Tình trạng bị tráo linh kiện, “chôm” phụ tùng, đi sửa xe thì bị thợ “luộc” đồ, chém đẹp hàng triệu đồng đối với khách đi xe máy vẫn là hiện tượng nhức nhối trong dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe 2 bánh hiện nay.

Tráo đồ từ lúc nào không biết

Mới đây, anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội), một dân chơi yêu thích dòng xe tay ga cao cấp than thở với PV Xe VietNamNet: “Người hiểu biết vào cửa hàng sửa chữa thì thợ có thể không qua mặt được, nhưng rủi ro bị tráo đồ lúc gửi xe… thì không tránh khỏi!”

Một lần, anh Hùng cưỡi chiếc Honda SH Ý 150 đời 2009 đi xem bóng đá ở Mỹ Đình. Sáng hôm sau, khi ngồi uống cà phê, anh giật mình thấy vành chiếc xe sáng loáng như mới, không một vết xước. Nghi có vấn đề, anh Hùng ngay lập tức mang xe ra đại lý chính hãng Honda kiểm tra thì được thông báo, xe đã bị tráo đổi sang vành Tàu. Giá của chiếc vành nhái này chỉ khoảng gần 1 triệu đồng.

“Tôi vốn khá cẩn thận trong việc chăm sóc xe nên dám chắc, xe của tôi đã bị tráo vành vào đêm hôm trước và 90% là xảy ra trong khoảng 2 tiếng gửi xe để xem bóng đá”, anh Hùng quả quyết.

{keywords}
Linh kiện, phụ tùng xe Honda SH đắt đỏ, thường bị kẻ gian nhắm tới để "tráo đồ" (ảnh mang tính minh họa)

Rốt cục, vì đại lý chính hãng cũng không có vành phù hợp để lắp nên anh Hùng đành phải ra chợ Giời tìm mua vành “xịn” đời cũ với giá hơn 4 triệu đồng.

Câu chuyện của anh Hùng dường như không phải là hiếm! Chia sẻ với PV Xe VietNamNet, anh Đào Quốc Đại, chủ cửa hàng sửa xe máy trên phố Đê La Thành, Hà Nội kể: “Cách đây không lâu, tôi đã từng khắc phục một chiếc Vespa LX của khách đến đại tu. Lúc kiểm tra, thấy nhiều phụ tùng đã bị thay bằng hàng nhái của Trung Quốc kém chất lượng, bao gồm cả IC, củ đề, ắc-quy...”.

“Khách cho biết, trước đó đi xe cán phải đinh nên đã sửa xe ở một cửa hàng gặp dọc đường. Chỉ cán đinh thôi, nhưng tổng chi phí khách phải trả hôm đó tốn hơn 4 triệu đồng”, anh Đại kể.

Theo anh Đại, các bộ phận trong hệ thống đánh lửa của xe máy rất dễ bị kẻ gian tháo trộm, tráo đổi. Một chiếc IC chính hãng Vespa có giá hơn 2 triệu đồng, trong khi IC Tàu giá chỉ khoảng 1 triệu đồng. Bugi, ắc quy cũng vậy, mức chênh lệch giữa hàng chính hãng và hàng nhái thường cách nhau 2-3 lần.

{keywords}
Anh Đại đang kiểm tra xe cho khách.

Trao đổi với PV Xe VietNamNet, anh Đỗ Xuân Hưng, kỹ thuật viên trưởng của HEAD Honda Thắng Lợi (Hà Nội) cũng xác nhận, khi khách hàng đi xe máy mù mờ kỹ thuật xe thì rất dễ bị thợ lạ “luộc” đồ, chém đẹp. Anh Hưng gặp không ít trường hợp khách hàng bị dính quả đắng này.

“Mới đây, một khách nữ mang xe Honda Lead đến bảo hành và có mang kèm theo cuộn mô bin sườn (bộ phận truyền tải dòng điện đến bugi tạo tia lửa điện). Chị khách này kể trước đó, vì xe không khởi động được nên đã đi sửa xe ở một cửa hàng dọc đường. Thợ ở đó báo hỏng cuộn mobin, thay mới hết 400 nghìn đồng. Thực tế thì, chiếc xe Honda Lead đó vẫn nguyên mới cụm mobin, không có dấu hiệu hỏng. Còn cuộn mobin mang kèm mà chị tưởng là đã được thay ra từ chiếc xe của mình chỉ là cuộn cũ lấy ra từ xe số”, anh Hưng kể.

Anh Hưng nhấn mạnh, phụ nữ hoặc những người ít hiểu biết về xe cộ là đối tượng bị lừa phổ biến nhất.

