Ám ảnh những vụ tai nạn thảm khốc trên đường đèo

Tai nạn liên quan đến đường đèo, dốc khá phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đèo, dốc làm chết 33 người, bị thương 43 người.

Còn tính từ tháng 10/2018 đến nay, theo phản ánh của truyền thông, có ít nhất 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đèo, dốc xảy ra trên cả nước.

Mới đây nhất, vào trưa ngày 11/5, xe khách loại 30 chỗ BKS: 75K-1447 chở 20 sinh viên người nước ngoài khi đang đổ dốc đường Bạch Mã (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) ra QL1A thì mất lái, đâm vào vách núi. Cú đâm mạnh vào vách núi khiến 14 người bị thương, trong đó 4 người bị gãy chân, xe khách hư hỏng nặng.

{keywords}
Xe khách chở sinh viên người nước ngoài khi đang đổ dốc thì mất lái, đâm vào vách núi khiến nhiều người bị thương.

Trước đó, vào chiều 8/5, tại Dốc Cun, trên quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hoà Bình, một xe tải chở sữa đã gặp nạn. Do trọng tải nặng, lại đổ đèo với tốc độ cao, chiếc xe tải đã chạy lấn sang làn đối diện, khiến tài xế phải bẻ lái đột ngột, dẫn tới việc xe bị quật đổ, trượt dài trên đường... Rất may, tài xế không bị thương nhờ hệ thống hộ lan bánh xoay giúp phân tán lực va chạm.

Vào khoảng 10 giờ ngày 22/4, tại đèo Pha Đin trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn đi qua địa phận bản Háng Tầu 1, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) xảy ra vụ xe khách đang đổ đèo thì mất phanh, trượt bánh xuống rãnh nước phía ta-luy dương. Lúc đó, trên xe có 36 người. May mắn là không có ai thiệt mạng nhưng có 4 người trên xe bị thương, phải nhập viện cấp cứu, nhiều hành khách bị xây xước, tinh thần hoảng hốt. 

Vụ việc xe khách chở theo 21 sinh viên đi thực tập bất ngờ mất lái, lao xuống vực sâu khoảng 20 mét ở đèo Hải Vân chiều 8/1 khiến nhiều người bàng hoàng. Vụ tai nạn khiến lái xe và phụ xe bị thương nhẹ, 11 sinh viên bị thương, 1 sinh viên tử vong trên đường đi cấp cứu.

{keywords}
 Xe khách chở theo 21 sinh viên đi thực tập mất lái, lao xuống vực sâu ở đèo Hải Vân.

Cách đó không lâu vào chiều 16/10/2018, trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 3 xe ôtô khiến 5 người trên xe khách bị thương khi chiếc xe này lao vào vách núi. Vụ tai nạn khiến 5 người bị thương.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn ở đường đèo dốc lại không phải là lúc lên dốc mà lại do kỹ năng xuống dốc không đảm bảo an toàn vì tâm lí lái xe xuống dốc thường sử dụng chân phanh quá nhiều hoặc rà phanh liên tục khiến cho hệ thống phanh bị quá nhiệt (quá nóng) gây ra hiện tượng cháy phanh, phanh bị nóng, mất tác dụng, thậm chí làm lộn cupen xylanh phanh khi đạp phanh mạnh, gấp. Lúc này, xe đột ngột mất phanh khiến người lái hoảng hốt, không xử lý được tình huống dẫn tới tai nạn.

Bên cạnh nguyên nhân này, tình trạng mất phanh cũng xảy ra khi hệ thống phanh trên xe không đạt tiêu chuẩn an toàn do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, má phanh có thể bị mòn nhiều, bị trơ, thiếu dầu phanh hoặc hệ thống đường ống dầu phanh bị rò rỉ…

Bí quyết lái xe xuống dốc, đổ đèo an toàn

Để lái xe an toàn trên đường đèo liên tục đổ cua, xuống dốc, người lái xe cần trang bị cho các kỹ năng cần thiết sau:

Tuân thủ đúng luật giao thông và các biển báo

{keywords}
Cần tuân thủ đúng luật giao thông và các biển báo khi lái xe trên đường đèo.

Vì lý do an toàn, các đoạn đèo dốc luôn có một hệ thống biển báo, gương lồi san sát nhau. Đi đúng tốc độ cho phép, tuân thủ các biển báo, xem xét đánh giá tầm nhìn, khoảng trống, tốc độ khi muốn vượt xe trước. Xi nhan để xin vượt xe. 

Giữ tốc độ hợp lý

Đi trên đường đèo, hãy đi với tốc độ mà mình cảm thấy an toàn, có thể xử lý vào cua được, giảm tốc nếu thấy có cảm giác chiếc xe lao hơi nhanh.

Nắm rõ kỹ thuật phanh

Trước mỗi chuyến đi, hãy dành thời gian kiểm tra lại hệ thống phanh của xe như đai an toàn, má phanh, những bộ phận hỗ trợ giảm tốc, dầu trợ lực lái.

Tuyệt đối không được rà phanh liên tục. Sử dụng các hệ thống khác của xe để điều khiển xe giảm tốc độ.

Sử dụng số hợp lý

Nên cho xe chạy số thấp, không được phanh gấp, thả trôi xe hay thay đổi tốc độ đột ngột. Khi xe số tự động xảy ra hiện tượng trôi xe, ngay lập tức đệm phanh, đồng thời gạt cần số lần lượt xuống số cấp thấp hơn.

Đối với xe số sàn, trước khi đến đoạn đèo dốc, tùy vào điều kiện đường đi và thời tiết, hãy vào số thích hợp. Cắt côn khi phanh bằng hộp số bằng thao tác thật nhanh để côn không bị ngắt quãng quá lâu.

Luôn đi bám vào phần đường bên phải

{keywords}
Trên những cung đường đèo, bạn phải nắm chắc các kỹ thuật xử lý để đưa xe xuống dốc an toàn.

Khi xe xuống dốc khúc quanh (dốc cua “tay áo”) cần luôn đi bám vào phần đường bên phải của mình, chớ chạy nhanh để hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm lật xe hoặc xử lý phanh không kịp thời dẫn đến sự cố phóng xe xuống vực.

Luôn đi đúng làn đường của mình khi chạy xe đường đèo. Đặc biệt, tránh cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, đây là những góc cua khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn.

Đừng ôm vạch chia đường

Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.

Luôn nhường đường cho xe khác

Đặc biệt với những xe đang lên dốc mà có xu hướng vượt, cần nhường đường trong điều kiện an toàn và dành một khoảng thời gian đủ để xe đó trở lại đúng làn sau khi vượt. Độ dốc của đường núi hạn chế sức mạnh động cơ, vì thế thời gian để vượt cũng như trở lại làn sẽ lâu hơn so với đường bằng.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Từ vụ Mercedes bốc cháy: Kinh nghiệm phòng ngừa tối quan trọng

Từ vụ Mercedes bốc cháy: Kinh nghiệm phòng ngừa tối quan trọng

Động cơ xe nóng quá mức, rò rỉ nhiên liệu, hệ thống điện lão hoá,… là những nguyên nhân thường thấy ở mỗi các vụ xe cháy ô tô.