Việc mua sắm chung, du lịch chung đã trở nên phổ biến trong xã hội. Từ những tiện ích mà nó mang lại, hiện nay loại hình dịch vụ chung đơn giản nhưng vô cùng có lợi như đi chung xe, đi chợ chung, đón con chung...đang nở rộ.
Chung xe đi làm
Đi chung xe không phải là điều gì mới lạ, ngày trước vẫn tồn tại kiểu thuê chung taxi đi từ sân bay về nội thành, từ thành phố về quê... giữa những người không quen biết nhằm giảm thiểu tối đa số tiền phải bỏ ra do chi phí đi lại.
Ở nước ngoài, loại hình dịch vụ này đã ra đời cách đây khá lâu nhưng muốn được đi chung taxi, người tham gia phải đăng ký trên một trang gọi xe trực tuyến. Mức độ an toàn khi đi chung xe như thế không cao, khiến nhiều người lo ngại khi phải ra ngoại ô hoặc đến thành phố khác với người lạ.
Nhưng hiện nay, phong trào này ở Việt Nam đã được “nâng cấp” lên mức độ gần gũi, an toàn hơn. Chẳng hạn thay vì có việc phải đi xa mới sốt sắng tìm người đi cùng cho bớt tốn kém, thì rất nhiều người đã chủ động liên hệ với người quen (ở cùng khu nhà, cùng phố) để đi chung những quãng đường trong nội thành.
Dịch vụ đi chung xe xuất hiện ở nước ngoài cách đây khá lâu và đã từng rất được ưa chuộng (Ảnh minh họa) |
Chị Hà (29 tuổi, nhân viên hành chính) một người có kinh nghiệm đi xe chung trong 2 năm, cho biết, nhà chị ở Mai Dịch (Cầu Giấy) nhưng sáng nào cũng phải lên Tam Trinh (Hoàng Mai) làm việc. Đi lại mất 30 phút khi không tắc đường, và phải tới cả tiếng đồng hồ khi đi vào giờ cao điểm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, trừ cuối tuần ra thì không nghỉ một hôm nào. Nhưng có lần vừa đến cơ quan, tình cờ trông thấy một anh ở cùng khu phố đang đỗ ô tô, thế là lân la chào hỏi, giới thiệu bản thân chút rồi ngỏ ý đi nhờ xe.
“Lúc đầu người ta không cởi mở đâu, chẳng ai muốn tự nhiên trong xe có một người lạ nữa. Mình phải phân tích rất nhiều lần lợi ích và ưu điểm của việc đi cùng. Sau hai lần đụng mặt nhau ở cùng khu phố, biết mình nói thật, anh ấy mới đồng ý. Đến giờ trên xe có thêm 2 người làm việc ở siêu thị bên cạnh đi cùng nữa. Mỗi tháng bọn mình góp tiền để trả tiền xăng, tiền rửa và bảo dưỡng xe. Lần nào ai không đi cùng thì sẽ nhắn tin gọi điện trước để những người khác biết”, chị Hà chia sẻ.
Việt Anh, (28 tuổi, kiến trúc sư) cũng đồng ý quan điểm này. Năm ngoái, khi vội từ nhà ra điểm đón xe bus để tới công ty do xe máy bị hỏng, Việt Anh gặp một chú sống ở khu đô thị gần chỗ trọ của mình đang đánh xe ra đường. Cậu bạo gan hỏi chú cho đi nhờ ra bến xe.
Việt Anh cười nói: “Lúc đầu chú ấy nhìn chằm chằm khiến mình cũng có hơi lo lắng vì sợ người ta cho rằng mình là người quá tùy tiện. Nhưng có lẽ vì thấy mình thành thật, trên lưng lại đeo ba lô máy tính, còn ôm trong tay mấy cuộn giấy vẽ nên chú ấy đã đồng ý. Lên xe, chú hỏi mình làm việc ở đâu, mình nói tên công ty và địa điểm. Không ngờ là gần chỗ chú. Vậy là chú ấy chở mình tới công ty luôn. Trên đường đi, do nói chuyện hợp cạ nên chú bảo từ mai cứ chờ ở lối rẽ đó, chú cho đi cùng, bao giờ sửa được xe thì thôi. Nhưng đến giờ, hơn một năm rồi mà mình vẫn cứ bám theo xe chú. Trừ những ngày phải đi làm việc khác”.
