LTS: Trước nhiều ý kiến trái chiều về dự kiến hạn chế xe máy của Tp Hà Nội, chuyên trang Ô tô xe máy mở diễn đàn "Bỏ xe máy có khó không". Trân trọng mời bạn đọc tham gia bài viết chia sẻ ý kiến qua email: [email protected]

Dưới đây là góc nhìn của độc giả Mai Trần, một công chức sinh sống ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Sự bùng nổ của các phương tiện giao thông ở đô thị giờ đang trở nên thái quá. Giao thông trên những tuyến đường ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải và tắc đường. Nhiều lúc, có cảm giác đến bó tay và bất lực khi kẹt giữa dòng ô tô, xe máy đang ùn ứ.

Phải nói rằng, ai đang sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, đại đa số vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân là xe máy, một số ít có ô tô riêng. Nếu như trước kia, xe máy là một tài sản lớn người dân rất khó mà mua sắm được thì hiện nay xe máy là một phương tiện rất phổ thông, hầu như ai cũng có thể sắm cho mình một chiếc xe máy, từ rẻ tiền đến đắt tiền.

Chiếc xe hai bánh này đã và đang đóng góp vô cùng lớn vào sự tiện ích trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đi xe máy, người ta có thể dễ dàng chở rau, chở gà, chở cá, đưa đón con đi học ... 

Thế nhưng, sau 30 năm phát triển, sứ mệnh của xe máy ở Hà Nội phải chăng đã hoàn thành? Sự bùng nổ của xe máy phải chăng đã đến giới  hạn ngưỡng chịu áp lực của giao thông đô thị?

Thẳng thắn thì thấy rằng, người đi xe máy tham gia giao thông đô thị hiện nay với một ý thức vẫn chưa cao, nếu không nói là tương đối tùy tiện. Vì áp lực đón con, đến sở làm, hay nhiều lí do khác…, người ta có thể đi xe máy trèo lên vỉa hè, đi vào đường ưu tiên cho xe bus, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chưa kể là thói quen tạt đầu ô tô ... Sự vi phạm về những quy định tham gia giao thông vào thời gian cao điểm đã đến mức phổ biến.

Vì lẽ đó, cùng với số lượng xe máy quá lớn, chuyện tắc đường ở Hà Nội xảy ra như cơm bữa vào mỗi buổi sáng và buổi chiều tan tầm.

Tôi nghĩ, việc hạn chế xe máy ở Hà Nội đang gây ồn ào dư luận thực ra, có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần vào phát triển văn minh giao thông đô thị. Nếu mỗi chúng ta không lệ thuộc vào chiếc xe máy, tập thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và thậm chí, có thể đi xe đạp thì diện mạo giao thông đô thị sẽ văn minh hơn nhiều.

{keywords}
Nhiều người dân ở Mỹ vẫn đi làm bằng xe đạp

Hôm trước, tại một cuộc họp báo, ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói: “Ít tiền thì chịu khó đạp xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi, chúng ta không thiếu phương tiện để lựa chọn, còn mang gà sống lên xe buýt thì không được”. Tôi nghĩ ông nói chẳng sai. Vì sao cứ nhất thiết phải chở rau, chở gà bằng xe máy?

Chúng ta nên nghĩ xa hơn! Nếu là kinh doanh, thực phẩm cần phải chở bằng các phương tiện chuyện dụng. Đừng đặt ra những tình huống tiểu tiết để có lý do chính đáng kéo dài sứ mệnh của chiếc xe máy vào đời sống hàng ngày của đô thị chúng ta như hiện nay. Nếu tư duy theo cách này, sẽ không bao giờ có nổi một chính sách cải cách giao thông đô thị đi vào cuộc sống.

Với cá nhân tôi, nếu bạn ngần ngại đi xe buýt, bạn hoàn toàn có thể đi xe đạp như là một trong những giải pháp thay thế phù hợp.

Và Nhà nước cũng có thể đầu tư những chiếc xe đạp công cộng như ở Thượng Hải, Đài Loan, là phương tiện trung chuyển, kết nối giữa các tuyến đường cho người dân sau khi đi xe buýt, đi tàu điện ngầm. Ở đây, những dãy xe đạp công cộng được Nhà nước đầu tư, hoặc được xã hội hóa thường dựng sẵn ở bến xe buýt, tàu điện ngầm… Người dân chỉ cần dùng điện thoại, quét mã QR là có thể tự thuê xe đi với một mức phí rất rẻ.

Thực tế, hiện nay ở Hà Nội, bạn bè tôi cũng có nhiều người sử dụng xe đạp trở lại, dù trong số đó, nhiều người có ô tô. Vì họ thấy có lợi cho sức khỏem đặc biệt là phù hợp với những người làm công việc hành chính có thời gian đi làm và tan sở cố định.

Tôi có một anh bạn làm ở Văn phòng Chính phủ, suốt mấy năm nay cũng chuyển qua sử dụng xe đạp xe làm phương tiện đi làm. Kết quả, anh còn giảm được cân nặng và rèn luyện sức khỏe rất tốt.

Nếu giả dụ, một ngày Hà Nội sẽ cấm xe máy, bạn chuyển sang đạp xe thì vừa có sức khỏe, vừa không gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt góp phần giảm ùn tắc đường rất lớn cho xã hội.

Các bạn đừng nghĩ đi xe đạp là lạc hậu, là không oai, là không tiện. Nhưng nếu các bạn thử sử dụng, tôi nghĩ đi xe đạp là một giải pháp tiến bộ và văn minh trong một xu thế giao thông ngày càng quá tải hiện nay.

Mai Trần (Công chức sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Bỏ ô tô, đi xe đạp, Chính phủ thưởng tiền

Bỏ ô tô, đi xe đạp, Chính phủ thưởng tiền

Không ít tiền, nhưng tại Hà Lan có lượng xe đạp cao hơn 1,3 lần so với dân số và người dân còn được chính phủ khuyến khích sử dụng xe đạp để đi lại.