Mỗi lần tăng giá, EVN vẫn khẳng định, giá điện của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khu vực, mà quên rằng, thu nhập khu vực cao hơn thu nhập ở Việt Nam rất nhiều.
Tác động tăng giá sẽ lớn hơn nhiều
"Mua gì thì mua đi, không nay mai, giá điện tăng rồi rau cũng đắt theo nhá", các bà bán rau đã "nhặng" lên rồi, dù vài ngày nữa, giá điện mới tăng", chị Bạch Dương, một nhân viên công ty thương mại ở Hà Nội kể lại.
Chị than thở tiếp: "Thậm chí bây giờ, tiền xe ôm chở con đi học hàng ngày cũng đã thấy tăng rồi".
Theo chia sẻ của chị, ông xe ôm được thuê chở con chị đi học hàng ngày mới đây đã thông báo: "Tháng tới, tăng thêm 200.000 đồng, lên 800.000 đồng/tháng nhé. Vì xăng, điện tăng giá rồi. Đó mới chỉ là giá một chiều".
Giá điện tăng làm đời sống sinh hoạt thêm khó khăn |
Giãi bày với PV VietnamNet, chị Bạch Dương nói: "Cứ giá điện, giá xăng tăng là thấy cuộc sống lại eo hẹp hơn. Ví tiền thu nhập vẫn thế, tăng giá điện, xăng là kéo theo mọi thứ đều tăng nên chỉ có rỗng và rách thêm thôi?"
Trong khi đó, các tính toán tác động tới đời sống sinh hoạt của các cơ quan như Bộ Công Thương, EVN hay Hội Thẩm định giá Việt Nam đều cho những con số rất nhẹ nhàng.
Chẳng hạn, nếu một hộ dân sử dụng điện trong 100kWh/tháng, tiền điện chỉ thêm 5.300 đồng/tháng.
Hộ dân sử dụng bình quân từ 101-300kWh, tiền điện sẽ phải chi thêm 23.880 đồng.
Nếu một hộ sử dụng bình quân trong bậc thang từ 300kWh trở lên, giá tăng trong khoảng 7,7-7,8%, tiền điện chi thêm 93.400 đồng/tháng.
Đối với sản xuất, mức tác động cũng rất thấp, theo tính toán này, giá thành sản xuất phôi thép lên 0,45%, thép tăng 0,75%, xi măng tăng 2,25%, giấy tăng 0,5- 0,8%.
Tuy nhiên, cũng như cảm nhận của người tiêu dùng trong sinh hoạt, mức tác động mà doanh nghiệp tính toán trong sản xuất lớn hơn nhiều so với những gì mà Bộ Công Thương hay EVN công bố.
Một chuyên gia trong ngành thép cho hay, mỗi tháng, công ty của ông sản xuất khoảng 15.000 tấn thép, mức tiêu hao 130kWh/tấn. Tiền điện dự kiến sẽ phải trả thêm gần 400 triệu đồng. Đương nhiên, lực đẩy này sẽ kéo theo giá bán thép phải tăng ít nhất 40.000 đồng/tấn. Tỷ lệ tăng là tới 4%.
Vị chuyên gia này đánh giá, đợt tăng giá điện lần này sẽ càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp thép, vì hiện nay, nhu cầu thép vẫn chưa tăng, giá thép ngày càng giảm theo thế giới, thị trường cạnh tranh gay gắt bởi cung đã vượt cầu tới 50%.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghiệp tiêu hao nhiều điện như nhựa, xi măng... đều cảm thấy đây là cú sốc lớn.
Ở Công ty Nhựa cao cấp Hàng không, mỗi tháng, tiền điện phải trả khoảng 700-800 triệu đồng. Trong một cuộc trao đổi với báo chí tìm hiểu vấn đề tiết kiệm điện, ông Đặng Văn Thành, Trưởng ban hành chính công ty này cho hay, chi phí điện chiếm từ 40-60% giá thành sản phẩm.