Việt Anh cũng cho biết, sau tuần đầu tiên đi xe ké, cậu có đề nghị chú chở thêm 2 người nữa tiện đường để chia sẻ tiền xăng xe và các chi phí khác. Chú ấy cũng rất thoải mái đồng ý.
Tuy nhiên, việc đi chung xe cũng không phải hoàn toàn không có nhược điểm. Chị Mỹ Hoa, (27 tuổi nhân viên ngân hàng) than thở: “Tôi bị muộn làm 2 lần trong một tháng chỉ vì một lần là chị chủ xe hỏng xe dọc đường, một lần là chị ấy dậy muộn. Đi chung xe, nếu tìm được người đúng hẹn thì không sao, chứ phải người “cao su” thì khổ lắm. Thà tự đi xe mình còn hơn, tốn kém chút nhưng chủ động. Sai biệt giờ giấc cũng chẳng trách ai.”
Sau lần đó Mỹ Hoa tạm biệt luôn chị “xế hộp” ấy để lên mạng đăng tin tìm kiếm người khác có cùng ý tưởng, cùng chặng đường. “Mình cùng 4 người kia cam kết đúng giờ, đúng địa điểm nhưng vẫn bị vài lần cho leo cây vì đủ lý do, tắc đường, xe nổ máy mãi mới được... đành rằng phải biết thông cảm nhưng cũng từ đó mình chán luôn dịch vụ này”, Hoa lắc đầu ngán ngẩm.
Để giảm tải tắc đường và tiết kiệm tiền xăng xe, nhiều người đang chọn dịch vụ đi chung xe vì những tiện ích nó mang đến |
Ngoài việc đi chung xe ô tô, nhiều bạn trẻ cũng đang chủ động rủ người quen, bạn bè, hàng xóm... đi chung xe máy. Dịch vụ này còn tiện lợi và dễ dàng rủ người cùng tham gia hơn.
Đưa, đón con chung
Không chỉ rầm rộ việc đi chung xe đi làm, nhiều bậc phụ huynh cũng đã lựa chọn dịch vụ thuê chung xe đưa đón con đi học. Mỗi ngày, gần thì hai nhà áp dụng, sáng một nhà đưa, chiều nhà kia đón. Hoặc các phụ huynh cùng luân phiên nhau đưa đón các cháu đi học. Cũng có những phụ huynh bàn nhau cùng thuê taxi đưa đón con em đến trường.
Về việc này anh Minh Quang (35 tuổi, quản lý nhà hàng) chia sẻ: "Trước kia, hai vợ chồng tôi suốt ngày phải chia nhau đưa con đi học. Ở khu tôi sống (Thượng Đình - Thanh Xuân) cũng có mấy nhà sáng nào cũng gặp nhau ở trường học của con. Tôi nghĩ, sao không rủ họ cùng thuê chung một chiếc xe chở các con đi học, như vậy thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. Vợ chồng tôi liền đến nói chuyện với họ, ai cũng hưởng ứng ngay".
Anh Quang kể, anh cùng các phụ huynh khác quyết định thuê chung một chiếc xe taxi 5 chỗ để chở 8 cháu đến trường. Tiền xe sẽ được phân đều theo từng cháu vì có nhà có 2 cháu. Sau 2 tuần thực hiện, thấy việc đưa đón con đã không còn là nỗi phiền muộn. Sáng ra không phải hấp tấp gào thét, giục các cháu ăn sáng nhanh để đi kẻo trễ.
Bác Lương (60 tuổi) bên cạnh cũng nói thêm vào: "Đúng đó, hai đứa cháu nhà tôi đều học ở trường ngược hướng mẹ nó đi làm. Thành thử sáng ra phải đi trước 40 phút mới kịp giờ. Từ ngày thuê xe đi chung, đỡ hơn nhiều. Mà do nhiều cháu nên tiền thuê xe cũng không đáng bao nhiêu, lại an toàn, trời mưa cũng không ướt áo".
Điều các bậc phụ huynh quan tâm là phải chọn được tài xế tin tưởng, vì thế thậm chí có thể nhìn quanh nhà xem có ai làm nghề lái taxi và có thể tin tưởng không rồi "đặt hàng" với bác tài xế này về thời gian đưa đón các con hàng ngày.
