Tết luôn là dịp chứng kiến muôn vàn những tình huống va chạm do lái xe ẩu mà nguyên nhân không phải chỉ do mật độ giao thông tăng cao mà chủ yếu, do rất nhiều tay lái mới ra đường về quê hoặc đi du xuân. 

Ra đường có cảm giác nguy hiểm trực chờ

Trên chuyến taxi sáng Mùng 3 Tết, trong câu chuyện vui nói với khách, anh tài xế nói vui rằng ra đường ngày này chỉ sợ nhất “tài non”. Vừa nói anh vừa chỉ vào chiếc ô tô con chạy phía trước: “Kiểu chạy chân trong chân ngoài, vô-lăng không chịu yên một chỗ như kia dễ là lái mới lắm, cứ cách xa cho lành”.

Thực tế chưa có một thống kê cụ thể bao nhiêu tài xế ít kinh nghiệm ra đường dịp Tết, nhưng chỉ nhìn vào việc các cửa hàng cho thuê ô tô đã đóng sổ từ 28 Tết, nhiều showroom ô tô cũ cũng tranh thủ cho khách thuê xe trong chục ngày Tết thì đủ để tưởng tượng ra câu chuyện.

Thanh Sơn (32 tuổi) ở Liễu Giai, Hà Nội cho biết năm nay anh đã thuê hẳn một chiếc Toyota Innova trọn gói 10 ngày để tự cầm lái chở gia đình về Thanh Hóa vào ngày 28 Tết, chấm dứt tình cảnh mấy năm trước ông bà, bố mẹ, con cái chia nhau kẻ bắt xe về trước, người về sau.

Lấy bằng cách đây 3 năm nhưng Sơn thú nhận cả năm có khi chả cầm vô-lăng lần nào vì nào có đủ tiền mua xe, và cũng không có nhu cầu thuê xe đi lại. “Có mỗi dịp Tết là thấy thuê xe tự lái là chủ động nhất. Cũng hơi run vì lâu không cầm lái nhưng đi chậm là được”, Sơn phân trần.

Xem clip chiếc Kia Cerato bám đuôi xe tải gây tai nạn với xe ngược chiều ở Vinh vào ngày Mồng 2 Tết:

Trong những ngày Tết vừa qua, không thiếu những clip từ camera hành trình ghi lại nhiều vụ tai nạn mà giới tài xế cho rằng thuộc vào lỗi sơ đẳng chỉ có “tài non” mới mắc phải. Điển hình như sáng Mùng 2 Tết chiếc Kia Cerato bám đuôi xe tải vượt xe cùng chiều trên đường tránh thành phố Vinh thì đâm đối đầu với chiếc Kia Morning ở chiều ngược lại.

Hay như vụ tai nạn giữa xe bán tải Ford Ranger và hai xe máy khi sang đường ở Bình Phước. Xe Ford Ranger sang đường nhưng trong phút vội vàng đã nhấn ga mà không để ý có xe máy đang đi tới, gây ra va chạm trực tiếp và gián tiếp tới hai chiếc xe máy.

Anh Tô Thế Đạt (Hà Đông, Hà Nội) kể rằng muốn xem dân tình đi ô tô ngày Tết ra sao, chỉ cần bước chân ra đường cao tốc là thấy. Anh kể: “Ngay từ sáng Mùng 2 tôi đã bị tắc từ đường trên cao xuống cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do lưu lượng quá đông, thế nhưng khi chạy trên cao tốc thì là một cảnh lộn xộn ở cả 3 làn đường. Rất nhiều xe mới tinh liên tục thi nhau điền vào chỗ trống, xâu chỉ luồn kim hết sức lộn xộn. Không để ý là rất dễ bị va quệt”.

