Tôi 28 tuổi, quê ở Hưng Yên, vợ tôi quê ở Thanh Hóa. Chúng tôi làm việc ở Hà Nội nên cưới nhau và sinh sống tại đây. Hai vợ chồng đã có một căn chung cư do gia đình hai bên góp tiền mua.
Cả hai chúng tôi đều làm việc trong cơ quan nhà nước, lương của tôi 12 triệu/tháng, còn của vợ 10 triệu/tháng. Tuy không cao nhưng ổn định, không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid.
Mua xe giá rẻ trả góp là lựa chọn đầu tiên cho các cặp vợ chồng mua ô tô lần đầu |
Mỗi tháng nhà tôi tiết kiệm đều đặn được khoảng 8-9 triệu đồng. Do sắp đón con đầu lòng nên có nhu cầu về phương tiện đi lại, cộng thêm việc mua xe đang có nhiều ưu đãi nên vợ chồng tôi tính mua một chiếc xe Hyundai i10 sedan có giá lăn bánh khoảng 450 triệu đồng. Hiện tại, chúng tôi đã để dành được 200 triệu, còn thiếu 250 triệu nữa. Chúng tôi dự kiến vay và trả dần trong 6 năm.
Sau khi tìm hiểu các gói vay mua xe ở nhiều ngân hàng thương mại khác nhau, vợ chồng tôi dự định chọn gói vay lãi suất 8,5%/năm trong 2 năm đầu và 10,5%/năm ở 4 năm tiếp theo.
Với mức lãi suất này, những năm đầu vợ chồng tôi sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 5,2 triệu/tháng để trả ngân hàng. Số tiền phải trả hàng tháng sẽ giảm dần, tới năm thứ 6 chỉ còn phải trả 3,5 triệu/tháng và hết nợ.
Sở dĩ, tôi lựa chọn gói vay kéo dài trong 6 năm là để giảm bớt gánh nặng phải trả hàng tháng mà cũng kịp trả hết nợ trước khi con tôi bước vào tiểu học, vốn tốn kém hơn giai đoạn học mẫu giáo.
Theo tính toán, hai đến ba năm đầu sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với vợ chồng tôi. Hiện tại mỗi tháng tôi tiết kiệm được 8-9 triệu, sau khi trả ngân hàng 5 triệu thì chỉ còn nhiều nhất 4 triệu để nuôi con và nuôi xe.
Tôi tính dành 2,5 triệu để nuôi con và 1,5 triệu chi phí sử dụng xe hàng tháng. Hai năm đầu bé bú mẹ là chính nên có lẽ sẽ không tốn kém mấy.
Để tiết kiệm chi phí sử dụng xe, tôi sẽ chỉ dùng ô tô khi có việc cần đi xa như đưa vợ con về nhà ngoại ở Thanh Hóa hoặc khi trời mưa gió. May mắn là cơ quan tôi diện tích rất rộng, cán bộ nhân viên để xe thoải mái nên tôi sẽ không mất tiền gửi xe hàng tháng. Tôi sẽ chỉ phải bỏ tiền xăng xe, chi phí bảo hiểm và tiền bảo dưỡng định kỳ. Vì là xe mới nên khoản chăm sóc xe sẽ không đến nỗi quá nặng nề.
Ở khu chung cư tôi đang ở, dịch vụ đi xe chung về quê rất phổ biến. Mỗi lần về quê tôi có thể rao tin lên nhóm Facebook của chung cư để tìm người đi cùng nhằm tiết kiệm tiền xăng xe, cầu đường. Theo lời một người hàng xóm của tôi chia sẻ, bằng cách này mà mỗi lần gia đình anh ta về quê gần như không mất chi phí đi lại.
So với cách thuê xe taxi mỗi khi cần sử dụng thì phương pháp mua xe trả góp của vợ chồng tôi sẽ vất vả hơn nhiều, tôi hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn mua xe bởi vì đó sẽ là xe của tôi, tôi sẽ chủ động trong mọi tình huống. Với những gia đình "một chốn bốn quê" như nhà tôi thì việc sở hữu một chiếc xe ngày tết sẽ vô cùng quý giá.
Hơn nữa, tôi luôn nghĩ rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi gia đình nên có một chiếc ô tô dù là sớm hay muộn, chi bằng tôi cố gắng vất vả trước một chút để sau này được nhàn hạ.
Sau thời gian làm việc ở cơ quan nhà nước, tôi thấy mình đã khá trì trệ so với bạn bè cùng trang lứa. Áp lực về kinh tế cũng là cách để thúc đẩy tôi tìm hướng kinh doanh, kiếm thêm thu nhập bên ngoài chứ không phải trông chờ vào đồng lương như hiện tại.
Độc giả Việt Anh (Chung cư Kim Văn Kim Lũ, Hà Nội)
Bạn có góc nhìn nào về bài toán mua và sử dụng ô tô như trên? Hãy bình luận dưới bài viết. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Xin cảm ơn!
"Tiện thể" khi đi đường kéo lùi văn hoá giao thông
Đi ngược chiều tạm một đoạn đường, đi bộ tắt ngang cao tốc, không đội mũ bảo hiểm vì đi đoạn ngắn... Những thói quen xuề xoà, "tiện thể" này đang khá phổ biến ở nhiều người dân khiến văn hoá giao thông ở Việt Nam trở nên xấu xí.