Đến đi chợ chung
Cùng với dịch vụ đi chung xe, đi chợ chung cũng đang là trào lưu được nhiều người, nhiều lứa tuổi thực hiện. Việc đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon không phải dễ đối với những người phụ nữ bận rộn. Làm sao để sáng nào cũng có sẵn rau củ, thịt cá để chế biến món ăn cho gia đình mà không phải tất tưởi dậy từ sớm ra chợ lựa chọn, đang là nỗi băn khoăn của nhiều bà nội trợ.
Một số người đã nghĩ ra việc đặt mua thực phẩm trên mạng. Đó cũng là một tiện ích song giá cả của các loại thực phẩm này thường cao hơn bên ngoài, chủng loại không đa dạng. Bên cạnh đó, thời gian chờ nhân viên giao hàng có thể lên tới hàng tiếng đồng hồ, thậm chí khi chỉ có nhu cầu mua một ít rau thì những cửa hàng này cũng từ chối đơn hàng nếu quãng đường xa.
Có lẽ vì thế mà một số người đã nghĩ ra việc đi chợ chung. Như chị Mai Oanh (30 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ, chị đang cùng 3 người khác ở khu chung cư nhà chị (N3A Lê Văn Lương) đi chợ chung. Phân công mỗi người sẽ phải dậy sớm một ngày, đi chợ chung cho cả 4 nhà. Nhà nào có nhu cầu mua gì thì dặn dò cụ thể từ tối hôm trước.
“Tiện lợi nhiều lắm, ngày nào mình cũng có thực phẩm tươi sống để nấu nướng cho chồng con, thế mà 4 ngày mới phải dậy sớm đi chợ một lần”, chị Oanh nói.
Chị cũng cho biết, để làm được việc này thì chủ yếu phải tin tưởng nhau, giá cả thị trường có hôm thế này có hôm khác, việc chênh lệch vài chục ngàn khi đi chợ là chuyện thường. Còn nếu nghi ngờ thì chỉ nên gửi mua rau dưa thôi, còn muốn mua gì đắt đỏ thì chờ tới phiên nhà mình.
Anh Hoàng, (36 tuổi, nhân viên kinh doanh) một ông bố “gà trống nuôi con” ở Lĩnh Nam, cũng đang thực hiện dịch vụ đó. Anh bảo: “Chẳng phải chị em phụ nữ mới lo nghĩ tới chợ búa đâu, cánh đàn ông bọn tôi cũng vậy thôi. Nhà tôi còn có hai nhóc nghịch ngợm, mẹ tôi già rồi, chợ thì xa, bảo bà sáng dậy sớm đi chợ cơm nước cho các cháu thì không nỡ. Nên ngày trước tôi đều phải tất tưởi dậy sớm đi chợ, mua hớ là chuyện thường. Nhưng có lần, tình cờ tôi gửi một cô nhà ở tầng trên mua giùm ít rau cải. Sau hôm đó, cô ấy bảo có cần mua gì thì cô mua cho. Thế là tôi tiết kiệm được cả tiếng đồng hồ ngủ nướng mỗi sáng”.
Nhiều lần quá anh cũng ngại, lại nghe được đồng nghiệp nói chuyện về việc mua chung, đi chơi chung, thế là anh bàn với cô hàng xóm là rủ thêm mấy người cùng khu nữa đi chợ chung. Hai cô cháu đi gõ cửa từng nhà, giới thiệu và ngỏ ý. Cuối cùng cũng gom được 3 nhà khác.
“Nhiều hơn thì một người không mang vác nổi đâu. Sau thấy mấy cô cháu làm vậy hiệu quả, các nhà khác ở cùng khu cũng học theo. Giờ cả khu tập thể của anh đều cứ 2, 3 hoặc 4 nhà lại thành một hội đi chợ chung”, anh Hoàng nói.
Rõ ràng, những lợi ích mà việc đi xe chung, đi chợ chung mang lại rất lớn và các dịch vụ tương tự cũng đang ngày càng lan tỏa, chẳng hạn đọc chung - một người mua sách rồi lần tay cho những người khác.
(Theo Trí Thức Trẻ)