Mở đầu năm 2021, câu chuyện thu hồi xe máy cũ nát một lần nữa lại được hâm nóng trong dư luận xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi văn bản 7442/BTNMT-TCMT tới các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Trong đó, đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, Bộ TN&MT yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp đồng bộ như phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải và đặc biệt phải thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Việc yêu cầu thu hồi xe máy cũ đã từng được đề cập nhiều năm qua, nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn dường như bế tắc.

Xe cũ nát chạy đầy đường

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3,4 triệu ô tô và 50 triệu xe máy. Hai thành phố là Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy và TP. HCM có khoảng 9 triệu xe máy thường xuyên tham gia giao thông, trong đó, ước tính khoảng 40% là những chiếc xe máy cũ đã sử dụng trên 15 năm.

Tại Hà Nội, không khó bắt gặp những chiếc xe máy “cà tàng” không còi, không đèn, không gương, không biển số,… lưu thông trên đường. Sử dụng những chiếc xe này phần đông là dân lao động vận chuyển hàng, buôn bán rau củ quả, thợ xây dựng, thu mua phế liệu,…

{keywords}
Không khó thể thấy một chiếc xe máy "cà tàng" ngoài đường phố (ảnh: Hoàng Hiệp)

 

{keywords}
Chiếc xe này không đèn, không gương, không còi và cũng không có biển số nhưng vẫn được chủ nhân cuả nó hàng ngày sử dụng (ảnh: Hoàng Hiệp)

Theo ghi nhận, những chiếc xe cũ nát chủ yếu của các dòng xe lâu năm như Honda Cub, Wave; SYM Angel; Suzuki Viva, Best; xe Trung Quốc Loncin, Lifan,... Nhiều trong số đó được hàn thêm giá đèo hàng, độ giảm sóc, hoặc chế thành xe kéo, xe ba gác chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn, kèm theo đó là tiếng nổ “váng óc”, khói bụi mù mịt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, phương tiện xe máy thải ra 80 - 90% khí CO, HC, NOx,… trong tổng lượng khí phát thải. Trong quá trình hoạt động, những chiếc xe cũ, ít được bảo dưỡng sẽ thải ra môi trường lượng khí thải độc hại cao gấp nhiều lần các loại xe mới, được bảo dưỡng thường xuyên.

Hiện nay, việc kiểm tra khí thải đang thực hiện theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ áp dụng được với ô tô đang lưu hành, chưa có tiêu chuẩn đối với xe máy.

Chính vì vậy, việc kiểm soát, giảm thiểu lượng phương tiện cũ nát này là cấp thiết. 

Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại bỏ xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường nhưng cách làm cần phải được nghiên cứu thật kỹ để tránh gây ra những tác động tiêu cực về mặt xã hội, đặc biệt là vấn đề dân sinh.

“Phần lớn xe cũ nát hiện nay đều thuộc về sở hữu của người có thu nhập thấp, người nghèo. Đối với họ, đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là sinh kế. Do đó, việc thu hồi xe cũ nát đồng nghĩa với việc động chạm đến “nồi cơm” của nhiều người, cần phải có sự tính toán thật kỹ” – ông Liên nói.

Ảnh hưởng của chủ trương này đến xã hội, dân sinh là rất rõ ràng bởi xe máy dù cũ nát đi chăng nữa cũng vẫn là tài sản của người dân. Với nhiều người lao động nghèo, chiếc xe còn là “cần câu cơm”, hàng ngày nuôi sống gia đình.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp ĐH Giao thông vận tải nhận định, việc cấm lưu hành, thu hồi những phương tiện không đủ điều kiện về kỹ thuật và khí thải cần có lộ trình để không ảnh hưởng “ngay tắp lự” đến đối tượng người thu nhập thấp, người yếu thế.

“Việc thu hồi, tịch thu hay mua lại xe cũ nát là câu chuyện ‘nhiều tập’, song song với xây dựng hành lang pháp lý còn phải tuyên truyền đề người dân đồng thuận, tuân thủ. Theo tôi, lộ trình từ 2-3 năm là phù hợp”, vị chuyên gia giao thông này chia sẻ.

Cần giải pháp căn cơ, hài hoà

Đa số các chuyên gia đều tỏ ra đồng tình với chủ trương trên nhưng cũng cho rằng, để thu hồi những phương tiện cũ nát không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường cần có đủ cơ sở về pháp lý, cùng với đó là những giải căn cơ, hài hoà lợi ích. Sao cho, người dân khi phải thải bỏ phương tiện vẫn thấy vui.

Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Nguyễn Văn Phương cho rằng: “Đối với xe máy, tôi nghĩ phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được”.

Theo ông Phương giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.

Còn GS.TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên cho rằng, việc thu hồi và loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Để chủ trương đi vào thực tế, có hiệu quả, trước tiên cần có số liệu khảo sát, đánh giá, tính toán số lượng, loại xe.

Đồng thời, GS.TS Lê Thanh Hải chỉ ra rằng: “Sau khi thu hồi cũng cần có giải pháp xử lý đối với những loại xe này bởi hiện nay chúng ta chưa phát triển được công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại mà những loại xe này chủ yếu là kim loại. Vì vậy, cần tính toán thêm giải pháp tiêu hủy xe ra sao. Tôi nghĩ, nhiều doanh nghiệp cơ khí có thể làm được việc này nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước."

Trên thực tế, nhiều địa phương đã bắt đầu thí điểm để từng bước thực hiện các giải pháp kiểm soát, thu hồi xe cũ. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, cùng khuyến khích và hỗ trợ người dân kiểm tra, thải bỏ xe máy cũ nát.

Như tại TP. HCM, từ tháng 5-12/2020, hơn 11.000 xe máy tại các quận: 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình được đo, kiểm tra khí thải miễn phí. Kết quả, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải. Đây là tiền đề để các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp, chính sách, lộ trình thực hiện trong những năm tới.

Hay tại Hà Nội, vào tháng 9/2020, Sở TN&MT đã trình UBND TP. Hà Nội dự thảo chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Theo đề xuất, người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2-4 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên đến nay, chương trình này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi có những khung pháp lý nhằm kiểm soát xe máy cũ nát thì trước mắt, các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông cần “mạnh tay” hơn đối với những xe không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như xe không giấy tờ, không biển số, vi phạm giao thông,…

Một số hình ảnh về thực tế sử dụng xe máy cũ tại Hà Nội:

{keywords}
Khói bụi phát thải từ những chiếc xe máy cũ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí 

 

{keywords}
Một chiếc xe cũ chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông 

 

{keywords}
Phần đông người sử dụng những chiếc xe "cà tàng" là dân lao động có thu nhập thấp (ảnh: Hoàng Hiệp)

 

{keywords}
Chiếc xe cũ là “cần câu cơm” của nhiều gia đình (ảnh: Hoàng Hiệp)

 

{keywords}
Cần nhiều giải pháp để dần kiểm soát, thu hồi xe cũ nát (ảnh: Hoàng Hiệp)


Hoàng Hiệp

Bạn có ý kiến gì về việc xử lý, thu hồi xe cũ nát? Mời bạn đọc gửi bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Cần một cú hích mạnh hơn để người dân thải bỏ xe máy cũ gây ô nhiễm

Cần một cú hích mạnh hơn để người dân thải bỏ xe máy cũ gây ô nhiễm

Những chiếc xe máy quá cũ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Tuy vậy, để người dân ủng hộ, đồng thuận việc thay thế, thải bỏ loại phương tiện này lại cần nhiều giải pháp mang tính thực tế hơn.