Là một trong những sản phẩm đình đám nhất thời bao cấp nhưng quạt con cóc nhanh chóng hết thời và chịu phận… quạt bếp than tổ ong.
Vang bóng một thời
Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, đồ gia dụng lại càng thiếu thốn hơn. Thị trường chứng kiến sự xuất hiện của sản phẩm đến từ các nước Đông Âu. Sản phẩm nội địa cũng đang dần khẳng định tên tuổi. Và quạt con cóc là một trong những hàng hóa Việt Nam có tiếng nhất thời bấy giờ.
Quạt con con cóc là sản phẩm của Điện cơ Thống Nhất do Xí nghiệp Điện cơ Thống Nhất sản xuất. Thống nhất sản xuất nhiều loại như quạt bàn, quạt trần nhưng phổ biến hơn cả là cái quạt con cóc giá 35 đồng. Nó nổi tiếng tới mức cho đến tận bây giờ khi nhắc tới quạt 35 thì người nào cũng hiểu ngay.
Không ai nhớ chính xác quạt con cóc xuất hiện từ năm nào. Nhưng bác Nguyễn Thị Hương, năm nay 59 tuổi (Hàng Bông – Hà Nội) cho biết từ khi bác còn bé, chiếc quạt con cóc nhỏ 3 cánh nhựa, đế bằng sắt uốn đã có mặt trong gia đình bác.
Quạt con cóc - sản phẩm vang bóng một thời |
Chiếc quạt con cóc gắn liền với tuổi thơ của bác nhưng phải đến khi đi làm, bác Hương mới thấm thía sự khó khăn khi sở hữu nó.
“Thời bao cấp, mua quạt con cóc khó lắm. Hầu như chẳng ai mua được. Quạt được phân phối về các cơ quan để nhân viên gắp thăm. Ví dụ trong một kỳ, cơ quan nhận được 10 cái quạt con cóc, 100 chiếc nan hoa, 5 chiếc lốp xe,… Khi về cơ quan, các sản phẩm được chia theo đầu người bốc thăm” – Bác Hương kể lại câu chuyện thời bao cấp.
Vì vậy, ai may mắn sẽ bốc thăm được chiếc quạt con cóc, một trong những vật dụng có giá trị nhất. Thời bao cấp, quạt con cóc chẳng khác gì tài sản lớn.
“Giá quạt phân phối ngày đó là 35 đồng một chiếc quạt con cóc. Ngày nay giới trẻ không hình dung ra 35 đồng có giá trị như nào. Tôi cũng không biết phải so sánh ra sao. Chỉ nhớ mức lương của một nhân viên mới ra trường như tôi ngày đó là 60 đồng” – Bác Hương kể.
Theo bác Hương, nói quạt con cóc khó mua cũng đúng nhưng không đến nỗi không thể mua. Thời bao cấp, thị trường “chợ đen” đã xuất hiện. Không ít “người nhà nước” sau khi may mắn bốc thăm mua được quạt con cóc nhưng không muốn sử dụng mà bán ra thị trường lấy chênh lệch.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá “chợ đen” và giá nhà nước không hề cao. Bác Hương kể, giá “chợ đen” chỉ cao hơn giá “nhà nước” vài hào. Dù chỉ lãi vài hào nhưng theo bác Hương ai cũng “sướng lắm” vì “buôn bán” thành công.
“Quạt con cóc quý lắm. Mà chẳng riêng gì quạt con cóc, sản phẩm nào cũng được nâng niu. Thời đó, mua được bất cứ sản phẩm gì, ai cũng mừng như bắt được vàng. Khi cưới, nhân viên được nhận phiếu mua giường, chăn. Quà mừng cưới là nón, cây dừa làm bằng cuộn phim nhuộm xanh đỏ. Sang hơn là tặng nồi. Còn quạt con cóc thì chỉ được mua bán vì quý” – Bác Hương ôn lại thời “oanh liệt” của quạt con cóc.
Dù quạt con cóc được sản xuất khá đơn giản nhưng chất lượng thì không chê vào đâu được. Chiếc quạt bác Hương mua từ thời bao cấp bây giờ vẫn chạy tốt. Trong khi đó, một số loại quạt hiện đại hơn đã bị bác thay thế nhiều lần.
Tuy nhiên, quạt con cóc đôi khi cũng gây ra không ít phiền toái. Vì quạt không có nan bảo vệ như bây giờ nên rất nhiều lần con bác thò tay vào quạt để thử… độ bền. “Đau thì có đau nhưng con bác chẳng bao giờ bị mất mảnh da nào” – Bác Hương vui vẻ “kể tội” quạt con cóc.
Dù vẫn gây ra một số phiền toái nhưng quạt con cóc đã trở thành một trong những sản phẩm thông dụng và nổi tiếng nhất thời bao cấp. Quạt con cóc là niềm mơ ước của không ít gia đình từ nông thôn đến thành thị.
Tới… quạt bếp than
Thời kỳ những năm đầu của thập niên 90, khi cơ chế bao cấp bị xoá bỏ, hàng hóa trên thị trường phong phú đa dạng hơn. Thị trường quạt cũng vậy. Hàng loạt quạt điện ra đời với nhiều mẫu mã, đa dạng về chức năng hoạt động.
Thời kỳ này ghi nhận sự ra đời của quạt cây. Nhưng phải đến khi quạt Trung Quốc thâm nhập, vị thế của quạt con cóc mới thực sự bị ảnh hưởng nặng nề. Quạt Trung Quốc giá rẻ hơn, gió mát hơn và mẫu mã bắt mắt hơn sớm trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng.
Quạt Trung Quốc khiến các xí nghiệp sản xuất quạt của Việt Nam khốn đốn. Điện cơ Thống Nhất được xem là “ông lớn” ngành quạt thời bấy giờ cũng phải lao đao. Ngoài việc đối mặt với cạnh tranh gay gắt, điện cơ Thống Nhất còn phải giải quyết vấn đề giá vật tư, nguyên nhiên liệu tăng mạnh.
Chi phí đầu vào tăng mạnh khiến quạt bàn điện cơ bán giá gần 1 triệu đồng, trong khi quạt Trung Quốc cùng loại chỉ 300.000 đồng. Các sản phẩm hiện đại yếu thế 1 thì quạt con cóc yếu thế hơn gấp nhiều lần vì quạt có chức năng quá đơn giản.
Phải mấy năm sau, sau bao nỗ lực giảm giá thành, nâng cao chất lượng, điện cơ Thống Nhất mới gượng dậy được. Điện cơ Thống Nhất đi lên chủ yếu dựa vào những sản phẩm hiện đại. Còn với quạt con cóc, có lẽ không ai dám mạnh tay đầu tư để vực dậy sản phẩm “vang bóng một thời” này.
Thị trường quạt hiện nay tiếp tục cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu ganh đua chiếm từng vị trí nhỏ trên thị trường. Sản phẩm cũng rất đa dạng từ quạt hẹn giờ, quạt nước, quạt phun sương tới những quạt thông dụng.
Hiện nay, điện cơ Thống Nhất vẫn bán quạt con cóc với giá 190.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ của sản phẩm “vang bóng một thời” này không thấm vào đâu so với các loại quạt hiện đại đến từ nhiều thương hiệu nước ngoài trên thị trường.
Và dù được khách hàng mua về thì quạt con cóc bây giờ hầu như chẳng ai còn dùng để quạt mát nữa. Mục đích sử dụng của quạt đã thay đổi. Sản phẩm vang bóng một thời chủ yếu được dùng để thổi lửa cho bếp than tổ ong.
(Theo VTC News)