Sau một thời gian giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, không chỉ làm xuất hiện tình trạng gia tăng số lượng kỷ lục ô tô quá hạn đăng kiểm, mà nhiều chủ xe còn gặp phải tình trạng xe bị nấm mốc xâm nhập bên trong nội thất ô tô.
Xe để không 3 tháng, cả vườn nấm mốc bên trong
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được phen hết hồn khi ra mở cửa chiếc xe Honda CR-V đời 2009 của gia đình sau khoảng 3 tháng không dùng đến. Đập vào mắt anh Thắng là một vườn nấm mốc màu trắng xen lẫn vàng nhạt xuất hiện khắp trong xe, chủ yếu ở hai hàng ghế ngồi và vách cửa.
Sau 3 tháng không sờ đến, chiếc Honda CR-V của anh Thắng đã mốc kín hai hàng ghế |
Anh Thắng cho biết chiếc Honda trước đó đã ít sử dụng, khi Hà Nội giãn cách xã hội đến nay xe bỏ không, thậm chí cũng chẳng thèm đề nổ hàng tuần nên lúc mở cửa xe để kiểm tra mới phát hiện nấm mốc. Mặc dù xe đỗ ở khu vực có mái che, không gian thoáng nhưng vẫn bị mọc nấm mốc. Chủ xe phán đoán có thể thời gian vừa rồi mưa nhiều mới gây nên tình trạng này.
Hình ảnh nấm mốc trắng và vàng trên bề mặt ghế khiến chủ xe cảm thấy sốc |
Cũng giống như anh Thắng, anh Phạm Quang Tuấn (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) phát hoảng khi xuống mở cửa chiếc Hyundai Kona 2018 để chuẩn bị đi đăng kiểm bởi đã nhỡ mất 2 tháng. "Vô lăng, tựa ghế, tất cả những chi tiết bọc da đều bị bám mốc, thậm chí lớp này đè lớp khác đen kịt xen lẫn trắng bột nhìn rất ghê mắt", anh Tuấn nói.
Đây là lần đầu tiên xe anh Tuấn gặp phải tình trạng như vậy kể từ lúc mua. Hàng ngày anh vẫn lái xe đi làm, đón con. Chỉ có dịp cuối tuần thi thoảng xe mới được nghỉ nếu gia đình ở nhà không đi đâu. Đợt giãn cách xã hội do trong khu vực có người nhiễm Covid-19 nên anh Tuấn hạn chế đi lại, cũng bỏ luôn việc xuống chỗ đỗ xe kiểm tra ắc-quy.
Trên các hội nhóm chơi xe, tình trạng nội thất ô tô bị ẩm, mốc không hiếm. Rất nhiều thành viên đã chụp ảnh xe của mình để chia sẻ lên mạng. Phần lớn họ đều ngạc nhiên khi lần đầu gặp phải tình trạng này.
Theo các tài liệu khoa học, nấm mốc không chỉ khó coi và nặng mùi mà còn có thể gây nguy hiểm khi con người hít phải bào tử phát tán trong không khí gây dị ứng hoặc các phản ứng khác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Về nguyên nhân gây nấm mốc, kỹ sư ô tô Nguyễn Thanh Lý, từng công tác Nhà máy Z151 (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) cho biết nấm mốc rất dễ phát sinh trong ô tô, chỉ cần một số yếu tố môi trường đơn giản để phát triển, gồm độ ấm, độ ẩm và đặc biệt là chúng thích "ăn" trên bề mặt của vật chất hữu cơ như mồ hôi, da chết dính trên bề mặt ghế, vô-lăng, bệ tỳ tay... "Không chỉ nội thất bọc da mới bị mà ngay cả chất liệu nỉ hay nhung cũng gặp nấm. Việt Nam lại có khí hậu nhiều mưa, nắng nên những ô tô để ngoài trời, bọc kín lâu không sử dụng rất dễ bị nấm mốc do hội tụ đủ yếu tố ẩm, ấm cho nấm phát triển", kỹ sư Lý nhận xét.
Tốn công sức, tiền bạc xử lý
Sau khi phát hiện xe bị nấm mốc tấn công, anh Nguyễn Mạnh Thắng đã bỏ công sức khoảng một tiếng đồng hồ để lau chùi, tẩy rửa hết các vệt trắng, vàng trên xe. "Đầu tiên tôi dùng chai tẩy sạch xịt lên bề mặt, sau đó lấy bàn chải đánh mạnh, tiếp đến lấy khăn lau ngay. Làm vài lần cho sạch rồi xịt chai dưỡng da. Cuối cùng tôi xịt chai khử khuẩn để khử mùi và chống nấm mốc", anh Thắng kể lại quá trình tự vệ sinh xe.
