LTS: Sau khi VietNamNet đăng bài viết "Học lái xe xong, bằng "cất tủ", ra đường có an toàn?", toà soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về liên quan đến vấn đề khá phổ biến này. Dưới đây là câu chuyện của độc giả Hải Nam (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) vừa chia sẻ:
Hai năm trước, tôi và nhóm bạn lũ lượt đi đăng ký học lái ô tô.
Giống như nhiều người khác, tôi lựa chọn học và thi bằng lái B2 để có thể sử dụng cả xe số sàn và số tự động. Quá trình học và thi khá suôn sẻ, tôi được thày dạy lái khen là tiếp thu nhanh, có năng khiếu lái xe. Kết quả bài thi sa hình của tôi cũng khá tốt, đạt 95/100 điểm, chỉ bị trừ điểm lỗi nhỏ khi lái xe chạm mép hàng đinh.
Tuy nhiên, sau khi thi xong bằng lái, vì không có xe riêng nên tôi hầu như không có cơ hội cầm lại vô lăng.
Một số lần cần sử dụng đến ô tô nhưng cũng ngặt vì kinh nghiệm lái chưa nhiều nên tôi chưa dám mượn xe của người khác hoặc chưa tự tin thuê xe tự lái một mình.
Ngoài ra, tôi cảm thấy tình trạng giao thông như ở Hà Nội chỉ thích hợp với những người đã biết lái từ lâu. Những người mới học lái như tôi mà gặp tắc đường thì chỉ có nước đứng yên chịu trận.
Dần dần, tôi quên béng những gì đã được học ở trường lái xe. Thành thật mà nói, kỹ năng lái xe của tôi bây giờ cũng chỉ ngang với người mới học lái. Dù vậy, nếu có ai hỏi tôi vẫn nhận mình là người biết lái xe, có bằng lái.
Chính điều này đôi khi cũng dẫn đến một số tình huống khóc dở, mếu dở.
Có lần, một chị đồng nghiệp cùng công ty nhờ tôi đánh giúp chiếc ô tô vào bãi đậu xe. Do trước đó từng "nổ" với các đồng nghiệp rằng việc lái xe "dễ như ăn kẹo", cùng với sự ga-lăng trỗi dậy khi được phụ nữ nhờ, tôi hiên ngang cầm chìa khóa tiến đến chiếc xe.
Bãi đỗ xe của công ty cũng không quá chật, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên tôi loay hoay tiến lên, lùi xuống đến cả chục "đỏ" mà vẫn không thể đưa được xe vào đúng vị trí dù chú bảo vệ đã đứng ra làm hoa tiêu, chỉ dẫn hết cỡ.
Cuối cùng, tôi đành phải xuống xe để nhờ một người khác thực hiện giúp. Trước ánh mắt của mọi người, nhất là của chị đồng nghiệp và chú bảo vệ tôi chỉ mong chui xuống đất để đỡ xấu hổ.
Dù đã có bằng lái nhưng tôi vẫn đang phải nhờ người bổ túc với giá 500 nghìn/buổi. Ảnh minh họa. |
Kể từ vụ nhớ đời đó, tôi tuyệt nhiên không dám nhắc đến việc có bằng lái nữa. Thời gian này, tôi cũng đang thuê xe, nhờ người hướng dẫn bổ túc vào các ngày cuối tuần để có thêm kinh nghiệm thực tế khi tham gia giao thông.
Và đây cũng không phải trường hợp của riêng tôi, trong nhóm bạn cùng thi bằng lái xe cũng có người gặp tình trạng tương tự. Vì vậy, tôi có ý kiến cho rằng nếu thật sự không có nhiều cơ hội sử dụng ô tô thì cũng không cần phải quá gấp gáp trong việc thi bằng lái, kẻo lại gặp tình trạng “bằng cất tủ” và có những tình huống "toát mồ hôi" giống như tôi.
Độc giả Hải Nam (Đống Đa, Hà Nội)
Theo bạn, với tình trạng người có bằng lái xe nhưng "cất tủ" thường xuyên, cả năm lái đôi lần, liệu có an toàn khi ra đường? Có giải pháp nào cho tình trạng trên để đảm bảo ATGT? Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Bằng lái cất tủ: Xem cách người Nhật ứng xử với lái mới, lái non
Khi ở Việt Nam, hàng ngày tôi vẫn lái xe đi làm, nhưng khi sang Nhật công tác và lái xe bên này, tôi vẫn có cảm giác không an toàn. Người Nhật đã nghĩ ra chiếc phù hiệu rất hay dành riêng cho lái mới.
Học lái xe xong, bằng "cất tủ", ra đường có an toàn?
Người ít lái xe sẽ rất dễ “ngợp” khi ra đường, dẫn đến chân tay lóng ngóng, phản xạ kém, mất an toàn. Thực tế là vậy nhưng để quản lý “số đông” này không phải là chuyện dễ.