"Nhẹ nhất, để làm một chiếc cốc nhựa, công ty sẽ phải trả 7-8% giá thành trong đó là cho ngành điện. Các sản phẩm nhựa khác đòi hỏi gia nhiệt lớn hơn như khay chắn bùn ô tô, linh kiện nhựa điện tử thường tốn điện, tỷ lệ tiền điện lên tới 40%, thậm chí là 60%", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam lưu ý, các tính toán này chỉ là tính logic theo lý thuyết, dựa trên đầu vào đầu ra thông nhau, khi các yếu tố thị trường khác không thay đổi. Còn thực tế, tác động có tăng như thế không thì chưa hẳn.
"Ngành điện thu thêm 13.000 tỷ đồng, có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần ấy tiền cho ngành điện. Do vậy, giá điện tăng sẽ tác động cả đời sống sản xuất và mặt bằng giá thị trường thời gian tới, ông Thoả đánh giá.
So sánh khập khiễng
Dù giá điện được Chính phủ và các bộ ngành thống nhất cao về chủ trương nhằm thị trường hoá, nhưng ở góc độ tiêu dùng, lý do "thị trường hoá" này vẫn chưa được người dân đồng thuận cao.
Hôm 6/3, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN dẫn chứng, ở Singapore, 3 tháng giá điện điều chỉnh một lần và giá điện hiện là 23 cent/kWh, tương đương 5.000 đồng/kWh.
Giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Đây là một trong những lý lẽ thường thấy của EVN và Bộ Công Thương mỗi lần "giải trình" tăng giá điện.
Song, theo một vị chuyên gia tính toán, cần phải so sánh tương quan với thu nhập người dân và đặc trưng mỗi quốc gia. Singapore là một quốc đảo không có tài nguyên, các nhà máy điện đều chạy 100% bằng dầu nên giá thành đắt hơn.
Tổn thất điện năng lớn khiến giá thành điện Việt Nam cao |
Thêm vào đó, thu nhập bình quân của người Singapore là 44.000 USD/người/năm, tương đương 900 triệu đồng/năm, mỗi tháng thu nhập 75 triệu đồng/người. Còn ở Việt Nam, thu nhập bình quân là 1.800 USD/người/năm, tương đương 137 USD, tức 2,7 triệu đồng/tháng.
Giả dụ, mỗi người dân ở Singapore tiêu thụ tới 450 kWh/tháng thì họ phải trả 2,25 triệu đồng tiền điện, chiếm có 3% thu nhập.
Còn ở Việt Nam, với mức tăng giá điện mới, người dân sẽ phải trả trên 1 triệu đồng/tháng nếu tiêu thụ điện như trên và chiếm tới 37% thu nhập.
"Thu nhập của Singapore gấp 28 lần Việt Nam nhưng giá điện của họ chỉ cao hơn ta hơn 3 lần. So sánh như vậy là khập khiễng", vị chuyên gia này nói.
Cũng đồng tình với nhìn nhận này, ông Nguyễn Tiến Thoả chia sẻ: "Nói giá điện tiệm cận theo giá thị trường thế giới thì cần phải hiểu theo nghĩa rộng".
Ông Thoả nói: "Gạo của ta ví dụ giá 10.000 đồng/kg, gạo Thái Lan giá 15.000 đồng/kg. Chúng ta không thể bán cho dân với giá "ngang khu vực" là 15.000 đồng/kg được. Nhưng khi xuất khẩu gạo bán cho nước ngoài, ta phải tính giá đó, thậm chí là cao hơn".
"Hay như điện Việt Nam bán cho Lào, sẽ phải tính theo giá thị trường quốc tế chứ không phải tính theo giá bán ở Việt Nam", ông Thoải nói tiếp.
"Quan điểm của tôi là, với các mặt hàng, dịch vụ nội địa có điều kiện giá thấp thì cần bán giá thấp cho người dân được lợi", ông Thoả nhấn mạnh.
Phạm Huyền