Theo ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, sở dĩ Hà Nội thua Đà Nẵng về chỉ số năng lực cạnh tranh là do còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên việc phát triển đều phải thông qua một quá trình chọn lọc gắt gao.
Thua vì... gặp khó
Theo báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16.4 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội thăng hạng 7 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 33 năm ngoái tiến lên vị trí 26 năm nay.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn xếp sau Đà Nẵng đến 25 bậc về năng lực cạnh tranh và bên cạnh những chỉ số khả quan thì những chỉ số liên quan đến đất đai, tính năng động trong điều hành, tính minh bạch,... còn khá trầm lắng.
Ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH-ĐT) cho biết, sở dĩ chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội thấp là do gặp nhiều khó khăn.
"Những khó khăn đó không phải chỉ riêng trong năm nào mà đó là khó khăn mang tính chất thời kì. Ví dụ như khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì mọi thứ về diện tích, dân cư,... cũng thay đổi, theo đó công tác quy hoạch cũng phải điều chỉnh lại cho phù hợp", ông Nam phân trần.
Ông Trần Ngọc Nam |
Ông Nam cũng cho rằng, vấn đề quy hoạch của Hà Nội hiện nay chưa thống nhất cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự đầu tư của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng và thay đổi theo.
"Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến những chỉ số năng lực cạnh tran có phần trầm lắng” – ông Nam nói.
Bên cạnh đó, Trần Ngọc Nam chỉ ra rằng, Hà Nội hiện nay tăng được một vài chỉ số cũng là điều khá khó khăn bởi khi phát triển đến mức tiệm cận nào đó thì sự tăng trưởng không thể có biên độ lớn như trước. Khi quy hoạch xong xuôi 180 đồ án về quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, lĩnh vực… đang trong kế hoạch thì chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.
Lý giải cho sự kém năng động trong quá trình điều hành đã được nhiều doanh nghiệp chỉ ra, ông Nam cho rằng ghi nhận này là không đúng, bởi vì năng lực điều hành còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội xung quanh từ kinh tế, thể chế,...
“Nhiều khi chính sách đúng đắn, chỉ đạo quyết liệt nhưng có nhiều vướng mắc trong khi úa trình thực thi thì hiệu quả không được như kỳ vọng cũng không phải là điều khó hiểu” - ông Nam nói.
Riêng vấn đề các doanh nghiệp “kêu ca” rằng gặp khó trong việc tiếp cận đầu tư ở Hà Nội, thể hiện ở một trong những chỉ số PCI là tính minh bạch không cao và hỗ trợ doanh nghiệp chưa tốt, ông Nam cho rằng, bất kỳ một Thủ đô nào đó khi phát triển đều phải thông qua một quá trình chọn lọc gắt gao.
"Hiện nay Hà Nội không phải gây khó khăn hay ngăn trở doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp đầu tư đều phải đáp ứng được những yêu cầu về công nghệ, môi trường, khả năng cạnh tranh, phục vụ dân sinh …của thủ đô.
Có như thế thì mới có thể đầu tư, còn không thì khó có cơ hội bởi yêu cầu ngày càng cao ở Thủ đô là điều hiển nhiên, cũng mong các doanh nghiệp hết sức thông cảm” – ông Nam cho biết.
Sẽ cố gắng cải thiện trong năm tới!
Bên cạnh những lý giải về chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội, ông Nam cũng đưa ra những phương hướng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2015.
Theo đó, ông Nam cho biết, trong khi Luật Doanh nghiệp quy định từ 1.7.2015 thực hiện giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, thì Hà Nội đã đi đầu thực hiện từ ngày 1.1.2015.
Bên cạnh đó, năm 2015 là thời điểm một loạt các văn bản luật về doanh nghiệp, đầu tư, đấu thầu,... có hiệu lực, cũng sẽ mang đến nhiều sự thay đổi cho việc hoạt động của các doanh nghiệp.
Từ đó, ông Trần Ngọc Nam cam kết rằng phía Sở KH-ĐT Hà Nội sẽ tích cực hơn nữa để tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho doanh nghiệp.
“Từ năm 2013, Sở đã phát hành các tài liệu cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp gia nhập thị trường và có tín hiệu phản hồi tốt từ phía doanh nghiệp. Sở KH-ĐT với vai trò thường trực phối hợp với các sở, ngành tiếp tục cải cách, cố gắng giảm tối đa những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường” – ông Trần Ngọc Nam khẳng định.
Ông Nam cũng nói thêm, Sở KH-ĐT sẽ đầu tư thêm cơ sở vật chất, công nghệ thông tin kết nối với các ngành cũng như với doanh nghiệp để tạo được sự vận hành thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động kinh tế của doanh nghiệp cũng như việc phục vụ doanh nghiệp của chính quyền.
Song song với đó, Sở KH-ĐT Hà Nội cũng đẩy mạnh hỗ trợ thị trường, giải quyết tồn kho, vay vốn, hỗ trợ lãi suất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh tuyên truyền…
"Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức họp liên ngành gồm KH-ĐT, tài chính, thuế, hải quan, TN&MT... xem khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ở đâu để tập trung tìm ra hướng tháo gỡ.
Trong phạm vi thẩm quyền, Sở sẽ cố gắng giải quyết nhanh chóng, nếu vượt quá thẩm quyền của liên ngành, báo cáo Thành phố để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông Nam khẳng định.
Đồng thời, ông Nam cũng xác định năm 2015 là năm hướng về doanh nghiệp, năm của doanh nghiệp, do đó, yêu cầu các cán bộ phải thực hiện tốt nhiệm vụ, kỷ cương trong hành chính, nâng cao hơn chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Trong tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ... đều có kế hoạch phát triển cụ thể, thành lập ban chỉ đạo, sát sao thực hiện.
“Mỗi người, mỗi bộ phận làm tốt phần việc của mình sẽ góp phần không nhỏ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao PCI của thành phố” - ông Nam nhận định.
(Theo Motthegioi)