Kết thúc việc vệ sinh nội thất, anh Thắng bỏ thêm khoảng 30 phút để bật điều hòa ô tô cho không khí lưu thông mọi ngõ ngách.
Với những chủ xe không có sẵn dụng cụ vệ sinh nội thất như anh Thắng buộc phải lựa chọn đem tới các trung tâm chăm sóc ô tô để xử lý nấm mốc triệt để. Trong trường hợp ở địa phương vẫn đang giãn cách xã hội, nhiều người đành vệ sinh tạm thời bằng giẻ lau, nước xà phòng hoặc nước rửa bát.
Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Phạm Đức, chủ cửa hàng chăm sóc xe An Đức AutoSpa (Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cho biết trong thời gian giãn cách vừa qua, rất nhiều chủ xe đã gọi điện hỏi cửa hàng có thể cử người đến vệ sinh đánh nấm mốc tại nhà, nhưng anh Đức buộc phải từ chối vì đội thợ vẫn chưa đi làm trở lại.
"Phần lớn xe tìm đến dịch vụ của cửa hàng tôi đa số bề mặt đã bị bám nấm mốc đã lâu, chân nấm ăn sâu nhiều lớp vào tận kẽ bên trong. Nặng nhất là những xe có bề mặt da đục lỗ hoặc lâu ngày lớp coat bảo vệ bị mất, mặt da bong nứt, khiến nước ẩm dễ thấm vào bên trong, gây hư hỏng đến phần bên dưới. Để xử lý triệt để cần phải tháo tung các chi tiết, thậm chí lột sàn xe để khử sạch tế bào nấm còn sót lại", anh Đức nói.
Chiếc Lexus đang được kỹ thuật viên vệ sinh chi tiết sau khi tháo bung nội thất. Ảnh chụp trước giãn cách xã hội. (nguồn: An Đức AutoSpa) |
Với gói vệ sinh tổng thể nội thất và dưỡng nội thất, cơ sở của anh Đức tính phí khoảng 1,8 triệu đồng với xe 5 chỗ, dòng xe 7 chỗ khoảng 2 triệu đồng. Thời gian xử lý cho mỗi xe rơi vào từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ tùy tình trạng từng xe.
Bên cạnh dịch vụ trực tiếp như trên sẽ mở lại khi Hà Nội hết giãn cách xã hội, các trung tâm chăm sóc xe cũng đang đẩy mạnh bán các sản phẩm tự chăm sóc tại nhà ý qua kênh online. Đó là chai dung dịch vệ sinh bề mặt ghế, vệ sinh kính, dưỡng da, xịt thơm, chưa kể người dùng cần phải mua các dụng cụ chuyên dụng như bàn chải, que chải, chổi vệ sinh khe kẽ, khăn lau...
Những sản phẩm tự vệ sinh nội thất xe cũng không dễ lựa chọn bởi hiện trên thị trường có quá nhiều người bán, kèm theo đó là đủ chủng loại. Từ những thương hiệu nhan nhản như 3M, Camel, Flamingo, Toyo, Wurth...có giá mềm chỉ vài chục đến hơn trăm ngàn đồng, cho đến dòng sản phẩm cao cấp như Adams Polish có giá từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Những chiếc xe đỗ ngoài trời mặc mưa nắng, có phủ bạt che dễ là "mồi ngon" cho nấm mốc phát triển. |
Theo các chuyên gia ô tô, dù dùng dịch vụ hay tự chăm sóc xe thì khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ phương pháp mình chọn có phù hợp hay không.
Nhiều trung tâm chăm sóc xe quảng cáo vệ sinh nội thất sạch tới 99% bằng công nghệ máy rửa xe hơi nước nóng, nhưng nếu kỹ thuật viên không không kiểm soát độ ẩm phù hợp dễ gây ra hiện tượng dư thừa nước trên bề mặt ghế da. Hay xịt dung dịch vệ sinh trực tiếp lên bề mặt ghế da và không lau sạch kịp thời cũng là một cách làm sai lầm. Chưa kể việc sử dụng hóa chất tẩy rửa vô tội vạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả những nguyên nhân này dễ làm cho nội thất xe mau bị ẩm mốc, hư hại trở lại.
Cách tốt nhất để phòng tránh nấm mốc cho ô tô đó là nên thường xuyên vệ sinh nội thất bằng máy hút bụi, bộ dụng cụ chăm sóc xe tiện dụng. Đồng thời không nên ăn uống trong xe, nếu đi mưa bước vào xe, khi cất xe cần phải lau chùi kỹ vệt bùn, nước mưa đọng lại.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Ghế ô tô mốc trắng vì để lâu ngày khiến nhiều chủ xe giật mình
Ô tô để lâu không đi tới có thể bị mốc nội thất, đặc biệt là phần ghế da nếu chủ xe không vệ sinh cũng như bảo quản đúng cách.