Việc lắp đèn LED, đèn trợ sáng vô tội vạ diễn ra trên mọi phương tiện, từ ô tô đến xe máy.

Đua nhau lắp đèn trợ sáng để "ngầu" hơn

Hiện nay, không khó để bắt gặp trên đường phố Việt Nam những chiếc ô tô, xe máy được “độ” hoặc gắn thêm đèn trợ sáng. Đặc điểm của những loại đèn này là bóng LED, HID, Xenon có ánh sáng chói, cường độ lớn hơn 5 – 6 lần so với loại bóng halogen thường thấy trên xe nguyên bản.

Chiếm lượng lớn xe máy gắn đèn trợ sáng là các dòng xe số, chủ xe thường là thanh niên trẻ, nhóm đi phượt và các tài xế xe ôm công nghệ. Những nhóm “xế” này khá chuộng các loại đèn 4 bóng, 6 bóng đấu với ắc-quy kèm thêm một bộ sạc mới lấy từ xe tay ga sang.

{keywords}
Đèn trợ sáng hiện rất được giới xe ôm công nghệ ưa chuộng
{keywords}
Một chiếc Yamaha Exciter gây choáng khi độ hơn 30 chiếc đèn LED

Trên ô tô, phong trào lắp đèn trợ sáng diễn ra từ cách đây chục năm, gắn liền với môn xe thể thao địa hình off-road manh nha. Vài năm trở lại đây, ngoài những chiếc đèn “mắt ếch”, “gáo dừa”, dân chơi xe SUV, bán tải còn chuộng đèn LED Bar (dải đèn LED gắn trên một thanh dài) với cường độ sáng lớn, tạo thành chùm sáng rộng và khá bắt mắt.

Đặc biệt, nở rộ nhất phải kể đến cánh xe tải, xe container chạy đường dài thường lắp đủ loại đèn, từ LED phía trước cho đến quanh xe.

Đi kèm với  nhu cầu tăng cao, các dịch vụ bán đồ, lắp đặt cũng nở rộ. Tại các phố “đồ chơi” ô tô xe máy có tiếng ở Hà Nội như: Phố Huế, Yên Bái, Thịnh Yên (quận Hai Bà Trưng), Hàng Muối, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Lê Văn Lương (quận Cầu Giây)… các loại đèn chiếu sáng, đèn LED, đèn xenon, phụ tùng… bày bán tràn lan, dễ mua, dễ lắp.

Thậm chí trên các trang thương mại điện tử, chỉ một vài thao tác bấm chuột hay điện thoại là hàng chuyển về tận nhà. Hướng dẫn lắp đặt thì nhan nhản các video trên mạng xã hội. 

Nếu như cách đây khoảng chục năm, các loại đèn trợ sáng nhập khẩu Châu Âu như Philips, Hella, Narva...có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thì hiện nay giá đã bình dân hơn nhờ nguồn nhập dồi dào từ Trung Quốc.

{keywords}
Một chiếc xe độ hầm hố với đèn LED
{keywords}
Một chiếc bán tải Ford Ranger độ hầm hố với đèn LED Bar trước mũi và trên nóc xe

Dòng đèn LED trợ sáng cho xe máy trên dưới 100 ngàn đồng là đã đủ để phía đối diện lóa mắt. Trên ô tô, các loại LED Bar ngắn dài cũng chỉ vài trăm ngàn đồng cũng đủ biến chiếc xe thành vật thể sáng nhất phố.

Chia sẻ lý do lắp cặp đèn trợ sáng L4X ngay cạnh gương chiếu hậu, sinh viên Đỗ Thành Luân (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: “Mình chạy thêm xe ôm vào buổi tối, trong nhóm anh em bảo nhau lắp thêm trợ sáng để đi đêm an toàn hơn. Gặp ô tô bật pha mà dùng đèn thường nháy xin chưa chắc họ để ý, dùng đèn LED thấy hiệu quả hơn”.

Cũng lắp hai đèn trợ sáng trên gương chiếu hậu chiếc Yamaha Exciter, nhưng ở giảm xóc trước cũng có thêm cặp đèn tương tự, Trần Việt Cường – “phượt thủ” trong nhóm Phượt Hà Nội nói rằng để vậy đi đường thấy ngầu hơn. “Những lúc đi xa, xin vượt ô tô phía trước bằng đèn trợ sáng nhấp nháy thấy tự tin hơn hẳn”, Cường nói.

