Tại buổi tọa đàm "Xu hướng ô tô điện hóa ở Việt Nam” diễn ra sáng 22/4 ở Hà Nội, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Cục Đăng kiểm Việt Nam, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này, đại diện doanh nghiệp bán xe chạy điện như Toyota, Vinfast, câu hỏi Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng điện hóa ô tô đã hé mở phần nào.
Tọa đàm "Xu hướng ô tô điện hóa ở Việt Nam" quy tụ các góc nhìn của các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp... |
Mở màn buổi tọa đàm, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và xe chuyên dùng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vẽ lại bức tranh về ô tô điện với lịch sử cả trăm năm nhưng chỉ phát triển ở giai đoạn sơ khai của công nghiệp ô tô, và đầu thế kỷ 21 mới thực sự có chỗ đứng.
Theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, tương lai ô tô chạy điện không còn là bàn cãi khi nhìn ra thế giới, nhiều nước đã hướng đến sản xuất xe điện chiếm tới 95% vào những năm 2025, 2030. Ngay cả những công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô cũng chọn xe điện là bước đi đầu tiên (Rivian, Fissker, Lucid, Canoo, Lordstown, Nio-PV), đủ để thấy thời của ô tô điện đã đến.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng ô tô điện ngày nay có nhiều ưu thế và tiết kiệm hơn ô tô động cơ đốt trong |
Vậy Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng điện hóa ô tô, hay nói cách khác Việt Nam đã bắt đầu bước vào thị trường ô tô điện hay chưa?
Trước hết để hiểu hơn về ô tô điện hóa thì loại xe này đang được phân biệt theo 4 dòng chính, gồm xe hybrid (HEV: Hybrid Electric Vehicle), xe hybrid sạc ngoài (PHEV: Plug-in Hybrid Electric Vehicle), xe điện chạy pin (BEV: Battery-powered Electric Vehicle) và xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV: Fuel-cell Electric Vehicle).
Trong 4 dòng xe trên thì Việt Nam chưa xuất hiện loại xe FCEV do đây là dòng xe còn quá mới, nhiều hãng còn đang trong quá trình nghiên cứu. Riêng Toyota đã đi đầu với chiếc Mirai thế hệ thứ 2 vừa ra mắt cuối năm 2020, nhưng giá khá đắt.
Để làm rõ hơn về thị trường ô tô điện ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Phòng chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong vài năm trở lại đây, ô tô điện hóa nhập về Việt Nam có tăng nhưng không đáng kể, phần lớn là xe hybrid. “Năm 2019 có khoảng 240 xe nhập khẩu vào Việt Nam; năm 2020 là hơn 400 xe và 3 tháng đầu năm 2021 là gần 600 xe. Hiện nay, ô tô điện vẫn được đăng kiểm cấp phép như xe bình thường, không có khó khăn gì”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Phòng chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết ô tô điện không gặp khó khăn gì khi đăng kiểm, tương tự các loại xe ô tô thường. |
Như vậy, so với sản lượng tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam mỗi năm đang ở mức trên 400 ngàn xe thì thị phần ô tô điện đang còn quá nhỏ. Đó là một thách thức cho các nhà sản xuất và phân phối ô tô nếu muốn “bẻ hướng” sang đầu tư bán ô tô điện hóa.
Dẫn chứng cho sự non trẻ của thị trường ô tô điện Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam kể lại hành trình đưa chiếc hybrid của hãng xe Nhật bán ở Việt Nam phải mất tới 12 năm. Ông Hiếu nói: “Năm 2008 chúng tôi mang chiếc Prius tới triển lãm Việt Nam nhưng chỉ nhận được sự quan tâm về mặt công nghệ. Lần lượt các năm về sau như 2012, 2014 xe vẫn đều đặn được đem về trưng bày và phải đến 2017 bộ phận nghiên cứu mới thấy rằng khách Việt đã bắt đầu quan tâm giá bán của xe. Khi đó, chúng tôi mới điều chỉnh chiến lược và đem chiếc Toyota Corolla Cross hybrid về bán vào năm 2020”. Đây cũng là lý do khiến Toyota nhận định Việt Nam hiện mới phù hợp với xe hybrid do loại xe này không buộc người mua phải thay đổi thói quen sử dụng như xe điện (cần trạm sạc, hệ thống bảo dưỡng riêng).
Chuyên gia Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam cho rằng ô tô điện là xu thế nhưng hiện chưa phù hợp ở Việt Nam, thay vào đó xe hybrid. |
Trái với quan điểm của chuyên gia Nguyễn Trung Hiếu, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải hình thành thị trường cụ thể cho ô tô điện, bởi nếu không đến năm 2025 khi xu thế điện hóa ô tô tràn ngập, chúng ta sẽ thành “vùng trũng” so với các nước trong khu vực. “Ô tô điện có nhiều điểm lợi hơn động cơ đốt trong như công suất mạnh, không bị khống chế mô-men xoắn, pin đặt ở sàn có lợi thế về trọng tâm tăng độ an toàn, dễ lái, dễ cập nhật công nghệ và nhất là bảo dưỡng định kỳ không tốn kém’, ông Phúc nói.
Theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, cái khó nhất hiện nay để hình thành thị trường ô tô điện là chưa có chính sách hỗ trợ cho người bán (ở đây là nhà sản xuất) và người mua.
Về vấn đề chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Đại diện Cục Công nghiệp – Bộ Công thương) cho rằng thực tế nói Việt Nam chưa có hỗ trợ ô tô điện cũng chưa đúng, bởi dù Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam tầm nhìn 2020 không nhắc đến loại xe này nhưng nó đã được hưởng lợi từ định hướng hỗ trợ loại xe thân thiện môi trường, cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt. “Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô điện hiện chỉ ở mức 21%, tức là giảm tới 50% so với xe thông thường có mức thuế theo dung tích động cơ. Bên cạnh đó các nhà sản xuất cũng nhận được ưu đãi tùy theo mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu”, bà Thúy cho biết.
Như vậy có thể thấy dù ô tô điện hóa chưa nhận được ưu đãi theo diện “điểm mặt chỉ tên” nhưng hiện tại vẫn là loại xe có lợi nhất về thuế tiêu thụ đặc biệt so với các loại ô tô thông thường. Và trong khi chúng ta đang bàn về loại xe này thì hai nước Thái Lan, Indonesia đã công bố chính sách phát triển ô tô điện cho giai đoạn bùng nổ 2025-2030.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Chuyên gia giải thích lí do ô tô điện thân thiện với môi trường hơn xe xăng
Bên cạnh ưu điểm "độc nhất" hoàn toàn không phát thải khi sử dụng, quá trình sản xuất điện - nguồn năng lượng cho những chiếc ô tô của tương lai - cũng "xanh" hơn rất nhiều so với các loại phương tiện chạy bằng nhiên liệu khác.