- Bán hàng trên mạng là nghề tay trái vô cùng hấp dẫn dân công sở bởi vừa dễ dàng, tiện lợi lại không mất chi phí thuê cửa hàng. Tuy nhiên, thông tin mới đây về việc phải nộp thuế từ năm 2015 khiến không ít người lo lắng.

Mất cần câu cơm

Là một chủ shop thời trang tại quận Hai Bà Trưng, ngoài bán ở cửa hàng, anh Nguyễn Thế Anh cũng thường xuyên đưa sản phẩm của mình lên facebook để quảng bá, giới thiệu và bán hàng. Theo anh Thế Anh, bán hàng qua mạng xã hội là một trong những kênh hiệu quả, đem lại một khoản doanh thu không nhỏ cho cửa hàng. Nhưng anh đang lo lắng trước thông tin có thể đánh thuế khi kinh doanh trên mạng xã hội.

“Mình chưa tìm hiểu kỹ về quy định mới này nhưng nếu bị áp thuế thì mình sẽ bỏ kinh doanh trên mạng facebook”, anh cho hay.

Sau thời gian cắm mặt ở văn phòng từ sáng đến tối vẫn không đủ tiền chi tiêu, Nguyễn Thị Phượng (nhân viên một công ty bảo hiểm ở Nam Định) quyết định bán hàng qua mạng. Nhờ có mối hàng xách tay từ nước ngoài về, trung bình một ngày chị bán được 5 đến 10 sản phẩm. Mỗi sản phẩm lãi từ 15.000 đến 30.000 đồng. Việc bán hàng mang lại cho chị thu nhập khá ổn định để nuôi con.

{keywords}
Nhiều gian hàng trên mạng lo ngại sẽ bị tính thuế

Chị cho hay: “Mình buôn bán nhỏ, chỉ kiếm thêm chút tiền để nuôi con chứ không phải kinh doanh chuyên nghiệp. Vì không đủ kinh phí và thời gian mở cửa hàng nên mới kinh doanh trên facebook. Nếu mà đánh thuế thì không ai dám buôn bán gì cả”. Theo quan điểm của chị Phượng, nếu có việc đánh thuế thì cũng khó thực bởi không thể quản lý hết được các tiểu thương kinh doanh trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thu Trang, admin của một hội buôn bán trên facebook cho hay, việc thành lập một nhóm kinh doanh trên facebook chỉ mang tính tập trung các thành viên tạo thành một cộng đồng. Bản thân chị Trang cũng chỉ là admin quản lý chung dưới tinh thần tự nguyện và không thể kiểm soát được việc thành viên kinh doanh thế nào cũng như hàng hóa ra sao và chị không có bất kỳ một thu nhập nào từ việc kinh doanh của thành viên nên nếu có chuyện đánh thuế chị sẽ có thể sẽ đóng group này.

Trên nhiều diễn đàn, các thành viên đều tỏ ra e ngại về quy định mới này sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh làm thêm. Trong khi đó vẫn có quan điểm việc đánh thuế kinh doanh trên mạng là chính đáng để đối xử công bằng với các loại hình khác.

Tuy nhiên, các thành viên cũng cho rằng, khó có thể kiểm soát được. “Facebook không có chức năng mở gian hàng, lập website nhánh để bán hàng hay có chuyên mục mua bán như một sàn giao dịch thương mại điện tử nên khó mà bị áp dụng các quy định này được”, một thành viên phân tích. 

Liệu có khả thi?

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối Thương mại Điện tử VCCorp, cho rằng, rõ ràng khi lượn qua nhiều fanpage bán hàng, có thể thấy nhiều trang chỉ để mình số điện thoại liên hệ, không có địa chỉ cụ thể, không biết tên người bán cũng như các chính sách sau bán hàng, điều này gây rủi ro rất lớn đối với người mua, khi xảy ra sự cố rất khó để có thể khiếu nại, khiếu kiện hay để các cơ quan chức năng quản lý.

Tuy nhiên, việc đánh thuế theo ông Tuấn chưa thể cải thiện được tình hình này, bởi để thu được thuế là điều rất khó. Đó là chưa kể để lách thuế, các chủ shop bán hàng càng tìm cách che giấu các thông tin của mình khiến việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn.

{keywords}
Lo ngại khó khả thi khi thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội

Ông Tuấn phân tích, mạng xã hội như facebook hiện không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ là mạng xã hội toàn cầu, không chịu ràng buộc bởi các quy định về thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, do vậy việc yêu cầu Facebook phải đăng ký khai báo chức năng sàn giao dịch TMĐT là điều không thể, qua đó việc thu thuế cũng trở nên vô cùng khó khăn.

Đồng quan điểm luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật Basico, cho rằng, quản lý kinh doanh trên facebook chẳng khác gì quản việc "chat chit" của mọi người, làm sao mà quản được. Ngay việc này còn không quản lý nổi thì làm sao mà quản lý được kinh doanh trên facebook. Cho nên quan điểm của tôi là không nên quản, thậm chí nên khuyến khích mọi người làm" - luật sư Đức cho biết.

Ông Đức phân tích, nếu người dân chỉ bán hàng cho vui, bán với số lượng ít ỏi, không đáng kể thì không cần quản lý. Bởi vì luật thuế vừa mới ban hành cũng đã cho phép các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu sẽ không phải đóng thuế. Vậy nên thu nhập từ facebook khoảng 9-10 triệu/tháng thì cũng không nên bắt người dân phải nộp thuế.

Liên quan tới vấn đề nhiều diễn đàn có thêm sàn mua bán, ông Tuấn cho rằng, việc quản lý lại đơn giản hơn rất nhiều, mặc dù diễn đàn đó mục đích không phải là diễn đàn TMĐT thì trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các diễn đàn này ngoài việc xin phép thiết lập mạng xã hội còn phải xin phép thêm về sàn giao dịch TMĐT thì mới được phép có các hoạt động mua bán trên diễn đàn. 

Để được cấp phép, website đó phải đáp ứng được các yêu cầu: người bán khai báo đầy đủ các thông tin về mã số thuế, giấy phép kinh doanh, địa chỉ, điện thoại,... Tuy nhiên, việc xác thực các thông tin này có chính xác hay không cũng chưa giải quyết được, do tại Việt Nam, cơ chế quản lý thông tin cá nhân chưa đồng bộ.

Rõ ràng, việc quản lý kinh doanh trên mạng xã hội như facebook hiện đang khó kiểm soát, chưa nói tới việc đánh thuế.

Duy Anh