LTS: Nhân đề xuất trên của Tổng cục Đường Bộ, chuyên trang Ô tô xe máy mở diễn đàn “Nên tước bằng lái xe 2 năm hay vĩnh viễn?”. Trân trọng mời bạn đọc đóng góp ý kiến tham gia qua bài viết gửi về email: [email protected]. Chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết phù hợp. Xin cảm ơn!
Những vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia ngày càng có xu hướng ra tăng.
Tối ngày 22/10/2018, nữ tài xế Nguyễn Thị Nga điều khiển chiếc ô tô BMW trong tình trạng say rượu đã đâm mạnh vào 5 xe máy và 1 ô tô khiến 1 người tử vong và 5 người khác bị thương, nguy kịch.
Đêm 22/4/2019, ông Đỗ Xuân Tuyên cũng lái xe ô tô Hyundai trong tình trạng say rượu đã gây tai nạn liên hoàn trước khi đâm tử vong một nữ lao công đang làm việc trên đường Láng (Hà Nội).
Vụ tai nạn ở hầm Kim Liên (Hà Nội) do lái xe Lê Trung Hiếu uống bia rượu gây ra, khiến 2 phụ nữ tử vọng |
Và gần đây nhất, vụ tai nạn khiến cả xã hội phẫn nộ xảy ra đêm ngày ngày 1/5, Lê Trung Hiếu sau khi uống 6 chai bia và rượu, đã lái xe Mercedes đâm vào 2 phụ nữ ở khu vực hầm Kim Liên khiến hai người này tử vong tại chỗ.
Các vụ tai nạn nghiêm trọng trên đều có nguyên nhân chính từ việc lái xe trong tình trạng sau các bữa “nhậu”, uống bia rượu, say xỉn, không làm chủ được tay lái.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ số rượu bia cao nhất Đông Nam Á với 3,4 tỉ lít bia/năm. 45% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử rượu bia. Tai nạn do rượu bia cũng gây thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi ngày (tương đương 2,9% GDP mỗi năm).
Trước xu hướng gia tăng của các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân sử dụng rượu bia, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đề xuất sửa đổi Nghị định 46 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng mức phạt với vi phạm nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe.
Lái xe uống bia rượu, Việt Nam nên tước bằng lái 2 năm hay vĩnh viễn? |
Theo đó, đối với người vi phạm có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam /1 lít khí thở, Tổng cục Đường bộ đề xuất nâng mức phạt tiền lên từ 18-20 triệu đồng thay cho mức 7-8 triệu đồng và tước bằng lái xe 14 đến 18 tháng thay cho thời gian tước bằng lái từ 3-5 tháng như quy định hiện hành.
Đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tiền từ 16-18 triệu đồng lên 34 -40 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 -24 tháng (kịch khung theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính) thay cho 4-6 tháng như hiện nay.
Đề xuất này của Tổng cục đường bộ Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa với những người sử rượu bia khi tham gia giao thông.
Ông Vũ Đăng Khoa (Xuân Đỉnh - Từ Liêm - Hà Nội) cho rằng: "Đây là một chủ trương đúng đắn. Cần tăng mức xử phạt để nâng tính răn đe. Theo tôi, ở mức vi phạm cao nhất, ngoài việc xử phạt 40 triệu đồng, cần tước bằng vĩnh viễn và bắt lao động công ích một tháng. Bởi khi đã quá say rồi mà vẫn cố leo lên xe lái là hành động vô trách nhiệm không thể chấp nhận được."
Với anh Nguyễn Xuân Thuỷ (Hiệp Hoà - Bắc Giang), cần phải tăng nặng hơn nữa hình phạt. Anh cho rằng: "Nếu sau khi uống rượu lái xe và gây tai nạn, theo tôi nên áp dụng khung hình phạt tương đương như tội Giết người. Bởi lái xe ý thức được sự nguy hiểm của việc lái xe trong tình trạng say rượu nhưng vẫn lái xe là hành động cố ý giết người."
Có khá nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cần tang nặng hình phạt so với đề xuất của Tổng cục Đường bộ, đặc biệt là việc tước bằng vĩnh viễn được chia sẻ trên cộng đồng những ngày qua.
Bạn có góc nhìn ra sao về đề xuất chỉ tăng hình phạt cho lái xe sau bia rượu tước bằng lái 2 năm và phạt 40 triệu đồng hay cần tước bằng vĩnh viễn, đi lao động công ích và đi tù?
Trân trọng mời bạn đọc gửi bài viết chia sẻ góc nhìn về vấn đề này đến Chuyên trang Ô tô xe máy qua email: [email protected]
Quốc Khánh
Bỏ mặc nữ sinh: Xe bạc tỉ, đạo đức 1 xu
Tài xế xe Range Rover đâm nữ sinh bỏ chạy hôm 7/12 vẫn trốn biệt. Nhiều vụ việc đau lòng tương tự đã xảy ra. Tình trạng đạo đức lái xe đang xuống cấp nghiêm trọng.