Nội tạng thối tẩy hoá chất được bán tràn lan tại nhiều chợ ở TP.HCM, gia cầm giết mổ trong nhà vệ sinh, bánh kẹo hết hạn, bún phở sử dụng hoá chất... lại một lần nữa khiến người tiêu dùng hoang mang vì thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan.
Giặt... nội tạng thối thành món đặc sản
Trong vai người cần mua buôn nội tạng để làm món nhậu cho khách, phóng viên một tờ báo được một chủ hàng tại chợ tự phát gần cầu Rạch Đĩa 1, đường Lê Văn Lương, P. Tân Hưng, Q.7, TP.HCM đon đả mời mua nội tạng với giá từ 8.000 - 25.000 đồng/kg. Tất cả các loại nội tạng từ heo, trâu, bò đến gà có tất, cần bao nhiêu chủ quầy cũng đáp ứng được.
Chủ hàng này cho biết, đây đều là nội tạng bẩn được tuồn vào TP.HCM rồi ngâm hóa chất xử lý mùi trước khi đem luộc để không có mùi hôi. Dù nội tạng để lâu ngày bốc mùi ôi thiu nồng nặc nhưng chủ hàng vẫn khẳng định "em giặt kỹ rồi, chế biến xong có tí mùi là em đi bằng đầu”.
Công đoạn “giặt” nội tạng. |
Chứng kiến cảnh các chủ tiệm xử lý nội tạng bằng cách giặt tẩy như… quần áo khiến bất cứ ai cũng phải giật mình và buồn nôn. Sau khi xả nước mạnh để rã đông, cứ một thau nội tạng đầy được ướp với một nắp hóa chất chuyên dùng để xử lý thịt động vật, gia cầm, cá… ươn thối đựng trong chai nước xả vải rồi dùng tay nhồi. Nhồi càng lâu, bọt nhờn đặc quánh nổi lên càng nhiều.
Khi hỏi về sự độc hại của hóa chất tẩy, chủ quầy trả lời như một chuyên gia trong ngành hóa chất: “Pha đúng liều lượng, một nắp với 5 lít nước là an toàn. Hiện nay, nhiều người dùng thứ này, bán đầy ở chợ Kim Biên”. Thế nhưng khi nội tạng giặt xong, vừa bày lên sàn là ngay lập tức ruồi nhặng bâu kín. Dù nhang muỗi được đốt lên để “đuổi” ruồi, nhưng chẳng ăn thua gì.
Nội tạng luộc bán chung với hàng cá. |
Tại chợ Phước Lộc (đường Đào Sư Tích, huyện Nhà Bè, TP.HCM) - “thánh địa” của nội tạng bẩn, giá nội tạng chỉ 12.000 đồng/kg. Khách có nhu cầu mua từ 3 kg trở lên sẽ được xử lý mùi trước khi giao hàng. Không xử lý bằng loại hóa chất thể lỏng như những nơi khác mà ở đây sử dụng loại bột mịn màu trắng, không mùi. Chỉ sau vài phút, mớ nội tạng đen sì đã trở nên trắng phau.
Một chủ quầy chia sẻ: “Loại bột này tẩy rửa cực nhanh, giá đắt hơn các loại nước khác. Khi ngâm nội tạng trong nước có pha bột này, không chỉ làm mất mùi hôi, tanh mà còn làm cho nội tạng săn lại, ăn dòn và dai hơn chẳng khác nào nội tạng tươi”. Khi được hỏi về nguồn gốc của nội tạng, người bán có vẻ dè dặt hơn: “Người ta đem đến bỏ”.
Bác sĩ Phạm Khắc Trí, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Việt - Pháp khuyến cáo: "Ăn nội tạng bẩn qua xử lý bằng hóa chất chẳng khác nào ăn phải thuốc độc. Trong quá trình giết mổ, vận chuyển, nội tạng đã nhiễm mầm bệnh. Bảo quản không đúng cách, hoặc đông lạnh lâu ngày, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi. Nội tạng để lâu ngày có hàm lượng độc tố cao, gây nhiễm khuẩn, vi sinh đường tiêu hóa. Nếu sử dụng nhiều có thể gây ngộ độc, nguy cơ gây ung thư cao, nặng thì chết người ngay sau khi ăn".
"Hô biến" thịt heo thành khô bò
Chiều 6-9, Đội cảnh sát kinh tế công an Q.Bình Tân, TP.HCM đã bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH sản xuất thương mại thực phẩm Thanh Ly nằm tại số 711 Lê Trọng Tấn (phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), tạm giữ khoảng 10 tấn hàng hóa có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng. Cụ thể, công ty này đã mua thịt heo về rồi chế biến, tẩm ướp gia vị để “thịt heo biến thành khô bò” nhằm lừa dối khách hàng.
Thịt heo giả thịt bò. |
Khi kiểm tra, bên trong kho xưởng sản xuất la liệt những thau nhôm lớn đựng đầy thịt heo. Nhiều thùng hóa chất màu cam, màu đỏ dùng để tẩm ướp thịt heo cũng được phát hiện. Mặc dù nguyên liệu là thịt heo thế nhưng trong kho lại có hàng trăm thùng khô bò thành phẩm đã được đóng gói kĩ lưỡng để chuẩn bị xuất xưởng.
