Trang Du lịch của BBC vừa có bài viết với tiêu đề “Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới?”. Tác giả đưa ra nhận xét trên sau khi sang Việt Nam ăn bánh mì nhiều lần. Các chuyên gia ẩm thực, tiêu dùng tham gia ý kiến về nhận định này.
Bà Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh chuỗi thương hiệu BBQ Việt Nam, cho rằng: “Nếu xếp loại thì bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ là tên tuổi nổi tiếng thế giới và đã được thừa nhận. Tuy nhiên, bánh mì Việt Nam cũng có những ưu điểm riêng khi so sánh với nhiều dòng bánh mì khác như Big Mac (của McDonald’s). Các loại burger khác chỉ có nguyên liệu khá đơn điệu còn bánh mì Việt Nam có nhân rất phong phú, có thể biến đổi đa dạng và khá đậm đà. Chúng ta ăn hằng ngày có thể thấy bình thường nhưng người nước ngoài thưởng thức thì sẽ thấy ngon bởi sự khác lạ”.
Món du nhập, “món Việt Nam”
Tuy vậy, cũng theo bà Hạnh, nói bánh mì Việt ngon nhất thế giới thì đó chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết dựa trên khẩu vị riêng. Bánh mì Việt chưa từng được các chuyên gia hàng đầu về thị trường ẩm thực đánh giá và xếp hạng một cách nghiêm túc, khách quan; phần lớn được truyền miệng trên các website, tạp chí về du lịch, ẩm thực. Thực tế, bánh mì chỉ là món du nhập của Việt Nam và sau đó được biến đổi cho hợp khẩu vị và dần trở thành món ăn đường phố phổ biến.
Tuy nhiên, chuyên gia marketing Hoàng Tùng - người sáng lập và điều hành chuỗi Pizza Home - có quan điểm khác: “Theo tôi, xuất xứ của một sản phẩm từ đâu chỉ là một phần rất nhỏ. Bánh mì Việt có ảnh hưởng bởi bánh mì Pháp nhưng cách thức làm nhân, nguyên liệu, gia vị... đều là những cải tiến để biến chuyển chiếc bánh mì đó thành đặc trưng phù hợp với khẩu vị ẩm thực của người Việt” - ông Tùng nhận định và kết luận: “Bánh mì Việt Nam mang trong mình đầy đủ những yếu tố cần thiết để có thể trở thành một sản phẩm thức ăn nhanh tiêu chuẩn quốc tế. Năng lượng của một chiếc bánh mì Việt Nam cũng có thể thay thế một bữa ăn như bánh burger của Mỹ”.
Bánh mì kẹp - món ăn du nhập vào Việt Nam trở thành độc đáo, ngon vào loại nhất thế giới. |
Theo bà Phan Tôn Tịnh Hải, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề bếp Mint, bánh mì Việt Nam có tính hài hòa và thông vị. Hài hòa ở chỗ kết hợp nhiều thành phần mà không bị chênh lệch. Những thành phần trong và ngoài ổ bánh mình nho nhỏ, gọn gọn ấy vừa phong phú, tổng hợp khéo léo qua các vị giòn, mềm, béo, chua, nồng, cay, đậm, nhạt, và những khó tả hậu vị khác từ thịt, gan, mỡ, rau tươi, ớt... Sự hài hòa đó rất khó có trong các loại bánh mì thịt trên thế giới. Ví dụ, bánh mì thịt ở Trung Đông thiếu hài hòa do vị thịt cừu quá mạnh. Bánh mì Việt còn “thông vị”, tức một cái vị tổng quát, thông thoáng mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng dễ chấp nhận.
Đó là nhận xét chính xác!
Nghệ nhân ẩm thực dân gian Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nói như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động. Bà cho biết: “Trước năm 1975, bánh mì Việt Nam - do người Pháp đưa sang nên còn gọi là bánh Tây - đã rất ngon nhưng không có điều kiện phát triển thương hiệu. Về sau và cho đến bây giờ, trên con đường phiêu lưu về ẩm thực, bánh mì Việt đã trở nên ngon nhất thế giới, qua mặt cả bánh burger”.
Người Việt đi đâu cũng đưa bánh mì theo và bánh mì không chỉ phục vụ cho người Việt. Ở Pháp bây giờ, nhiều người dùng bánh mì Tây kẹp gia vị Việt, thịt kiểu Việt. Ở Mỹ, hệ thống cửa hàng bánh mì Lee’s sandwich của một người Việt đã phát triển ra hàng chục bang của nước này, nổi tiếng chỉ sau Phở Hòa Pasteur. Ở Montreal - Canada cũng có một số tiệm bánh mì tại các shopping mall hiệu Cao Thắng sandwich... Bà Phan Tôn Tịnh Hải kể: “Bon Mee - xe bánh mì mà tôi bắt gặp ngay trong sân trường ĐH Harvard (Mỹ) - sau khi tiếp xúc mới biết là tiếng nói trại ra từ “bánh mì”. Nếu tới trường ĐH ẩm thực danh tiếng nhất trên thế giới là Culinary Institute of America (CIA, New York - Mỹ), bạn cũng sẽ thấy bánh mì Việt Nam (viết rõ là “Bánh Mì”) như là một món thông dụng”. Qua đó cho thấy sức sống và sức hút của bánh mì Việt rất mãnh liệt.
Cũng theo bà Vân, hầu như người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng ăn bánh mì kẹp thịt thuần Việt trong khi người Việt đi Tây chưa chắc ăn bánh burger. Hiện có hàng loạt thương hiệu fast food, trong đó có nhiều loại bánh mì ngoại, du nhập Việt Nam nhưng vẫn không thể đánh gục được bánh mì, dù chỉ là những chiếc xe đẩy bán ven đường! Yếu tố làm nên “sức mạnh” của bánh mì chính là tính cộng đồng rất lớn. “Bánh mình kẹp thịt Việt Nam xứng đáng là món ăn ngon nhất, nhì thế giới vì có đủ tinh bột, thịt, gia vị, đồ chua, rau… và có thể ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày; giá cũng khá rẻ” - bà Vân nói.
Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: Chả giò, phở của Việt Nam đã rất nổi tiếng, nay thêm bánh mì được tôn vinh sẽ giúp thế giới biết đến ẩm thực Việt nhiều hơn. Bà Đỗ Mỹ Hạnh: Việt Nam còn rất nhiều món fast food truyền thống khác có thể trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới như bún, phở, miến… Ông Hoàng Tùng: Bánh mì Việt Nam được tôn vinh rất nhiều nhưng chưa có thương hiệu chuỗi bánh mì Việt ở tầm quốc gia, chưa nói đến tầm quốc tế. |
(Theo NLĐ)