- Châu Âu không thể quên những mùa đông lạnh lẽo trông chờ vào nguồn khí đốt từ Nga, Ukraina và nhiều nước Đông Âu hẳn chưa thoát nỗi ám ảnh từ những cuộc khủng hoảng khí đốt khi Nga cắt nguồn cung. Chơi bài ngửa với con bài chiến lược dầu khí, Putin đã khiến Âu, Mỹ đứng ngồi không yên.

Sức mạnh và sự tự tin

Đúng như dự đoán của dư luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt bút ký hiệp ước sáp nhập bán đảo Biển Đen vào Liên bang Nga chỉ 2 ngày sau khi Crimea trưng cầu dân ý. Không chỉ quyết đoán trong hành động, ông Putin đã tấn công trực diện vào Âu, Mỹ với những lời lẽ thẳng thắn, không hề e ngại.

Tất cả những hành động và lời nói của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu vừa đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức và giới tài phiệt Nga, Crimea và cảnh báo sẽ trừng phạt mạnh tay nữa nếu Crimea sáp nhập vào Nga.

Tuy nhiên, những gì mà dư luận bàn luận sôi động có lẽ chỉ là Âu, Mỹ sẽ tiếp tục đe dọa Nga ra sao, trừng phạt thế nào là vừa đủ để không xảy ra trường hợp Nga quyết đầu với châu Âu.

{keywords}
Chơi bài ngửa với con bài chiến lược dầu khí, Putin đã khiến Âu, Mỹ đứng ngồi không yên

Những động thái mới nhất cho thấy, tất cả mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố không thiện chí với những lời cáo buộc như: "không công nhận", "không thể chấp nhận được", "trái pháp luật", "biện pháp trừng phạt bổ sung"...

Còn phương Tây dường như rất cẩn trọng trong các bước đi chống lại Nga và luôn để ngỏ cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao. Tất cả đều hiểu rằng, các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh tế, buôn bán vũ khí toàn cầu và quan trọng là những hợp tác về năng lượng, cụ thể là dầu và khí, nếu bị phá vỡ thì các bên đều thiệt hại nặng nề.

Ván bài ngửa với con bài chiến lược "dầu khí" của Putin xem ra sắp kết thúc một cách có hậu. Kế sách "mượn gió bẻ măng" của một con người "rất thông minh", "thẳng thắn một cách dữ dội", "yêu nước" và "biết giữ lời" như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nhận xét đã diễn ra theo một chiều hướng có lợi cho Putin. Nga "được việc" và mới chỉ bị trừng phạt kinh tế ở một mức độ rất nhẹ, tập trung vào các cá nhân.

Mạch máu dầu khí Nga trong lòng châu Âu

Những phản ứng có "chừng mực" của EU trong những ngày vừa qua phần nào cho thấy, con bài chiến lược của Putin đã thực sự có tác dụng. Mỹ mạnh là vậy nhưng dường như "nước xa không cứu được lửa gần". Một châu Âu khát năng lượng, phụ thuộc vào năng lượng không thể đánh đổi sự phục hồi kinh tế để có những biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với nước Nga.

Đây có lẽ là một thành công mới nhất của Putin, sau cú giải cứu Sirya ngoạn mục của Nga và vụ một mũi tên trúng hai đích Snowden, vừa được tiếng nhân quyền vừa không cần ra tay mà vẫn khiến Mỹ bẽ mặt.

{keywords}

Trên thực tế, Putin đã rất thành công trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất và cũng thành công trong nhiệm kỳ hai, mà chủ yếu nhờ vào sức mạnh năng lượng, cụ thể là dầu và khí.

Giá dầu và khí tăng vọt khiến cho nhiều nước, nhiều khu vực lao đao nhưng lại là cơ sở để cho kinh tế Nga hồi phục. Nga dần lấy lại vị thế cường quốc, mở rộng ảnh hưởng lên chính những khu vực đang muốn hoặc/và bị lôi kéo xa rời Moscow.

Trong lịch sử cuộc chiến dầu khí, con bài này đã được dùng đến từ lâu. Tuy nhiên, kể từ khi Putin lên nắm quyền có lẽ nó mới thực sự hiệu quả. Châu Âu lo ngại, Mỹ cũng biết điều này nhưng dường như họ không có biện pháp hữu hiệu nào để khắc phục được điểm yếu cố hữu của EU.

Trong khi hệ thống các đường dẫn dầu và khí của Nga ngày một được mở rộng, vươn ra khắp châu Âu như những "mạch máu" nuôi một cơ thể thì Mỹ, với trữ lượng dầu lớn và kho dự trữ khí tự nhiên khổng lồ, lại không thể giành ưu thế, không tạo đối trọng trước Nga trong vấn đề Ukraine.

Mỹ dường như đang gặp rất nhiều khó khăn hoặc có chủ ý trong việc khai thác nguồn năng lượng của mình. Cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này vẫn rất khiêm tốn so với hệ thống rộng lớn của Nga với lượng khí cung cấp cho EU ước tính lên tới hơn 30%.

Với vị trí địa lý quá xa châu Âu, và có thể trong chính sách riêng của mình, Mỹ có lẽ đã hết cách giúp Ukraine và châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga. Điều này có thể còn xảy ra cả trong tương lai xa bởi việc cung cấp dầu khí ở Mỹ là do các công ty tư nhân, dựa trên cung cầu, giá cả.

Vì thế, chính sách dầu khí giá rẻ của Mỹ mà nhiều chuyên gia đang tính tới có lẽ khó lòng thực thi. Nếu quả là như vậy, rất khó để phương Tây ra đòn mạnh tay trấn át một nước Nga đang lấy lại vai trò và ảnh hưởng của mình, nhất là khi nước này có thể được Putin dẫn dắt tới năm 2024 với mỗi nhiệm kỳ được kéo từ 4 lên 6 năm.

Ở thời đại mà nền kinh tế các nước phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện nay, việc trừng phạt nhau ở mức độ sát phạt giữa các cường quốc có lẽ khó xảy ra. Nga cũng muốn yên ổn để kinh tế phát triển, trong khi châu Âu cũng muốn yên thân và muốn hợp tác về năng lượng chặt chẽ với Nga.

Huấn Tú