Xây dựng trạm sạc phải được tính trước một bước

Các loại xe điện hoá (bao gồm xe hybrid-HEV, xe hybrid có sạc-PHEV, xe thuần điện-BEV và xe sử dụng nguyên liệu Hydro-FCEV) đang phát triển nhanh. Xe điện trở thành là xu thế tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới mà Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, hiện còn nhiều trở ngại khiến ô tô điện chưa phổ biến tại Việt Nam như giá xe cao; hệ thống hạ tầng, trạm sạc nhanh còn thiếu; thời gian sạc pin dài hơn nhiều so với thời gian bơm nhiên liệu; tâm lý e ngại của người tiêu dùng,…

Bên cạnh đó, quá trình trải nghiệm của người dùng với dòng xe mới mẻ này cũng còn hạn chế khi hệ thống trạm sạc chưa được bao phủ. Khách hàng sẽ không lựa chọn một loại phương tiện mà đi đâu cũng nơm nớp lo hết năng lượng.

Tại Việt Nam, VinFast gần như là đơn vị duy nhất đang triển khai phát triển các trạm sạc ô tô điện với quy mô lớn. Hãng xe này dự kiến hoàn thành khoảng 2.000 trạm sạc tương ứng với hơn 40.000 trụ sạc các loại trong năm 2021, đón đầu cho các dòng xe thuần điện sắp lăn bánh.

Theo đại diện VinFast, các trụ sạc này gồm nhiều loại: Trụ sạc thường ô tô AC 11kW, trụ sạc nhanh ô tô DC 30kW và 60kW, trụ sạc siêu nhanh ô tô DC 250kW và trụ sạc xe máy AC 1,2kW.

{keywords}
Hệ thống trạm sạc phải được tính toán và hoàn thiện trước một bước trước khi phát triển các dòng xe điện. (Ảnh: VinFast)

Rõ ràng, yếu tố tiên quyết để xe điện đến gần hơn với người dân chính là hạ tầng trạm sạc. Việc phát triển trạm sạc xe điện phải “đi trước mở đường”, trong đó có tính toán kỹ đến các vấn đề như quy hoạch, quy định an toàn và nguồn cấp điện cho hệ thống trạm sạc này.

Trong hội thảo về hạ tầng xe điện mới đây, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, việc phát triển trạm sạc ô tô điện, nhất là các trạm sạc nhanh sẽ làm tăng phụ tải đáng kể lên hệ thống điện lưới quốc gia.

Ông Lâm tính toán, với trường hợp phát triển trạm sạc của VinFast ở trên, nếu tính công suất tối thiểu mỗi trụ sạc 11kW thì 40.000 trụ sạc đồng nghĩa với khoảng 440MW sẽ đấu nối thêm vào hệ thống; thậm chí có thể hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc nhanh có công suất lớn.

“Với phụ tải là 440MW sẽ “ngốn” tương đương với khoảng 2 tổ máy của Thuỷ điện Hoà Bình (mỗi tổ máy  có công suất 240MW), còn mức 1.000MW sẽ tương đương với công suất của Nhà máy thủy điện Lai Châu. Thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu hạ tầng trạm sạc tiếp tục phát triển trong tương lai”, vị lãnh đạo EVN dẫn chứng.

Do vậy, ông Võ Quang Lâm cho rằng, cần phải thực hiện ngay các giải pháp như: Nghiên cứu, xây dựng mô hình của phụ tải trong đó có xét đến phụ tải cho xe điện, sớm đề xuất quy định các yêu cầu liên quan tới đấu nối trạm sạc, cụm trạm sạc, điểm đấu nối tối ưu của các trạm sạc nhanh,...

Đồng thời, lãnh đạo EVN kiến nghị sớm xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan để chuẩn bị hạ tầng tích hợp trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc xe ô tô điện. 

 

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, Việt Nam có thể sẽ có khoảng 1 triệu xe điện hoá vào khoảng năm 2028 và sẽ đạt mốc 3,5 triệu xe vào năm 2040. Sau năm 2050, 100% xe mới bán ra thị trường sẽ là xe điện.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư trạm sạc

TS Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: “Vấn đề xây dựng các trạm sạc có trách nhiệm của nhiều bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các địa phương và thậm chí có cả vai trò của các nhà phát triển bất động sản, khu đô thị”.

Theo ông Hùng, với hạ tầng trạm sạc, nếu có chính sách ưu đãi về cấp đất, tín dụng (giảm lãi suất) dành cho các nhà đầu tư sẽ là một hướng tốt. Không chỉ riêng phát triển ô tô điện mà đối với tất cả các sản phẩm xanh nói chung tại Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trương Bá Tuấn- Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, để thúc đẩy phát triển sử dụng xe điện, bên cạnh giá thành sản phẩm hợp lý thì sự tiện lợi của hệ thống trạm sạc trong sử dụng là rất cần thiết.

“Nếu chúng ta có được hệ thống trạm sạc đồng bộ sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong nước. Cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy đầu tư, phát triển trạm sạc bên cạnh chính sách thúc đẩy sản xuất xe điện”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Theo vị đại diện Bộ Tài chính, việc xây dựng trạm sạc cần phải nhận được nhiều ưu đãi dựa vào 2 nguyên tắc trong Luật Đầu tư là danh mục ngành nghề cần khuyến khích đầu tư và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

“Ví dụ, doanh nghiệp mà đầu tư vào dự án nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá là sản phẩm cố định. Để có được ưu đãi, đòi hỏi phải rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, làm căn cứ để xây dựng những chính sách phù hợp”, ông Tuấn chia sẻ.

{keywords}
Khu vực để xe, kết hợp trạm sạc pin ô tô điện sử dụng năng lượng mặt trời trong một khu đô thị của hãng Tesla

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, hệ thống trạm sạc xe điện cần được quy hoạch và xây dựng như trạm xăng. Nơi nào có trạm xăng, có bãi đậu xe thì cần có trạm sạc điện.

“Nên khuyến khích doanh nghiệp xây trạm sạc bằng cách giảm thuế VAT, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp,… Có như vậy, các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư, tạo nên hạ tầng bao phủ để xe điện đi đến đâu cũng không còn sợ…hết pin”, vị chuyên gia này nêu giải pháp.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Thời cơ vàng làm xe điện, Việt Nam đừng bỏ lỡ

Thời cơ vàng làm xe điện, Việt Nam đừng bỏ lỡ

Việt Nam sẽ có thể có 1 triệu xe điện hoá vào năm 2028 và 4,5 triệu xe điện vào năm 2050. Những quyết tâm mạnh mẽ từ doanh nghiệp đã có. Cơ hội vàng để phát triển xe điện đã thấy rõ nhưng chính sách vẫn còn bỏ ngỏ.