Theo các chuyên gia, chiếc ô tô cũng mang đặc tính "của bền tại người" giống như tất cả các vật dụng khác. Nếu chiếc xe được bảo dưỡng, chăm sóc và vận hành đúng cách sẽ luôn mới và có độ bền cao. Ngược lại, khi sử dụng một cách "cẩu thả", thiếu kiến thức sẽ khiến chiếc xe nhanh xuống cấp, hỏng hóc.
Dưới đây là 10 thói quen xấu khi sử dụng sẽ khiến chiếc xe của bạn nhanh hỏng hơn. Nếu có những thói quen này, bạn nên bỏ ngay lập tức:
1. Khởi động xe rồi đi ngay
Nên khởi động xe khoảng 30 giây đến 1 phút rồi mới lăn bánh. |
Nhiều người quá vội vã hoặc do thói quen mà thường lên xe, khởi động rồi vào số đi luôn. Thế nhưng, đây là thói quen rất xấu, sẽ làm hại cho động cơ.
Sau một khoảng “nghỉ ngơi”, dầu nhớt trong động cơ sẽ lắng xuống dưới. Nếu vừa khởi động đã vào số đi ngay, lượng dầu nhớt này chưa tới đều các bộ phận, trong khi đó động cơ đã phải làm việc với vòng tua cao sẽ dẫn tới nhanh nóng máy và hao mòn các bộ phận bên trong.
Các chuyên gia khuyên rằng, nên khởi động và để xe chạy không tải khoảng 30 giây đến 1 phút cho dầu nhớt tới đều các vị trí rồi mới vào số, di chuyển.
2. Tỳ tay trên cần số khi lái xe
Tỳ tay lên cần số khi di chuyển có thể làm hỏng hộp số. |
Một số lái xe đặt tay lên cần số như một thói quen để vào số nhanh hơn, nhất là đối với xe số sàn. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây hại các bộ phận trên hộp số. Theo các kỹ sư ô tô, trọng lượng mà tay lái xe đè lên cần số sẽ được truyền xuống các bánh răng trong hộp số và khiến chúng bị hao mòn, hư hại nhanh chóng.
Lái xe có thể tập bỏ thói quen xấu này bằng cách thường xuyên để cả hai tay trên vô lăng. Điều này vừa bớt làm hư hại hộp số, vừa giúp xử lý các tình huống nhanh và an toàn hơn.
3. Đánh lái chết
Đánh lái chết là việc lái xe xoay vô lăng khi xe đang dừng, bánh xe không quay nhưng vẫn chuyển động hướng sang phải hoặc trái. Việc đánh lái chết thường xuyên có thể gây hại hệ thống lái vì khi đó, toàn bộ bơm trợ lực, thước lái, rô-tuyn,… đều phải hoạt động ở mức cao do lực ma sát lớn.
Không những vậy, đánh lái chết còn gây mòn lốp nhanh chóng vì lúc đó lốp trước tạo với mặt đường lực ma sát trượt chứ không phải ma sát lăn. Nếu không may đánh lái ở nơi có đá sỏi hoặc dị vật sắc nhọn còn có thể bị thủng lốp.
Do vậy, nên hạn chế tối đa việc đánh lái chết. Nên luyện tay lái để đánh lái chính xác, nhất là khi lùi xe; tập thói quen sao cho khi xe dừng là cũng dừng đánh lái, và chưa đánh lái khi xe chưa chuyển động.
Không nên đánh lái chết, đánh hết lái. |
4. Đánh lái hết cỡ
Ở những vị trí đỗ xe hoặc quay đầu chật hẹp, lái xe thường phải đánh lái hết cỡ để xoay xở. Tuy nhiên, đánh hết lái cũng là thói quen cần phải điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, việc đánh tay lái hết cỡ có thể gây tụt áp trong bơm trợ lực dầu và điều này sẽ làm hỏng bơm trợ lực nếu duy tri thường xuyên. Do vậy, khi vào cua, quay đầu hoặc đỗ xe, bạn không nên đánh hết lái mà nên nhả vô lăng ra một chút, sẽ giúp hệ thống lái bền hơn.
5. Bất ngờ chuyển số tiến trong khi xe đang lùi
Nhiều lái xe để tiết kiệm thời gian khi lùi xe chuyển hướng thường vào ngay số tiến (số 1 đối với số sàn và D đối với số tự động) ngay cả khi xe vẫn chưa dừng lại. Việc chuyển số bất ngờ như vậy là một trong những tác nhân gây hại lớn cho hộp số của xe.
Theo các kỹ sư ô tô, hệ thống truyền động vẫn đang trong quá trình lùi mà đột nhiên bị bắt buộc thay đổi theo hướng ngược lại sẽ làm bánh răng hộp số và các trục xuống cấp nhanh chóng, có thể dẫn đến hỏng hộp số. Do đó, chỉ chuyển từ số lùi sang số tiến và ngược lại khi xe đã dừng hẳn.
6. Sử dụng nước lọc thay thế nước làm mát
Không nên quá lạm dụng nước lọc để thay thế nước làm mát chuyên dụng trong thời gian dài. |
Nước làm mát là một loại dung dịch chuyên dụng có thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) kết hợp cùng các phụ gia làm mát giúp dẫn nhiệt nhanh chóng, đồng thời chống bay hơi, ngăn ngừa khả năng đóng cặn và chống ăn mòn các chi tiết phụ tùng.
