Theo số liệu mới nhất từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), lượng tiêu thụ tháng 1 vừa qua đã đạt 30.742 xe, giảm 34% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 16% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời đây cũng là tháng 1 bán xe cao nhất trong 3 năm trở lại đây, chỉ đứng sau tháng 1 năm 2019 (bán 33.520 xe).

Nếu cộng dồn báo cáo từ TC Motor trong tháng 1 bán được 7.428 xe, và Vinfast bán 2.103 xe, thị trường ô tô Việt sẽ có con số bán ra tháng 1 là 40.273 xe, giảm 28,8% so với tháng 12/202 (bán 56.566 xe).

Đáng chú ý, tháng 1 chính là tháng sát Tết cổ truyền đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh do thiếu thời gian chuẩn bị xe cũng như thủ tục đăng ký. Nhưng sức mua của người dân vẫn lớn cho thấy thị trường ô tô đã ở trạng thái hoàn toàn hồi phục sau hơn nửa năm khó khăn bởi dịch bệnh. Tín hiệu đầu năm tăng trưởng đã phần nào phản ánh đúng nhu cầu mua ô tô trong dân còn rất lớn, ngay lập tức bùng nổ khi nhà nước ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp.

Theo VAMA, trong số 30.742 xe tiêu thụ của tháng 1, có tới 17.782 xe lắp ráp, chiếm 57,8% thị phần. Xe nhập khẩu bán 12.960 xe, chỉ nhiều hơn tháng 1 năm 2021 là 960 xe, cho thấy phần nào bị ảnh hưởng vì không nhận được ưu đãi phí trước bạ.

{keywords}
Thống kê bán xe tháng 1/2022 và qua các tháng gần đây tại Việt Nam. Nguồn: VAMA

Với kết quả bán xe "đẹp" trong tháng 1, đa số các thành viên của VAMA đang phân phối xe du lịch đều nhận được kết quả tăng trưởng "+" so với cùng kỳ năm ngoái. Thương hiệu xe nhận tăng trưởng mạnh nhất là Lexus, bán 214 xe (tăng 143%), Mazda tăng 35%, Honda tăng 25%. Ngay cả một số thương hiệu vốn kinh doanh chưa tốt cũng nhận được tăng trưởng cao như Suzuki (tăng 87%), Isuzu (tăng 97%). Gây thất vọng nhất là hai hãng Ford và Mitsubishi với lượng bán giảm lần lượt là 36% và 3%.

So sánh lượng bán trên toàn thị trường, thương hiệu Hyundai vẫn dẫn đầu trong tháng 1 với 7.428 xe, đứng thứ 2 là Toyota với 6.368 xe. Vị trí số 3 thuộc về Kia với 5.445 xe, Honda bán 3.771 xe ở vị trí số 4 và vị trí số 5 thuộc về Mitsubishi với 3.581 xe. 

Theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng cao trong tháng đầu năm 2022 có công lớn nhờ gói kích cầu giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, kéo dài đến hết tháng 5/2022. Chính sách này không chỉ tăng nhu cầu mua xe của người dân mà còn khiến một số thương hiệu ô tô nhập khẩu phải hạ giá bán hoặc tăng khuyến mại nhằm cạnh tranh.

{keywords}
Biểu đồ tiêu thụ các tháng gần đây cho thấy xe lắp ráp vẫn chiếm ưu thế hơn xe nhập khẩu. Nguồn: VAMA

Tuy nhiên, thực tế ở một số dòng xe đang "sốt" như Hyundai Tucson, Hyundai Santa Fe, Toyota Corolla Cross, Toyota Raize, Toyota Land Cruiser, Ford Everest, Ford Ranger, hay Kia Sonet, Seltos, rất nhiều khách không thể đặt mua xe, phải chờ tới vài tháng. Nếu muốn lấy xe sớm, một số khách đã chấp nhận thỏa hiệp "mua xe kèm lạc", bị ép chênh giá vài chục tới cả trăm triệu đồng.

Dự báo tình trạng khan xe đối với các mẫu xe "hot" sẽ tiếp tục kéo dài cho tới khi hết ưu đãi 50% trước bạ vào cuối tháng 5/2022. Để tránh tình trạng chờ xe lâu hoặc bị "ngâm" tiền đặt cọc, khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng, không nên nôn nóng lấy xe chỉ qua lời hứa của nhân viên bán hàng. 

Đình Quý

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Chưa cần “giải cứu”, VAMA đã tăng tốc bán xe trở lại

Chưa cần “giải cứu”, VAMA đã tăng tốc bán xe trở lại

Doanh số tháng 10 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã tăng tới 129% so với tháng 9, chưa cần tới quyết định giảm lệ phí trước bạ đang chờ Chính phủ phê duyệt.