Trong 8 ngày qua, đúng lúc miền Bắc rơi vào đợt nắng nóng kỷ lục thì liên tiếp, 3 chiếc ô tô đã bị bốc cháy.
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào trưa ngày 12/5, chiếc xe Mercedes C200 đang lăn bánh trên đường đi đám cưới ở thị trấn Dùng (Thanh Chương, Nghệ An) thì đột nhiên bốc cháy dữ dội.
5 ngày sau, 17/5, ô tô Ford Eco Sport đang trên đường đi bảo dưỡng ở xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng bất ngờ phát hỏa. Mặc dù lực lượng chức năng ứng cứu nhanh chóng nhưng cả hai chiếc xe này đều bị ngọn lửa thiêu rụi đến trơ khung.
1 ngày sau, ngày 18/5, một chiếc Honda CR-V đang đậu trên đường thuộc phường Lộc Vượng, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định cũng đột nhiên phát nổ từ dưới nắp ca pô rồi cháy biến dạng hoàn toàn đầu xe.
Chiếc ô tô Ford Eco Sport bốc cháy dữ dội |
1 tuần 3 vụ cháy xe: Sơ xảy chủ quan, đi luôn bạc tỷ |
Giữa trưa nắng ngày 17/5, Honda CR-V phát nổ, chủ xe bất lực cứu cháy |
Cho đến nay, hai vụ cháy xe đầu tiên được xác định “mồi lửa” từ rơm cuốn gầm xe. Riêng vụ xe Honda CR-V phát nổ vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra xác định nguyên nhân. Nhưng điểm chung ở 3 vụ cháy ô tô trên đều liên quan đến việc vận hành, dừng đỗ xe dưới trời nắng nóng.
Các kỹ sư ô tô cho hay, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe sẽ đạt từ 60 đến khoảng hơn 90 độ C. Chính vì thế việc thường xuyên đỗ xe dưới nắng nóng và mức nhiệt cao trong mùa hè, kèm theo đó là tâm lý chủ quan không bảo quản, chỉn chu trong viêc chăm sóc xe, các vật dụng trên xe khiến không ít trường hợp xe bốc cháy đáng tiếc.
Đánh giá về vụ cháy nổ xe Honda CR-V mới đây, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho biết: "Việc đưa ra giả định xe đỗ dưới trời nắng nóng khiến các bộ phận của xe nóng lên và phát nổ là khó xảy ra. Bởi các thiết bị của ô tô được chế tạo theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đặc thù, phải chịu được nhiệt độ cao. Nhiệt độ môi trường có lên tới hàng trăm độ C nếu xe hoạt động vận hành liên tục thì vẫn không được phép phát nổ”.
“Bên cạnh đó, nếu cháy do bị chập hệ thống điện thường chỉ gây ra một tiếng xẹt nhẹ chứ không thể nổ để cháy cả chiếc xe như vụ Honda CR-V kể trên. Trong vụ việc này, tôi nghiêng về hướng nghi vấn rất có thể do những tác nhân ngoại cảnh nào đó gây ra", kỹ sư Tạch nói.
Việc chứa đựng nhiều vật dụng gây tăng áp suất trong xe sẽ khiến xe dễ bốc cháy trong điều kiện nhiệt độ tăng đột biến. |
Trao đổi với PV xe VietNamNet, anh Nguyễn Quang Lược, kỹ sư ô tô tại garage Minh Quang ở Long Biên, Hà Nội nói: " Thông thường, ô tô tự phát nổ đồng nghĩa với việc trong xe phải có hiện tượng xảy ra áp suất cực lớn. Hiện tượng kích nổ các vật đựng chất lỏng kín trong cabin ô tô vào mùa hè là khá phổ biến. Những cảnh báo về việc đừng bao giờ để đồ dễ tăng áp suất như bình cứu hỏa, lon nước ngọt có gas… trong xe đã được các chuyên gia khuyến cáo từ rất lâu nhưng dường như ít chủ xe quan tâm để ý đến. Ca-bin xe phơi ngoài trời nắng trở thành tác nhân “lý tưởng” để các vật dụng này tạo nên một đám cháy”.
Cũng theo anh Lược, ngoài các vật dụng tăng áp suất thì trong quá trình vận hành, rác và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn và “ẩn cư” bên trong khoang máy,gầm xe… nơi nhiệt độ luôn ở mức rất cao. Khi trời nắng gắt, lượng nhiệt ở khu vực này tiếp tục gia tăng và những thứ tưởng như vô hại này sẽ lập tức trở thành “kẻ phá hoại” kinh khủng ít ai ngờ. Ví dụ như vụ Mercedes cháy ở Nghệ An do rơm cuốn gầm xe là một dẫn chứng đáng bàn đến. Và… thực tế trước đó cũng có rất nhiều vụ cháy nổ xe do nguyên nhân tương tự.
“Vận hành xe ô tô trong điều kiện hao hụt dầu bôi trơn hoặc nước làm mát khiến động cơ hoạt động ở trạng thái quá nhiệt, gây hiện tượng bó máy cũng rất dễ dẫn đến cháy xe ô tô, điều này các chủ xe không nên lơ là”, anh Lược chia sẻ thêm.
Ngoài ra, anh Long, chủ garage ô tô Thiên Long ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các chủ xe là nên tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ. Bởi theo anh Long, không phải vô cớ mà các nhà sản xuất phải đặt ra chu kỳ kiểm tra xe một cách chi tiết. Trên bất kỳ chiếc xe nào cũng tồn tại một vài bộ phận có “vòng đời” hoạt động được rất ngắn và buộc phải thay thế theo quy định.
Những chi tiết tiếp xúc trực tiếp với khí hậu hoặc vận hành ở khu vực có cường độ nhiệt cao như ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện,… dễ bị lão hóa sớm, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy.
“Việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện chi tiết bị hỏng bất thường và kịp thời thay thế những bộ phận hết niên hạn, từ đó loại bỏ đi những thành phần không cần thiết có thể trở thành mầm họa gây cháy xe”, anh Long nói.
Y Nhụy
Mọi ý kiến chia sẻ, tin bài, video cộng tác xin gửi về emai: [email protected]. Xin cảm ơn!
Quên đổ nước làm mát, mất toi 13 triệu sửa ô tô
Trên đường đi bảo dưỡng, chiếc Kia Morning Van bỗng chết máy, không khởi động được, phải gọi cứu hộ. Kết quả kiểm tra cho thấy lỗi nhỏ không ngờ nhưng tiêu tốn của chủ xe 13 triệu tiền sửa.