Nhiều người vì tiện hoặc tiết kiệm tiền nên dùng nước lọc (nước lã) để đổ vào bình nước làm mát. Điều này về lâu dài có thể khiến động cơ và các bộ phận của ô tô bị quá nhiệt, thậm chí có thể làm thổi gioăng mặt máy,… chi phí sửa chữa rất cao. Ngoài ra, rất khó phát hiện trong trường hợp nước mát bị rò rỉ.
Các chuyên gia khuyên rằng, không nên dùng nước lọc thay thế hoàn toàn nước làm mát chuyên dụng. Chỉ sử dụng nước lọc trong trường hợp cấp bách khi phát hiện nước làm mát bị thiếu phải bổ sung ngay.
7. Để xăng trong bình quá kiệt
Xăng thường xuyên ở mức quá thấp sẽ khiến bơm xăng nhanh hỏng hơn. |
Rất nhiều lái xe hiện nay thường có thói quen không đổ nhiên liệu đầy bình mà chỉ đổ một lượng vừa đủ dùng, đến khi xăng chạm “vạch đỏ” mới tìm đến cây xăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc để mức xăng quá thấp có thể gây hại cho hệ thống bơm nhiên liệu.
Nguyên nhân là hầu hết các ô tô hiện nay đều được bố trí một bơm bên trong bình xăng, được làm mát bằng chính nhiên liệu đó. Mức nhiên liệu quá thấp liên tục sẽ khiến máy bơm bị nóng, làm việc kém hiệu quả.
Điều này nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng bơm xăng hỏng đột ngột, xe phải “nằm đường” và tốn nhiều chi phí để cẩu kéo, sửa chữa. Các chuyên gia khuyên rằng, khi xăng còn khoảng 1/4 bình, lái xe phải tìm trạm xăng để tiếp nhiên liệu ngay.
8. Gạt mưa "khô" mà không phun nước rửa kính
Gạt mưa khô thường xuyên sẽ làm xước kính, tầm quan sát bị hạn chế. |
Khi mưa nhỏ hoặc trên kính có bụi bẩn, nhiều người có thói quen chỉ bật gạt mưa mà không nhấn công tắc phun nước rửa kính. Ngoài ra, nhiều chủ xe ít khi kiểm tra nước rửa kính còn hay hết, chỉ đến khi cần gạt mưa cọ xát “ken két” vào bề mặt kính mới biết.
Điều này vừa khiến gạt mưa không sạch, nhanh hỏng cần gạt và nặng hơn là làm trầy xước bề mặt kính, rất khó khắc phục và ảnh hưởng đến tầm quan sát.
Do vậy, những lái xe có kinh nghiệm khuyên rằng nên phun nước rửa kính trước hoặc cùng lúc với gạt mưa để giảm sự cọ xát, tăng hiệu quả gạt mưa. Đồng thời, lái xe cần kiểm tra và châm thêm nước rửa kính chuyên dụng thường xuyên.
9. Quên phanh tay khi đỗ xe
Đối với xe số tự động, ngay cả khi đỗ xe trên đường phẳng và để chế độ P, lái xe vẫn nên sử dụng phanh tay. Theo các chuyên gia, khi đỗ xe, toàn bộ trọng lượng của chiếc xe đổ dồn về một bộ phận rất nhỏ chỉ bằng ngón tay là chốt đỗ (parking pawl). Đây là bộ phận rất dễ mòn hoặc gãy, do đó kéo phanh tay là biện pháp giúp trợ lực và tăng tuổi thọ cho chốt đỗ.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, lái xe số tự động nên thực hiện theo các bước khi đỗ xe như sau: Đạp phanh chân cho xe dừng hẳn, kéo phanh tay sau đó chuyển vị trí cần số từ D về P rồi mới tắt máy.
10. Để xe quá bẩn
Cần rửa sạch xe sau mỗi chuyến đi dài và thường xuyên lau dọn khoang nội thất để chiếc xe được bền đẹp hơn. |
Để ô tô lấm lem bùn đất, bụi bẩn lâu ngày sẽ khiến các bộ phận như sơn, gầm, phanh, lốp xe… nhanh lão hóa, rỉ sét và hỏng hóc. Do đó, sau một chuyến đi dài, nếu xe của bạn dính bụi bẩn, bùn đất,… hãy rửa sạch ngay khi có thể.
Việc thường xuyên vệ sinh, lau chùi còn giúp tăng tuổi thọ cho các bộ phận trong khoang nội thất như nhựa, da, nỉ,... Đồng thời, giữ ô tô sạch sẽ còn tránh bị các loại động vật có hại như chuột, gián, kiến đến làm tổ trong xe.
Hoàng Hiệp
Bạn có trải nghiệm gì về những chiếc ô tô của mình? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Những tiếng động báo hiệu ô tô cần sửa chữa
Rất nhiều tiếng động lạ có thể phát ra khi ô tô đang vận hành trên đường, đó là những dấu hiệu cho thấy xe gặp vấn đề ở các chi tiết cơ khí.