"Bò khô" giả thành phẩm. |
Theo lời khai của hơn 20 công nhân đang làm việc tại thời điểm kiểm tra, họ sơ chế thịt heo rồi tẩm ướp nguyên liệu để thịt heo thành khô bò, đóng gói bán ra thị trường. Qua kiểm tra ban đầu, các cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ khoảng 3,5 tấn thịt heo và 6,5 tấn thịt heo đã biến thành khô bò.
Nguyễn Thị Thanh Ly (sinh năm 1975, quê Quảng Ngãi) - giám đốc công ty, khai nhận đã mua thịt heo với giá 60.000 đồng/kg. Sau khi chế biến thành khô bò bán với giá hơn 200.000 đồng/kg. Công an Q.Bình Tân đã niêm phong toàn bộ lô hàng và mang mẫu thực phẩm vi phạm đi kiểm tra, xét nghiệm.
Cơ sở sản xuất bún, phở sử dụng chất tẩy gỉ sét
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm từ tinh bột ở Vĩnh Long sử dụng axít oxalic - được dùng làm chất tẩy rửa gỉ sét - và chất bảo quản Natri benzoat.
Cụ thể, theo kết quả công bố ngày 31/8, trong 20 mẫu thực phẩm được sản xuất từ tinh bột lấy tại 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở, bánh lọt, bánh hỏi… Trong 14 mẫu chứa chất hóa học vượt mức cho phép và bị cấm có chất tẩy trắng được sử dụng trong công nghiệp là Tinopal, axít oxalic và chất bảo quản Natri benzoat.
Trong tháng 8 vừa qua, có hơn 30 mẫu thực phẩm sản xuất từ tinh bột ở Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và TP Cần Thơ bị phát hiện chứa Tinopal và axít oxalic. Nhiều nhất là Đồng Tháp với 19 mẫu tại 16 cơ sở sản xuất thực phẩm với liều lượng Tinopal chiếm 0,33-14 mg/kg.
Được biết, Tinopal là hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nếu vào cơ thể có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương những mao mạch. Do đó, cơ thể khó khăn trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng như tiêu hóa thức ăn.
Còn axít oxalic được dùng trong những chai hóa chất tại gia đình như chất tẩy rửa, đánh gỉ sét. Dung dịch axít oxalic thường được sử dụng trong phục chế đồ gỗ do hóa chất này đánh bay lớp mặt gỗ bị khô để lộ ra lớp gỗ mới phía dưới. Axít oxalic kích thích niêm mạc ruột khi tiêu thụ và có thể gây tử vong khi nhiễm liều cao.
Lò giết mổ gia cầm nằm trong nhà vệ sinh
Trong lúc tiến hành kiểm tra khu chợ tạm tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm – Hà Nội), lực lượng kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội phát hiện một lò mổ kinh hoàng nằm giữa khu nhà vệ sinh hôi thối. Lò mổ chưa đầy 5 m² quyện đầy máu, phân và lông gia cầm. Dụng cụ giết mổ phủ cáu bẩn. Nước rửa thịt gia cầm được lấy từ nước dội nhà vệ sinh nằm ngay giữa lò.
Lò mổ chưa đầy 5 m² đen kịt và bẩn thỉu. |
Khu giết mổ gia cầm này nằm giữa khu nhà vệ sinh hôi thối và sử dụng nước từ thùng chứa dội bồn cầu. |
Dụng cụ giết mổ, thùng đựng nước nóng, lồng nhốt, bếp đung phủ kín cáu bẩn. |
Thấy đoàn kiểm tra, nữ chủ lò ra sức phun nước gột rửa nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Ông chủ thì vội vàng tống những con gà bám đầy máu và phân vào nồi giấu kín. Đoàn kiểm tra liên ngành kết luận, cơ sở này vi phạm nghiêm trọng quy định về VSATTP.
Bánh kẹo hết hạn 2 năm vẫn bày bán
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm chất lượng mặt hàng bánh trung thu, Thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện một số mẫu bánh vi phạm thậm chí có loại hết hạn sử dụng nhiều năm.
Cụ thể, tại cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô thời vụ trên phố Bạch Mai (nằm đối diện số 516 Bạch Mai), đoàn kiểm tra đã phát hiện 28 thùng hàng gồm bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean (không phải sản phẩm Kinh Đô) có giá trị 2,5 triệu đồng đã hết thời hạn sử dụng năm 2010, 2011. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh này cho rằng, họ chỉ dùng những thùng bánh này để kê vào các góc của gian hàng.
Cũng trong đợt này, Đoàn Thanh tra liên ngành đã kiểm tra 85 cơ sở sản xuất bánh trung thu, tạm giữ 264 chiếc bánh để giám định chất lượng. Qua lấy 24 mẫu sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo để kiểm nghiệm, cho thấy có 4/12 mẫu có sử dụng chất bảo quản (trong ngưỡng cho phép), còn một số tiêu chí khác về khuẩn ecoli, nấm mốc... vẫn đang chờ kết quả do thời gian giám định cần 7-10 ngày.
(Theo Trithuctre)