Trong khi đó, nhiều chủ xe bán tải, SUV cảm thấy thích thú phong cách độ hầm hố với cản kim loại lớn và không thể thiếu những cặp bóng đèn trợ sáng đi kèm. Anh Quang Thiện, nhân viên bán hàng của một shop độ xe trên đường Trần Nhật Duật kể rằng khách một khi đã yêu cầu làm xe hầm hố thì không thể thiếu dàn đèn công suất lớn. Anh Thiện kể: “Đa số độ đèn là xe mới, đăng kiểm còn dài nên khách tranh thủ chơi được vài năm”.

Bất chấp thiếu an toàn giao thông

Là một người rất bức xúc với việc lắp đèn trợ sáng và dùng vô tội vạ, anh Giang Huân (Hòa Bình) đã cất công ghi lại rất nhiều clip bật đèn gây chói trên đường, cả trong nội đô lẫn ngoại thành. Anh kể: “Chỉ đứng ở ngoài đường một lúc, chả cần đi đâu tôi cũng ghi lại được rất nhiều xe máy lắp LED, ô tô giương pha ngược xuôi, diễn ra phổ biến ở trục đường Quốc lộ 6 đi qua Tp Hòa Bình, cho thấy sự tùy tiện lắp và bật đèn pha. Thậm chí, nhiều xe tải lắp thêm nhiều đèn LED và “mặc định” chỉ bật mà không tắt khi gặp xe ngược chiều”.

Xem clip ô tô, xe máy vô tư bật đèn pha, đèn trợ sáng trên QL6:

Trước tình trạng các phương tiện ô tô lắp đèn sai quy định gia tăng, vào tháng 10/2018, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã gửi công văn yêu cầu các Trung tâm Đăng Kiểm kiên quyết từ chối với các trường hợp gắn thêm đèn sai thiết kế cả trước và sau xe. Tuy nhiên biện pháp này chưa thực sự hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, nhân viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29 – 03S Mỹ Đình cho biết: “Quy định các xe tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế, độ khác kiểu đều phải yêu cầu tháo dỡ mới được tiếp nhận kiểm định đã có từ lâu. Nhưng nếu khách mang xe nguyên bản đến đăng kiểm, xong về lắp lại đèn độ thêm thì chúng tôi cũng không thể nắm được”.

{keywords}
Lắp đèn chói sáng vô tội vạ lưu thông ở QL6, đoạn qua Tp Hòa Bình (ảnh: Huân Giang)
{keywords}
Lắp đèn chói sáng vô tội vạ lưu thông ở QL6, đoạn qua Tp Hòa Bình (ảnh: Huân Giang)

Anh Nguyễn Anh Bắc, một dân chơi xe địa hình nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội chia sẻ việc mượn nhau lốp, đèn, cản “gin” để đối phó khi đi đăng kiểm đã có từ lâu. Vì vậy, chỉ đạo của Cục Đăng Kiểm về việc từ chối đăng kiểm xe gắn đèn sai thiết kế gần như không có giá trị trong thực tiễn, rất dễ bị qua mặt.

“Việc kiểm tra, xử lý độ đèn thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên đường. Chỉ khi cảnh sát giao thông làm gắt, thì mới hiệu quả”, anh Bắc nhận định.

Tuy nhiên, anh Nguyễn N.Q, một CSGT ở Hà Nội cho biết nhiều người vi phạm lắp thêm đèn cố tình né tránh khi thấy bóng dáng cảnh sát. Lực lượng CSGT mới chỉ triển khai mạnh mỗi khi có chiến dịch tăng cường như hồi tháng 11/2018. Nghị định 46/2016 quy định mức phạt với hành vi gắn thêm đèn sai thiết kế từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe máy; với ô tô mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng với hành vi này, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Còn theo Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lý do lắp đèn trợ sáng để an toàn hơn là chưa thuyết phục. Ông Minh nói: “Khi làm ra mỗi chiếc xe, hãng sản xuất đã tính toán kỹ về độ chiếu sáng. Nên không thể nói vì tầm nhìn kém hay góc chiếu sáng chưa rõ mà lắp thêm đèn. Pháp luật không cấm nhưng để lắp thêm đèn với những trường hợp đặc biệt, cần mang thiết kế mới đến cơ quan có thẩm quyền như Sở giao thông vận tải địa phương xem xét, phê duyệt”.

Đình Quý

Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!

Bức xúc tài xế Việt bật pha chói mắt, gieo họa cho cộng đồng

Bức xúc tài xế Việt bật pha chói mắt, gieo họa cho cộng đồng

 Việc các tài xế chiếu đèn pha sai cách không chỉ làm khó chịu cho người tham gia giao thông mà còn ẩn họa những tai nạn khôn lường vì ánh sáng gây lóa mắt. Tại Việt Nam, văn hóa xấu xí này đang rất phổ biến.