Theo xu hướng chung của toàn cầu, "sân chơi" ô tô điện tại Việt Nam dần thành hình với những cái tên đầu tiên như VinFast VF e34, Kia V6 hay mẫu xe thể thao chạy điện hạng sang Porsche Taycan.
Việc sử dụng xe với động cơ điện chắc chắn sẽ khiến cho khách hàng quan tâm đến một vài vấn đề mới - vốn chưa từng có khi dùng xe động cơ đốt trong. Dưới đây là những điều cần nắm khi quyết định mua xe điện.
Quãng đường di chuyển
Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm khi nói về xe điện. Trước đây những mẫu xe điện thường có phạm vi hoạt động chỉ bằng một nửa xe dùng động cơ đốt trong, tuy nhiên thời điểm hiện tại điều này không còn chính xác.
Ô tô điện ngày nay có phạm vi hoạt động không thua kém xe dùng động cơ truyền thống. Ảnh: VinFast. |
Với sự phát triển của công nghệ, xe điện ngày nay có khả năng đi một hành trình dài không thua kém xe dùng máy xăng hay diesel. Chẳng hạn Mercedes EQS được ra mắt gần đây có quãng đường di chuyển tối đa hơn 775 km.
Trong vài ngày tới, VinFast sẽ giới thiệu chiếc VF e34 - mẫu xe điện phổ thông đầu tiên tại Việt Nam. VF e34 có quãng đường di chuyển tối đa khoảng 300 km, tương đương các mẫu xe hạng A, B trên thị trường. Vào năm sau, Thaco cũng gia nhập sân chơi này với mẫu Kia EV6, phạm vi di chuyển khoảng 500 km.
Mức tiêu thụ năng lượng của ôtô điện tỉ lệ thuận với tốc độ, trong khi xe dùng động cơ đốt trong truyền thống có thêm bộ số nên khi di chuyển ở tốc độ hợp lý sẽ tiết kiệm hơn chạy chậm. Bên cạnh đó, phạm vi di chuyển của xe điện cũng bị tác động không ít bởi nhiệt độ môi trường cũng như tình trạng động cơ.
Trạm sạc và thời gian sạc
Để ngành công nghiệp xe điện phát triển tại một quốc gia, mạng lưới trạm sạc là điều được quan tâm hàng đầu. Tại Việt Nam, VinFast đã triển khai lắp đặt hơn 2.000 trạm sạc ở nhiều địa điểm khác nhau, đây được xem như một bước đi quan trọng trước khi ra mắt ôtô điện.
Mạng lưới trạm sạc ảnh hưởng nhiều đến doanh số xe điện tại một quốc gia. Ảnh: Bối Hạ. |
Thông thường, vị trí đặt trạm sạc thường là bãi giữ xe của trung tâm thương mại hay chung cư, các trạm dừng chân trên cao tốc, quốc lộ... Tùy thuộc vào địa điểm, nhà sản xuất sẽ quyết định loại trạm sạc được bố trí, chẳng hạn như trạm dừng chân cần loại sạc công suất cao, trong khi tại chung cư có thể bố trí loại sạc thường hoặc sạc chậm để tối ưu chi phí.
Nếu như xe xăng hay diesel chỉ mất 5-10 phút là đủ để đổ đầy nhiên liệu, xe điện cần ít nhất là 45-60 phút. Cho đến hiện tại thì thời gian sạc pin vẫn là bài toán nan giải với các nhà sản xuất xe điện.
Thời gian nạp đầy năng lượng cho ôtô điện phụ thuộc vào 2 yếu tố: Công suất trạm sạc và dung lượng bộ pin lắp trên phương tiện. Các hãng xe điện trên toàn cầu triển khai hệ thống sạc với nhiều tên gọi khác nhau, công suất sạc cũng có sự khác biệt tùy theo địa điểm lắp đặt.
Công nghệ sạc nhanh là trợ thủ đắc lực cho xe điện. Ảnh: Tesla. |
Công nghệ sạc nhanh được xem là "trợ thủ" đắc lực cho ôtô điện, công nghệ này sẽ giúp sạc pin lên một mức nhất định, dù không đủ 100% nhưng vẫn đủ để chiếc xe tiếp tục được hành trình thêm một đoạn. Chẳng hạn như các mẫu xe Tesla có khả năng di chuyển thêm 320 km sau 15 phút cắm sạc tại các trạm sạc 250 kW.
Kết luận
Ô tô điện sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, với những nâng cấp về hệ thống pin để đi được xa hơn, hệ thống sạc để nạp năng lượng nhanh hơn, và thậm chí là hệ thống cho thuê pin để người dùng không cần phải chờ đợi.
Một khi những điểm quan trọng nhất của xe điện được nâng cấp nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ, xe điện sẽ dần dần thay thế được những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Theo ZingNews
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Khoảng trống trong tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho xe điện ở Việt Nam
Tổng số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, nhưng chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện. Thực tế này đòi hỏi cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện trước khi xe điện trở nên phổ biến trong tương lai gần.