý kịp thời có thể khiến chiếc xe “nằm im”.

Có thể nói, việc thường xuyên kiểm tra mực nước làm mát là công việc đơn giản, các lái xe nên duy trì ngay trước mỗi chuyến đi kịp thời phát hiện hao hụt và bổ sung, phòng ngừa rủi ro hỏng hóc nặng cho xe.

Lời khuyên của chuyên gia:

-      Thường xuyên kiểm tra mực nước: Trước mỗi hành trình, lái xe nên bật nắp ca-pô lên và kiểm tra mực nước làm mát ở trong bình nước phụ. Hãy đảm bảo rằng, nước làm mát luôn được duy trì ở mức an toàn (giữa vạch Max và Min). Nếu nước làm mát ở mức dưới vạch Min, hãy bổ sung ngay.

-      Quan sát kim nhiệt: Trong quá trình lái xe, thỉnh thoảng hãy chú ý đến đồng hồ báo nhiệt độ nước làm mát. Nếu kim nhiệt chỉ sang mức Hot, hãy ngay lập tức dừng xe lại, mở nắp capo lên cho xe nguội bớt và kiểm tra xem có trục trặc gì không?

-      Không mở nắp bình nước khi xe đang nóng: Trong trường hợp phải dừng xe lại vì kim nhiệt chỉ quá cao hoặc chiếc xe gặp phải một trục trặc nào đó, không được mở nắp bình nước phụ để kiểm tra mực nước vì nước làm mát lúc đó đang sôi, áp suất trong bình cao có thể khiến nước bắn mạnh ra ngoài vào mặt và tay chân gây bỏng.

-      Nên sử dụng nước làm mát chuyên dụng: Để động cơ được bền bỉ, nên sử dụng loại nước làm mát chuyên dụng. Đây là loại nước giúp dẫn nhiệt nhanh và không bị đóng cặn. Đồng thời, nước chuyên dụng có màu sắc dễ nhận biết nên quá trình kiểm tra rò rỉ nước làm mát bằng mắt thường dễ dàng hơn.

-      Đưa xe đến gara uy tín để kiểm tra sớm: Khi phát hiện chiếc xe của mình bị hao nước làm mát, hãy đưa xe đến ngay những trung tâm sửa chữa uy tín để được kiểm tra và có biện pháp khắc phục sớm. Việc hao nước làm mát trong một thời gian dài có thể dẫn tới những hỏng hóc lớn cho động cơ và các hệ thống an toàn khác, đồng thời gây tốn kém và phiền phức cho chủ xe.

Nước làm mát ô tô gồm có 3 loại chính: Nước làm mát màu xanh, nước màu hồng (SLLC) và nước màu đỏ (LLC).... Sự khác biệt chủ yếu giữa nước làm mát là thành phần hóa học tạo nên chúng.
Màu xanh - không cần pha trộn mà đổ trực tiếp, loại nước làm; 
Màu đỏ (LLC) - được pha trộn với nước lọc theo tỉ lệ là 50:50; 
Màu hồng (SLLC) - thường có độ bền cao hơn và không cần pha với nước lọc, loại nước này được đổ trực tiếp vào bình. 

Hoàng Hiệp
 
Bạn đã từng chứng kiến khoảnh khắc va chạm trên đường phố? Hãy chia sẻ video từ camera hành trình, tin bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Ô tô ngập nước như ở Hà Giang sẽ bị hỏng nặng mức nào?

Ô tô ngập nước như ở Hà Giang sẽ bị hỏng nặng mức nào?

Những chiếc xe ô tô bị ngập nước như ở vụ mưa lụt tại Thành phố Hà Giang mới đây nếu không được xử lý đúng cách có thể dính hư hỏng nặng, chi phí sửa chữa lên đến cả trăm triệu và bán không ai mua.