Thuê ô tô đem bán, cầm cố

Chuyện rủi ro khi cho thuê xe tự lái không chỉ những người mới vào nghề, mà ngay những người có kinh nghiệm cũng gặp phải. Những đối tượng lừa đảo thường thuê xe rồi đưa đi cầm cố, làm giả giấy tờ bán xe; thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng xe để phục vụ việc buôn lậu, vận chuyển ma túy…

Theo phản ánh của ông Lương Ngọc Quy (SN 1960, ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) tới Infonet, ngày 20/07/2017, ông có ký hợp đồng cho thuê xe tự lái với bà Nguyễn Thị T. (SN 1987, ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) và thời gian thuê xe từ ngày 20/07/2017 đến ngày 25/07/2017.

Đến ngày 26/07/2017, hết hạn hợp đồng, ông Quy nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà T. mang xe về trả nhưng bà này khất lần khất lữa, không mang xe về trả cho ông Quy.

Ngày 11/09/2017, ông Quy đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo ông Quy, bà T đã bán xe của ông lấy 500 triệu đồng.

{keywords}
Hợp đồng của ông Quy cho bà T. thuê xe ô tô tự lái.

Cuối tháng 9/2017, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Vương Thành Luân (SN 1993, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) gây ra. Do ham cá độ bóng đá, nợ nần tiền bạc nhiều người không có khả năng thanh toán, Luân nảy sinh ý định đến các cơ sở kinh doanh cho thuê xe ô tô tự lái để lừa đảo.

Từ tháng  6/2017 đến khi bị phát hiện, Luân đã gây ra 3 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm vào một cơ sở cho thuê xe tự lái nằm trên đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Sau khi thuê được xe, Luân đã rao bán xe “thanh lý” giá rẻ, kiếm được hàng trăm triệu đồng.

Cách đây không lâu, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cũng làm rõ một phụ nữ quê ở tỉnh Ninh Bình đã chiếm đoạt 7 chiếc xe ô tô của một số đơn vị, cá nhân dưới hình thức thuê xe tự lái. Đối tượng này đã nghĩ cách làm giả giấy ủy quyền của công ty cho thuê xe tự lái, để bán những chiếc xe ô tô đã thuê. 

Tại TP.HCM, nhiều sự việc tương tự cũng xảy ra.

Anh M.H. (giám đốc một doanh nghiệp cho thuê xe ôtô tự lái ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) tố cáo từ đầu năm 2018 đến tháng 7/2018, anh có cho Nguyễn Bá Thân (26 tuổi, địa chỉ: Thôn 8, Ea Ral, Ea HLeo, Đắk Lắk) thuê tổng cộng 15 chiếc xe ôtô tự lái.

Cuối tháng 7/2018, khi hết hạn hợp đồng, anh H. yêu cầu anh Thân mang trả xe, thanh lý hợp đồng và thanh toán tiền xe nhưng Thân tắt máy điện thoại. Nghi ngờ mình bị lừa, anh H. đi tìm hiểu thì mới hay 15 chiếc ôtô nói trên, Thân đã mang đi cầm, đi bán cho người khác.

Một người khác cũng bị Thân lừa chiếm xe là anh Đặng Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hưng Car (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Theo anh Vinh, từ ngày 1/7/2018, Thân lần lượt ký hợp đồng thuê anh Vinh 25 chiếc ôtô (tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng) tự lái với thời hạn thuê là 1 tháng. Tuy nhiên đến cuối tháng 7-2018, Thân tắt máy điện thoại và bỏ trốn.

Cảnh giác thủ đoạn thuê xe tự lái để cầm cố

{keywords}
Cần cảnh giác thủ đoạn lừa đảo khi thuê xe tự lái.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực cho thuê xe tự lái đang có nhiều diễn biến phức tạp, khi có dấu hiệu cấu kết giữa các đối tượng thuê xe với các cơ sở cầm đồ.

Điều đáng nói, chính sự chủ quan, quá dễ dãi trong việc cho thuê ôtô tự lái của các chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này đã tạo kẽ hở cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Trên thực tế, thủ tục cho thuê xe của các DN hiện nay khá đơn giản. Khi thuê xe, khách hàng chỉ cần giấy CMND, hộ khẩu và bằng lái xe photo là được chủ thuê xe cung cấp cho sổ kiểm định, giấy tờ xe (photo công chứng).

Với giấy tờ này, đối tượng xấu dễ dàng vào các tiệm cầm đồ để cầm cố xe. Trong khi đó, nhiều chủ tiệm cầm đồ đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết nên sẵn sàng cho cầm xe ô tô mà không cần biết đối tượng cầm xe là ai, chính chủ hay không chính chủ, phạm luật hay không phạm luật…

Ngoài việc lợi dụng những thủ tục cho thuê xe sơ sài, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng lòng tin của những người thân quen, rồi mượn tư cách pháp nhân của họ để thuê xe tự lái mang đi đặt, hoặc bán bằng giấy tờ giả.

Gần đây, nhiều đối tượng còn tự ý thay đổi màu sơn, đeo BKS giả vào xe thuê tại các cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái để làm phương tiện thực hiện các hoạt động phạm tội khác với tính chất và mức độ tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra. 

Điểm chung của các đối tượng lừa đảo khi thuê xe là ký hợp đồng dài ngày (thường là 1 tháng trở lên). Khi đến thời hạn trả xe, những đối tượng này đều soạn lại bổn cũ với trăm ngàn lý do như “xe đang sử dụng để đi làm ăn xa” hoặc “muốn ký tiếp hợp đồng thuê xe” nhưng thực chất xe đang nằm trong tiệm cầm đồ chờ khổ chủ đem tiền đến chuộc.

Nhiều vụ mang tính chất lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới thức thuê xe tự lái, nhưng không thể xử lý hình sự được bởi ngay từ ban đầu giữa khách và chủ cơ sở cho thuê xe không có sự ràng buộc chặt chẽ bởi những thủ tục, hợp đồng cho thuê và thuê xe.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, các chủ cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái cần hết sức cảnh giác. Điều quan trọng nhất là chủ cơ sở cho thuê xe tự lái phải kiểm tra thường xuyên phương tiện của mình khi đã cho thuê và chặt chẽ ngay từ khâu lập hợp đồng cho thuê xe, tránh tạo sơ hở cho tội phạm lợi dụng phạm tội.

Tuấn Dũng (Tổng hợp)

Siêu xe dồn dập về, ngốn 200 tỷ của đại gia Việt

Siêu xe dồn dập về, ngốn 200 tỷ của đại gia Việt

- Chỉ trong 2 tháng cận Tết, có khoảng 11 xế hộp triệu đô dồn dập cập cảng và nhanh chóng về tay các đại gia Việt, ngốn hơn 200 tỷ đồng.