Các chiêu trò hù dọa khách hỏng xe

Chiếc xe máy, dù là xe số bình dân hay xe tay ga cao cấp thì trong một vòng đời sử dụng, khách hàng không thể tránh khỏi những rủi ro về vận hành xe khi đang đi trên đường.

Nếu khách hàng không hiểu biết, thợ sửa có thể báo lỗi nặng, giá sửa tới vài triệu đồng, bắt khách phải thay phụ tùng dù thực tế, lỗi của xe gặp phải rất nhỏ và chi phí tiền công có khi chỉ mất vài chục ngàn.

Chị Trần Thanh Xuân (đường Chiến Thắng - Hà Đông) kể lại sự cố với chiếc Honda Vision vừa xảy ra hôm 15/3 trong lần tới xem Hội báo ở Bảo tàng Hà Nội.

{keywords}
Hình ảnh giắc điện dưới gầm bánh xe sau bị “dứt” ra trên xe của chị Trần Thanh Xuân

“Đó là chiếc xe tôi mới mua và khi đi đã đổ đầy bình xăng. Chiều hôm ấy, sau khi lấy xe ra khỏi bãi, chiếc xe bỗng “dở bệnh”, không thể đề nổ được máy. Tôi dắt bộ tới một cửa hàng sửa xe máy quen và thật may, xe không hỏng gì mà chỉ bị tuột dây cao áp (bộ phận truyền điện từ cuộn mobin sườn tới bugi để đánh lửa, nằm trong hệ thống đánh lửa giúp khởi động xe- PV)”.

“Hôm đó, anh thợ quen chỉ làm đúng một thao tác là cắm lại dây cao áp, xe nổ máy bình thường, nhưng nếu gặp phải thợ lạ, rất có thể tôi đã bị móc túi vài triệu để thay bugi, ắc quy, IC…”, chị Xuân nói.

Theo chị Xuân, chiều hôm đó, có tới 3 người đi xe máy cũng gặp phải sự cố không khởi động được xe giống chị và họ cũng buộc phải vào các cửa hàng ngẫu nhiên gần đó để sửa.

Phân tích với PV Xe VietNamNet, anh Ngô Vi Liêm, chủ cửa hàng sửa xe ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội- người đã trực tiếp kiểm tra lại xe máy của chị Xuân vào hôm sau, cho hay: “Có thể chiếc xe ngẫu nhiên bị tuột dây cao áp nhưng cũng không loại trừ khả năng có yếu tố can thiệp chủ động từ bên ngoài”.

“Dây cao áp của xe máy vốn được nhà sản xuất thiết kế cố định rất chắc chắn ở điểm cắm, thường rất khó tự tuột ra”, anh Liêm nhận xét.

Anh Đào Quốc Đại cũng nhìn nhận, một số xe máy như SH, Vision, Honda Air Blade có thiết kế mobin sườn ngay dưới gầm bánh sau xe, chỉ cần luồn tay vào là có thể dứt một trong hai dây cao áp, khi đó, xe không thể nổ máy được”.

Theo anh Đại, chiêu trò phá hỏng xe, dẫn dụ khách phải sửa xe dọc đường, hay chôm linh kiện, phụ tùng tại các bãi gửi là hiện tượng không hiếm, mỗi khách hàng cần nâng cao kiến thức kỹ thuật xe để tránh bị lừa. Đặc biệt, khi gửi xe thì nên chọn bãi gửi có uy tín để xe được bảo vệ tốt nhất.

Anh Tô Đạt, quản lý tại HEAD Honda Thắng Lợi khuyến nghị: “Các HEAD thường cung cấp số hotline cho các chủ xe khi mua, khi gặp sự cố cần sửa xe, khách có thể liên lạc để được hỗ trợ. Các HEAD có thể điều động nhân viên cứu hộ xe đến tận nơi hoặc nhờ đại lý liên kết ở gần điểm dừng của khách kiểm tra chéo”.

Đình Quý- Phạm Huyền

Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp sự cố xe tương tự? Xin trân trọng gửi thông tin bài viết chia sẻ tới chuyên trang qua email: [email protected]. Xin cảm ơn!

Tua km ô tô: Việt Nam buông lỏng, các nước xử nặng, phạt tù

Tua km ô tô: Việt Nam buông lỏng, các nước xử nặng, phạt tù

 Ở các nước như Mỹ, Úc, Anh, nhiều vụ bán xe gian dối, tua số km ô tô đã bị phát hiện và xử phạt rất nặng, cao nhất 250.000-500.000 USD, tức từ 5-10 tỷ đồng và có thể bị ngồi tù 3 năm.