LTS: Tại khoản 3, điều 27 của dự Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Quy định này khiến nhiều người dân cảm thấy khá lạ lẫm và băn khoăn. Báo VietNamNet mở diễn đàn thảo luận: "Quy định xe máy bật đèn 24/24h có phù hợp ở Việt Nam?" Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, đóng góp bài viết góc nhìn về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin cảm ơn! |
Ý tưởng bật đèn xe khi tham gia giao thông vào ban ngày bắt nguồn từ những quốc gia Bắc Âu – nơi thời tiết khá dễ chịu trong hầu hết các ngày của mùa đông. Vào năm 1977, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông bật đèn xe vào ban ngày.
Việc bật đèn xe 24/24 không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: India Times |
Bật đèn xe 24/24 áp dụng cho cả ô tô. Nguồn: Media Centre. |
Tiếp đến những nước như Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, và Na Uy cũng đưa ra quy định tương tự. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, quy định bật đèn chạy xe ban ngày này chỉ được áp dụng tại một số tuyến đường nhất định hoặc chỉ trong những ngày mùa đông để tránh gây ra những rắc rối không đáng có cho người sử dụng.
Tại Bắc Mỹ, Canada cũng đã bắt đầu quy định về việc bật đèn xe ban ngày trên tất cả các phương tiện kể từ năm 1990. Kể từ đó đến nay, chính phủ này cũng yêu cầu tất cả các dòng xe được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Canada đều phải được trang bị đèn nhận diện ban ngày.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU – do nguyên nhân sương mù cũng có động thái tương tự đối với tất cả các loại xe ô tô và xe bán tải được sản xuất sau năm 2011. Một năm sau đó, đối tượng thực hiện quy định này được mở rộng, trong đó có bao gồm xe tải và xe buýt.
Ngoài ra, Áo cũng bắt buộc tất cả các phương tiện phải bật đèn chiếu sáng ngày mọi lúc mọi nơi và kể từ ngày 15/4/2006, nếu những ai vi phạm quy định này sẽ phải nộp mức phạt 10 bảng Anh. Bộ luật tương tự cũng có hiệu lực ở Croatia và Cộng hòa Séc từ tháng 7/2006. Trong khi đó Ý và Hungary chỉ yêu cầu người dân lái xe với đèn chiếu sáng ban ngày khi di chuyển bên ngoài khu vực xây dựng.
Việc bật đèn xe ban ngày mang lại nhiều lợi ích, nhất là ở các quốc gia phương Tây. Nguồn: Daily Mail. |
Việc bật đèn ở các nước có thời tiết nhiều ngày mùa đông, sương mù có hiệu quả lớn (nguồn: Theo Champion) |
Nước láng giềng của Việt Nam, Thái Lan cũng đã áp dụng quy định kể trên khi nhận thức được những lợi ích mà việc bật đèn xe vào ban ngày mang lại. Theo đó, khi sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày, người lái ô tô có thể nhận biết được các phương tiện di chuyển phía sau, từ đó giảm thiểu được va chạm giữa các xe.
Đồng thời, người lái cũng có thể phát hiện ra xe đi ngược chiều từ xa nhờ ánh đèn tại các khu vực đường đồi núi, đường quanh co và khuất tầm nhìn có gắn gương cầu lồi.
Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng việc bật đèn xe vào ban ngày có thể làm giảm tử vong từ 3 - 5%, tương đương với 1.200 – 2.000 ca tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm trên toàn châu Âu. Kết quả tương tự cũng được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu tại Hà Lan khi 5.500 ca tử vong và 155.000 bị thương do những vụ va chạm liên quan đến.
Mặc dù vậy, cũng không ít ý kiến cho rằng việc bật đèn xe cả ban ngày mang lại nhiều rắc rối hơn so với tính hiệu quả của nó. Cụ thể, Viện Nghiên cứu đường cao tốc, Liên bang Đức chỉ ra sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải lên 3%. Cùng với đó, người lái xe cũng phải sửa chữa và thay thế đèn xe thường xuyên hơn khi bật đèn xe với tần suất cao.
Mai Lý (Theo Dailymail/Autoexpress/Powerpulbs)
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Tranh cãi gay gắt về quy định xe máy phải bật đèn 24/24h
Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện 24/24h khi tham gia giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.