Theo ghi nhận trong khoảng 3 năm qua, ước tính có khoảng 13 vụ chủ xe ô tô phản ánh bị người khác phá hoại bằng các hình thức như dùng vật nhọn rạch xe, đập kính, đổ sơn lên nắp ca pô, vẽ bậy, dán băng vệ sinh… Nguyên nhân chủ yếu là vì chủ xe đỗ sai vị trí gây cản trở đi lại, cản trở kinh doanh, hoặc vì bị trả thù hay thậm chí là do ghen tỵ ...
Không ít chủ xe đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận hậu quả vì mình sai trước, chỉ dám nói qua facebook và không thể bắt được thủ phạm. Một số vụ được đưa ra ánh sáng, có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đền bù thỏa đáng.
Trả đũa chủ ô tô đỗ chắn lối, sai càng sai
Mới đây nhất, 24/2, dư luận bức xúc trước vụ việc ông Lê Ng (Nguyên Hồng - Hà Nội) đi đổ rác rồi "tiện tay" dùng vật nhọn rạch xước xe Kia Cerato của hàng xóm. Nguyên nhân là bởi chiếc xe đỗ ở vị trí gần trước cửa nhà ông. Vụ việc bị cộng đồng chỉ trích mạnh vì ông Lê Ng là một nhà giáo ưu tú. Ngay sau đó, cơ quan chức năng địa phương cũng đã can thiệp để xử lý.
Hình ảnh cụ ông đi đổ rác tiện tay rạch xước xe ô tô khiến dư luận bức xúc. |
Trước đó, bà Nguyễn Thị Nhàn (51 tuổi, trú tại đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh danh tính hai người phụ nữ cào xước xe Camry của mình. Nguyên nhân theo bà Nhàn kể là do người phụ nữ này trước đó đi ngược chiều rồi bị nhắc nhở lùi xe lại, sau đó xích mích qua lại nên đã có hành động trả thù như vậy.
Bà Nguyễn Thị Nhàn từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Việc cố tìm cho bằng được danh tính của người phụ nữ đã cào xước xe của tôi không phải chỉ để họ đền bù thiệt hại cho việc họ đã làm. Bởi việc sơn lại vỏ xe là điều rất đơn giản, quan trọng là để họ biết được việc làm sai trái của mình và phải chịu tội trước pháp luật, lần này và còn lần sau nữa. Biết đâu sẽ còn nhiều nạn nhân sẽ bị như thế nếu tôi bỏ qua chuyện này".
Chiếc xe Camry bị cào xước và bảng giá sửa chữa. |
Cùng cảnh ngộ, chị Loan (trú P.Hoà Khánh Bắc, TP Đà Nẵng) là chủ chiếc xe bị hàng xóm là bà L. (trú tại Nguyễn Lương Bằng, Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) liên tục lén lút dùng vật nhọn cào xước xe xảy ra vào ngày 4/11/2018.
Trao đổi với PV VietNamNet qua điện thoại, chị cho biết: “Nhiều lần xe bị cào xước sơn dù đỗ trước của nhà mình, tôi đã âm thầm lắp camera an ninh để theo dõi. Từ hình ảnh camera tôi phát hiện xe bị cào xước một đoạn do chính bà L. thực hiện. Tôi rất bức xúc và đã báo cho chính quyền địa phương. Những hành vi như vậy đáng bị lên án và xử lý đến nơi đến chốn để làm gương cho những người khác nữa. Chuyện sau đó đã được hòa giải nhưng đây là bài học cho cách ứng xử thiếu văn hóa của nhiều người”.
Vào tháng 8/2018, trên mạng xã hội lan truyền clip về 1 cụ già hất đầy sơn đỏ lên một chiếc xe ô tô trắng đỗ dưới lòng đường. Sự việc được xác định xảy ra trên đường Lê Văn Việt (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh). Theo hình ảnh từ clip, cụ ông chuẩn bị sẵn 2 chai sơn đỏ, lần lượt dùng những lọ sơn này bôi lên phần đầu xe, gương và kính xe. Sau khi đổ hết cụ ông ném cả vỏ chai lên thân xe và lầm bầm chửi mắng.
Hồi tháng 10/2017, một cô gái trẻ ở Hà Nội đã cầm cả gói băng vệ sinh dán lên chiếc xe đỗ trước cửa hàng của mình. Không những thế, cô còn dùng bút viết dòng chữ "vô ý thức" lên từng miếng băng rồi quay lại và đưa lên mạng…
Xét về phương diện văn hóa ứng xử, TS Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhìn nhận: “Đó là cách hành xử không đúng mực này, bởi nó ít nhiều làm xấu đi hình ảnh người Việt, đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế. Người ta đố kị, kèn cựa, trả đũa, thiếu sự kiềm chế trước một tình huống bất hợp lý, thay vì kiên trì nhắc nhở, báo chính quyền có thẩm quyền giải quyết"
"Tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể để lại một mẩu giấy trên xe với lời nhắn ngắn gọn cho chủ xe hiểu là được. Nếu dùng cái sai xử lý cái sai thì càng sai. Sai chồng sai vừa vi phạm pháp luật, vừa không đúng với chuẩn mực văn hóa ứng xử của người Việt Nam”, TS Hồng nói.
Phá hoại ô tô: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với Xe Vietnamnet, Luật sư Hồng Quân- Công ty Luật Lincon&Brother nhận định: “Cả hai hành vi đi xe ô tô đỗ sai vị trí và việc vẽ bậy, rạch xe, đập vỡ xe của người khác đều sai và vi phạm luật. Trước tiên, việc đỗ xe cũng phải tuân theo pháp luật".
Theo đó, khoản 3 điều 18 Luật Giao thông đường bộ, người dừng, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ các quy định như : Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng/đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng/đỗ xe thì phải dừng/đỗ xe tại các vị trí đó…
Bên cạnh đó, khoản 4 điều 18 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe…
"Trường hợp có người phát hiện chủ xe đỗ xe sai quy định nhưng không báo với chính quyền giải quyết mà lại tự ý xử lý, dằn mặt bằng việc rạch xe, đập phá xe… thì lại thuộc hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” và vi "gây thiệt hại đến tài sản của người khác" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cả dân sự", luật sư Quân cho biết.
Y Nhụy
Trân trọng mời bạn đọc gửi bài cộng tác về văn hóa lái xe tới chuyên trang qua email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Cụ ông rạch ô tô là nhà giáo ưu tú
Cụ ông đi đổ rác rạch chiếc ô tô Kia Cerato ở phố Nguyên Hồng là một nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng một trường dạy nghề tại Hà Nội.