Tôi 34 tuổi, mới kết hôn năm ngoái. Vợ ít hơn tôi một tuổi, cũng là người suy nghĩ chín chắn nên cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng khá suôn sẻ. Hễ có việc gì cả hai vợ chồng lại cùng bàn bạc để đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, mấy ngày nay gia đình tôi đang trải qua sóng gió vì chuyện cậu em vợ muốn mượn ô tô đi chơi dịp nghỉ lễ Tết dương lịch mà tôi lại từ chối. Vợ tôi cho rằng tôi keo kiệt với gia đình cô ấy nên hai vợ chồng xảy ra xích mích.

Cậu em vợ của tôi 22 tuổi, vì năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ra trường chưa xin được việc làm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, em vợ tôi đi học lái xe và mới lấy được bằng lái 2 tháng.

Giờ đây, cứ có cơ hội là em vợ tôi lại mượn xe của tôi để đi lại, bất kể khoảng cách gần, xa trong thành phố. Tôi cho mượn mấy lần nhưng trong lòng lo ngay ngáy.

Sợ xảy ra tai nạn cũng có mà sợ đâm đụng gây hỏng xe cũng có, dù gì em tôi cũng mới học lái, chưa có kinh nghiệm. Thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn xảy ra do lỗi nhầm chân ga, chân phanh lại càng làm tôi thêm suy nghĩ.

Tôi có trao đổi vấn đề này với vợ nhưng ý kiến của cô ấy lại trái ngược hoàn toàn. Vợ tôi cho rằng đã không biết lái thì lại phải càng lái nhiều mới có kinh nghiệm, chứ kinh nghiệm không tự đến.

Không hiểu sao bình thường vợ tôi là người suy nghĩ chín chắn, kín kẽ nhưng lại thường hay nuông chiều em trai. Nghe theo lời vợ, mấy lần tôi vẫn cho cậu em mượn xe dù trong lòng không vui.

Tuần trước, sau khi dò hỏi và được biết gia đình tôi sẽ không về quê đợt Tết dương lịch này, cậu em vợ đã ngỏ lời mượn xe để chở mấy người bạn đi du lịch ở xa.

Lần này thì tôi nhất quyết không đồng ý. Vì lái xe đường dài khác hẳn với việc lái xe các đoạn ngắn trong thành phố, nhất là với tình hình giao thông phức tạp vào dịp nghỉ lễ sắp tới.

{keywords}
Tôi cho rằng người mới lái như em vợ tôi không xử lý được trong tình trạng giao thông tắc đường ngày lễ. (Ảnh minh họa)

Khi từ chối, tôi cũng đã phân tích rõ ràng với cậu em vợ rồi. Không hiểu cậu em truyền đạt lại với gia đình thế nào mà thành ra tôi sợ em vợ làm hỏng xe không có tiền đền nên không cho mượn. Bố vợ nghe xong tỏ ý không hài lòng nên hai vợ chồng tôi to tiếng với nhau.

Nói thực, xe thì tôi cũng xót thật, đây là tài sản tôi vất vả tích góp có được trước hôn nhân và cũng là niềm tự hào của tôi với vợ. Nhưng cái xe chẳng thể nào so với tính mạng và sức khỏe con người. Tôi cũng từng trải qua tuổi trẻ nên tôi hiểu rõ, ở độ tuổi như em vợ tôi, tâm lý thích thể hiện là không thể tránh khỏi. Chẳng thế mà phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều bắt nguồn từ các thanh thiếu niên. Khi lái xe chở bạn bè, biết đâu cậu ấy lại nổi hứng sĩ diện chạy xe với tốc độ cao hoặc vượt xe trái quy định.

Với gia đình, họ hàng bên nhà tôi cũng thế, không phải ai tôi cũng cho mượn xe, chỉ những người tôi có cơ hội được ngồi sau tay lái của họ, cảm thấy cái tâm của người lái xe, tôi mới dám cho mượn. Ô tô không giống xe máy, ô tô có sức mạnh lớn hơn xe máy nhiều lần, từ trước tới nay chỉ có “ô tô điên” chứ mấy khi có “xe máy điên”.

Dù người mượn xe đã có bằng lái, có năng lực chịu trách nhiệm hành vi đầy đủ, tôi cho rằng chủ xe vẫn là người phải “thẩm định” lần cuối trước khi cho mượn. Như trường hợp của cậu em vợ tôi, cậu ấy 22 tuổi, có bằng lái đầy đủ nhưng trong mắt tôi cậu ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ to xác.

Không mượn được xe của tôi, em vợ cho biết có thể sẽ thuê xe bên ngoài để tự lái vì đã trót lên kế hoạch với bạn bè, dẫn đến vợ tôi càng giận dỗi chồng.

Theo các bạn tôi nên xuống nước cho mượn xe hay giữ nguyên quyết định ban đầu?

Độc giả Tuấn Minh (Gia Lâm, Hà Nội)

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận hoặc gửi về Ban Ô tô Xe máy - Báo VietNamNet qua địa chỉ email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!

Mượn xe rồi gây tai nạn, chủ xe bị liên đới như thế nào?

Mượn xe rồi gây tai nạn, chủ xe bị liên đới như thế nào?

Chủ xe có thể bị phạt vài trăm triệu, thậm chí phải ngồi tù đến 7 năm nếu cho người khác mượn xe và gây tai nạn nghiêm trọng.