Xem clip xe Ford Ranger sang đường thiếu quan sát gây tai nạn ở Bình Phước:

Những lỗi lái mới hay mắc phải 

Anh Nguyễn Văn Sang, thầy dạy lái ở một Trung tâm đào tạo lái xe ở Bắc Ninh cho rằng đa số tài xế mới được cấp bằng không tránh khỏi việc lóng ngóng khi tự một mình ra đường. “Kinh nghiệm, cảm giác, phán đoán sẽ tăng dần theo số thời gian ngồi sau vô-lăng. Vì vậy, với người mới lấy xong bằng lái, nếu có điều kiện hãy tham gia thêm các khóa bổ túc tay lái, cả số tự động lẫn số sàn”, anh Sang khuyên.

Tất nhiên, nếu có quá ít kinh nghiệm ra đường thì đương nhiên các “tài non” ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới người xung quanh.

Anh Sang nói rằng lỗi phổ biến nhất của “lái mới” là quên bật xi-nhan khi xin đường hoặc rẽ. “Cái này gần như là thường xuyên. Trong lớp bổ túc tay lái, tôi rất hay phải nhắc nhở vì người mới lái hay có thói quen đảo qua lại vô-lăng dẫn đến tắt xi-nhan mà họ không hay biết”.

{keywords}
Chiếc Toyota màu đỏ di chuyển trên cao tốc đảo làn không hề bật tín hiệu đèn

Còn anh Đạt vẫn rất nhớ tình huống trên cao tốc Ninh Bình hôm 7/2/2019, chỉ chậm phanh một tích tắc là đầu xe của anh sẽ chạm phải đuôi chiếc Toyota Vios chuyển từ làn giữa sang làn trái trong khi hai xe đang ở ngưỡng gần 110 km/h. “Tài xế không quan sát gương chiếu hậu hoặc có thể không phán đoán được khoảng cách với xe phía sau qua tấm gương nên dễ dẫn tới quyết định sai”, thầy Văn Sang nhận định tình huống này.

Hiện nay, theo Nghị định 46/2016, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.

Bên cạnh những lỗi “ú òa” như ví dụ trên, nhiều tài xế kể cả “tài già” vẫn có thói quen bám đuôi xe phía trước với khoảng cách không an toàn. Đã có nhiều vụ tai nạn “dồn toa” xảy ra khi một xe dẫn đầu phanh gấp. Ở tốc độ cao thì gần như rất khó để xử lý tình huống bất ngờ này. 

{keywords}
Chiếc SUV màu trắng chuyển làn trên cao tốc Pháp Vân không quan tâm tới khoảng cách xe phía sau

Một số lái mới thú nhận rằng họ thấy khó nhất chính là căn được khoảng cách đầu xe bên phải với môi trường xung quanh. Đây cũng là lý do khiến cho rất nhiều hư hỏng, xước sát khi tài xế đỗ xe hoặc đi qua đường hẹp. “Cảm giác căn đo khoảng cách chỉ tốt dần lên theo thời gian cầm vô-lăng. Tốt nhất là tài xế nên tập kỹ năng này ở nơi vắng và có sẵn cọc nhựa trước khi tự tin ra đường”, thầy dạy lái Nguyễn Văn Sang nói.

Thống kê mới nhất từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, cả nước đã xảy ra 280 vụ tai nạn giao thông, khiến 183 người chết và bị thương 245 người. So với Tết năm ngoái, giảm 78 người chết và ngay cả so với tháng 1 đầu năm 2019, số người chết cũng giảm đáng kể. Có thể hiểu việc các phương tiện vận tải hàng hóa lớn tạm nghỉ cũng góp phần giảm số vụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì ý thức kém, hoặc trình độ lái xe "non" của nhiều tài xế đã góp phần không nhỏ trong việc xảy ra va chạm, tai nạn giao thông trên.

Minh Quân

Bạn thấy gì về ý thức lái xe phổ biến trên đường dịp Tết vừa qua? Mọi ý kiến chia sẻ, tin bài xin gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!

 

Đừng để cơn say làm chủ cuộc đời bạn

Đừng để cơn say làm chủ cuộc đời bạn

 "Người đầu tiên làm chủ cuộc đời của bạn, sinh mệnh của bạn chính là bạn chứ không phải là cơn say", nhà văn Trang Hạ nói về thói quen lái xe sau bia rượu.